I. NHỮNG YẾU TỐ CHỦ YẾU THÚC ĐẨY SỰ ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU KINH TẾ
4. Sự giảm sút dân số và xã hội người cao tuổi
Động thái biến đổi dân số là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch triển vọng về quốc thổ. Sự giảm sút dân số trong những thập kỷ vừa qua ở Nhật Bản được biểu hiện rõ rệt không chỉ ở các thành
phố lớn, các trung tâm mà cả những vùng sâu, vùng xa - nơi hầu như chưa có những dịch vụ văn minh của cuộc sống đô thị. Điều đó đã gây những hạn chế đối với việc bảo tồn, sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lực về đất đai cũng như đến các mặt phát triển kinh tế xã hội khác. Chẳng hạn, xét trong tất cả các độ tuổi trong toàn quốc trong vòng 50 năm qua dân số đã giảm xuống 21%, độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) giảm xuống 36%. Nếu xét từng vùng riêng biệt, trong thời kỳ tăng trưởng cao, từ thành thị đến nông thôn, dân số không có sự biến đổi đáng kể, nhưng trong những năm gần đây, mức độ tập trung dân số khu vực Tokyo và những quận, huyện trực thuộc thành phố tương đối cao. Kết quả là số người trong độ tuổi lao động ở các thành phố, thị trấn, làng xã thuộc những vùng trong bán kính 1 giờ1 đã giảm từ 40 - 60%, đối với các lứa tuổi khác từ 50 - 70%. Đối với các vùng lớn như Hokhaido, Shikoku có tỷ lệ giảm dân số lớn từ 30 - 40%.
Sự lão hoá dân số đã tăng lên một cách tương đối nhanh chóng trong tất cả các vùng của nước Nhật, cứ 3 người có một người cao tuổi. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến việc hình thành các hệ thống phúc lợi chăm sóc người cao tuổi mà cả sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung cũng như đến sự phân bổ và sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên quốc gia trong đó có đất đai. Do vậy, việc điều chỉnh lại quy hoạch phát triển vùng nhằm tạo sự phát triển kinh tế rộng khắp, tránh sự lệ thuộc các vùng vào một số trung tâm là rất cần thiết.