II. KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN
5. Di chuyển vốn
Như chúng ta đã biết, vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng “trống rỗng” bên trong đặc biệt trầm trọng. Tình trạng này là do các công ty bắt đầu ồ ạt di chuyển cơ sở sản xuất ra bên ngoài. Thực tế, các công ty Nhật Bản đã bắt đầu di chuyển sản xuất ra bên ngoài từ những năm 50 và 60. Ngay từ thời kỳ đầu của quá trình “xuất khẩu vốn”, các công ty đã chú trọng vào thị trường châu Á, đặc biệt là các ngành sản xuất đồ điện công nghiệp và gia dụng, chế tạo máy, hoá học... Lý do gì buộc các công ty phải di chuyển như vậy?
Thứ nhất, đó là do nhu cầu đầu tư trong nước đã vượt quá cung đầu tư của các công ty. Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng vượt quá cung về tiêu dùng. Thứ ba, do nhu cầu quốc tế hoá đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các nước, nhất là sau Hiệp nghị Plaza năm 1985. Việc xúc tiến đầu tư sang các nước đang phát triển, đặc biệt là sang các nước châu Á đã giúp cho các công ty Nhật Bản cắt giảm chi phí như chi phí về tiền lương chi phí về nguyên vật liệu... Đồng thời cũng giúp cho các công ty mở rộng thị trường tiêu thụ; tiết kiệm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu do có thể tận dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có tại chỗ. Có thể thấy rằng,
việc đầu tư vốn ra nước ngoài của các công ty Nhật Bản là một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng bế tắc hiện nay - đó là giảm chi phí tiền lương trong nước và giải quyết được tình trạng hàng hoá sản xuất ra không có nơi tiêu thụ (bảng 3). Qua số liệu về tỷ lệ tiêu thụ hàng hoá của các công ty con của Nhật Bản đầu tư vào thị trường châu Á có thể thấy rằng, một tỷ lệ lớn hàng hoá sản xuất tại các nước châu Á đều được tiêu thụ ngay tại thị trường nước sở tại hoặc xuất khẩu sang các nước thứ 3 và chỉ có một tỷ lệ nhỏ được xuất khẩu trở lại thị trường Nhật Bản.
Xu hướng gần đây cho thấy các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự điều chỉnh trong thị trường đầu tư. Đối với các công ty lớn thường có các dự án qui mô nên chuyển đổi thị trường đầu tư chậm hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên thực tế trong những năm qua nhiều doanh nghiệp nhỏ đã rút lui khỏi thị trường EU và Mỹ. Điều này gắn liền với việc giảm mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp này trên thị trường bản địa. Chẳng hạn trên thị trường Anh, hoạt động kinh doanh của các SME Nhật Bản sau khi phục hồi vào năm 1999 lại bị giảm sút ngay vào những năm sau. Trên thị trường Mỹ tình trạng cũng không có gì khả quan hơn vì vào thời kỳ 1999 - 2000 tình hình kinh tế Mỹ bộc lộ những khó khăn và có chiều hướng giảm sút. Đối với thị trường Trung Quốc, nửa cuối những năm 90 đã xuất hiện cao trào kinh doanh mới của các doanh nghiệp Nhật trên địa bàn này, song gần đây do những thay đổi trong điều kiện kinh doanh gắn liền với việc bãi bỏ một số ưu đãi và có những qui định chặt chẽ hơn về thuế cũng dẫn đến tình trạng một số SME rút khỏi thị trường này.
Trên thực tế mặc dù Nhật Bản khuyến khích tự do hoá về vốn và mở rộng thị trường đầu tư song mới chỉ là “mở cửa ra bên ngoài”. Thị trường vốn và đầu tư trong nước vẫn còn là đóng cửa đối với nguồn vốn từ bên ngoài. Điều này phần nào là do bản thân nguồn vốn trong nước đã
quá dư thừa nên Nhật Bản không có nhu cầu tiếp nhận thêm nguồn vốn từ bên ngoài. Mặt khác, có thể lý giải điều này là do tính chất khép kín của các công ty Nhật Bản. Người Nhật vốn coi công ty như gia đình mình, không muốn tiếp nhận người ngoài. Do vậy, mà các công ty Nhật Bản nói riêng và nền kinh tế Nhật Bản nói chung vẫn luôn đóng cửa đối với bên ngoài. Điều này được thể hiện rất rõ khi ta nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế của Nhật Bản, trong những năm gần đây chính phủ Nhật đã có sự quan tâm hơn đối với đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rõ trong chương trình cải cách của chính phủ Ông Koizumi xem thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Ở tầm vĩ mô chính phủ đã công bố Luật Ngoại hối sửa đổi cho phép tự do hoá hoàn toàn giao dịch ngoại hối và xoá bỏ nhiều qui định nhằm làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh. Do vậy trên thực tế từ năm 1988 lại đây dòng FDI vào Nhật Bản đã tăng cao. Theo số liệu thống kê năm 1998 tổng kim ngạch FDI vào Nhật đạt 1340 tỷ yên, gấp hai lần năm 1997. Các năm 1999 và 2000, hàng năm FDI tăng lên so với mức của năm trước khoảng 1.000 tỷ yên.
Điều cần thấy là, tuy mức FDI vào Nhật có tăng trong những năm gần đây, song so với mức FDI đổ vào thị trường khác như Mỹ thì mức FDI vào Nhật là rất nhỏ bé. Sự nhỏ bé này còn thể hiện ở tỷ trọng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài bán trên thị trường Nhật Bản. Năm 1994 các công ty có vốn nước ngoài chiếm 1,2% tổng số hàng hoá và dịch vụ bán ra, năm 1998 là 1,4%.