I. KHU VỰC KINH TẾ CÔNG CỘNG
3. Mục đích của tư nhân hoá
Quá trình tư nhân hoá khu vực kinh tế công cộng ở Nhật Bản nhằm mục đích chính là tăng tính hiệu quả và tăng tính minh bạch, rõ ràng trong quản lý khu vực kinh tế này. Chính phủ khuyến khích các công ty sau khi tư nhân hoá áp dụng kỹ thuật quản lý mới, hay còn gọi là “quản lý công cộng mới” (new public management). Việc quản lý đặc biệt này chủ yếu nhằm:
- Quay vòng các dịch vụ công cộng thông qua tư nhân hoá, nhằm phát huy ưu thế của cơ chế thị trường trong việc hiệu quả hoá các dịch vụ xã hội.
- Đánh giá hoạt động của bộ phận thực hiện trong quản lý nhằm kiểm soát bộ phận này, tránh tập trung hoá và tăng thêm điều kiện, quyền hạn cho bộ phận này.
- Tăng cường tính minh bạch, rõ ràng trong quản lý.
Có thể khái quát mô hình chuyển giao giữa công - tư như ở sơ đồ 1. Sự chuyển giao này cho thấy Chính phủ Nhật Bản đã ưu tiên hàng đầu cho quản lý có hiệu quả, tạo sự cạnh tranh giữa các bộ phận thực hiện trong cùng một tổ chức, đồng thời cũng khuyến khích sự cạnh tranh giữa các tổ chức tư nhân nhằm tạo hiệu quả kinh doanh lâu dài. Theo các quy luật về kinh tế, có cạnh tranh thì mới có sự phát triển. Bởi vậy, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế công cộng nói riêng và của nền kinh tế nói chung, chính phủ đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình tư nhân hoá một số công ty công cộng (quốc doanh), tạo ra sự cạnh tranh giữa các công ty. Trong việc thúc đẩy quá trình này, chính phủ đã đặc biệt chú ý tới việc làm thế nào để duy trì một cách tốt nhất hoạt động của khu vực này, bảo đảm mối quan hệ giữa an sinh xã hội và lợi ích về tài chính, và đồng thời vẫn đảm bảo sự đóng góp của nhà nước trong việc duy trì một nền tài chính lành mạnh. Tư nhân hoá nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả của các dịch vụ công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Một vấn đề nữa chính phủ Nhật Bản rất quan tâm giải quyết, đó là việc duy trì sức sống kinh tế thông qua việc xem xét lại mục tiêu và mức độ của các lợi ích an sinh xã hội nhằm ứng phó với xã hội đang bị lão hoá.