Cải cách trong quản lý

Một phần của tài liệu Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật bản trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 130 - 132)

II. KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN

3.Cải cách trong quản lý

Theo kết quả điều tra của Cục Kinh tế Nhật Bản năm 1999, cơ cấu tổ chức công ty theo kiểu Nhật Bản từ trước tới nay đã bộc lộ một số nhược điểm như việc ra quyết định được thực hiện theo hình thức từ dưới lên; cơ cấu tổ chức quá nhiều tầng; và thiếu sự liên kết giữa hoạt động kinh doanh ở cấp cơ sở với tính độc lập trong thanh quyết toán... Có thể nói rằng, cho tới nay, việc tiến hành cải cách cơ cấu của các công ty vẫn còn chậm chạp, chưa đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết hiện nay, đặc biệt là việc cải cách trong quản lý. Cho tới nay, việc ra quyết định vẫn theo cách thức từ dưới lên và mang nặng tính chất tập thể, hầu như không có cá nhân nào đứng ra tự chịu trách nhiệm trước một quyết định nào đó. Cải cách trong phương thức quản lý đòi hỏi phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người lãnh đạo, người lãnh đạo không được “ẩn mình” trong tập thể để quyết định bất kỳ một vấn đề nào. Ngay cả trong cách thức đánh giá, cách thức tính tiền lương và tiền thù lao đối với những người đứng đầu công ty cũng cần phải được xem xét lại. Chẳng hạn như chuyển từ chế độ hưởng theo thâm niên sang hưởng lương và thù lao theo trách nhiệm, hoặc căn cứ tính lương và thù lao là dựa vào thành tích mà công ty đạt được như thông qua giá trị cổ phiếu hoặc một vài chỉ số trên thị trường chứng khoán... Hiện nay một số công ty tư nhân đã thí điểm thành lập uỷ ban tiền lương bao gồm các thành viên ngoài công ty như mời lãnh đạo của công ty bạn hoặc công ty cạnh tranh để tham gia đánh giá và xem xét mức độ tiền lương mà lãnh đạo công ty được hưởng, công khai hoá các khoản thu nhập của người lãnh đạo. Như vậy, việc cải cách này trong quản lý sẽ góp phần tăng tính hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.

Hiện nay, một số công ty lớn đã bắt đầu bán cổ phiếu cho người nước ngoài và công ty nước ngoài. Có thể thấy rằng, số cổ phiếu do

người nước ngoài nắm giữ ngày càng tăng, đặc biệt từ năm 1990, khi nền kinh tế Nhật Bản rơi vào, tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản bắt đầu mở rộng cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng tại sao khi bản thân Nhật Bản đang dư thừa vốn trong nước lại mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào? Trước hết, đó là do sức ép từ bên ngoài yêu cầu Nhật Bản không chỉ mở cửa thị trường hàng hoá mà còn phải mở cửa thực sự đối với thị trường vốn. Thứ hai, Chính phủ Nhật Bản nhận thấy rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hoá và của công nghệ thông tin, nếu không thay đổi cách thức quản lý theo chiều dọc và cách thức kinh doanh theo kiểu Nhật Bản sang phương thức quản lý mới theo chiều ngang và phương thức kinh doanh linh hoạt theo kiểu phương Tây thì khó có thể vực lại được nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng hiện nay và khó có thể đứng vững trong cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Song song với việc mở cửa thị trường vốn là sự cho phép người nước ngoài được làm giám đốc công ty, một điều chưa từng thấy trong lịch sử phát triển kinh tế của Nhật Bản. Ví dụ, một trong những hãng ô tô hàng đầu của Nhật Bản là Nissan đã bán hơn một nửa cổ phần của mình cho hãng ô tô Reuneu nổi tiếng của Pháp, và Nissan Nhật Bản đã chấp nhận một giám đốc người Pháp quản lý công ty. Phải nói rằng, kể từ khi giám đốc người Pháp này lên làm quản lý thì trong bản thân hãng Nissan đã có nhiều sự thay đổi, hiệu quả sản xuất và kinh doanh của công ty đã tăng lên đáng kể, và bắt đầu lại có lãi kể từ sau khi nền kinh tế bong bóng tan vỡ. Sự thay đổi không chỉ diễn ra trong cung cách quản lý, trong cơ cấu sắp xếp tổ chức mà diễn ra trong cả cung cách làm việc của người làm công ăn lương và của công nhân trong quá trình sản xuất. Nếu trước đây, bất kỳ một sáng kiến nào cũng đều phải mất nhiều thời gian trước khi đi vào sản xuất thử. Nhưng với cách quản lý hiện nay thì bất kỳ sáng

kiến cải tiến nào, bất kỳ một ý kiến đóng góp nào đều được ban lãnh đạo nghiên cứu ngay và đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay. Thời gian từ khi đề xuất ý kiến hay sáng kiến đến khi tiến hành sản xuất thử và đưa ra thăm dò thị trường đã rút ngắn xuống còn một nửa. Như vậy, tính cạnh tranh của hãng Nissan được nâng cao và nhờ vậy đã dần lấy lại phần thị trường bị mất trước đây.

Một phần của tài liệu Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật bản trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 130 - 132)