Điều chỉnh cơ cấu kinh tế ngành

Một phần của tài liệu Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật bản trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 157 - 163)

II. ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU KINH TẾ Ở NHẬT BẢN TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế ngành

Trong thời gian tới, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành sẽ diễn ra theo các hướng cơ bản sau:

a. Xây dựng một quốc gia công nghệ thông tin tiên tiến toàn cầu

Rất nhiều nhà kinh tế học cho rằng trong thế kỷ XXI, Nhật Bản sẽ xây dựng một xã hội thông tin trên cơ sở của dịch vụ tin học. Về mặt này, Nhật Bản không chịu thua kém Mỹ và các nước Tây Âu. Theo dự báo, trong vòng 2 thập niên đầu thế kỷ XXI, tỷ trọng các ngành công nghiệp tin học nói chung ở Nhật Bản sẽ chiếm tới 30 - 40% giá trị của các ngành công nghiệp truyền thống. Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng "Chương trình công nghệ thông tin" - giai đoạn 2001 - 2005 theo hướng khuyến khích sử dụng hệ thống sợi quang hợp, tạo điều kiện thuận lợi lắp đặt sợi quang hợp trong các gia đình và chuẩn bị pháp luật để xây dựng những nguyên tắc về trách nhiệm đối với người cung cấp dịch vụ Internet và những người làm công việc điều hành tương tự. Nhật Bản đã tuyên bố là trước năm 2010 sẽ xây dựng xong mạng lưới cáp quang và xa lộ thông tin siêu cao tốc ở khắp nơi trong toàn quốc.

Việc xây dựng xa lộ thông tin siêu cao tốc ở Nhật Bản trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI sẽ đưa ngành tin học đi lên trở thành ngành sản xuất chủ đạo ở Nhật Bản: Có thể coi đây là ngành sản xuất thứ 4 bên cạnh 3 ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Sở dĩ như vậy vì các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ được ra đời trong phạm vi tái sản xuất từ liệu vật chất, trong đó ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp thuộc về khâu sản xuất, ngành dịch vụ thuộc về

khâu lưu thông, phân phối và tiêu dùng; còn ngành tin học thì đã vượt qua phạm vi của quá trình tái sản xuất tư liệu vật chất, nó tách ra từ ngành sản xuất thứ 3 và bao gồm các phạm vi cơ cấu của sức lao động trí óc, trí tuệ và kỹ năng. Đây sẽ là ngành hạt nhân của nền kinh tế trong thế kỷ XXI. Thông qua sự thâm nhập vào các ngành kinh tế truyền thống khác, ngành công nghệ thông tin sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các ngành kinh tế truyền thống, tạo ra sự điều chỉnh cơ cấu của các ngành này, cải thiện phương thức sản xuất và phương thức quản lý xí nghiệp. Đồng thời nó sẽ làm cho việc quản lý chung của chính phủ và xí nghiệp có thể dễ dàng hơn, chính xác và kịp thời hơn thông qua việc hình thành chính phủ điện tử trong một vài năm tới.

Trong ngành công nghiệp viễn thông, Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng xây dựng một hệ thống viễn thông có hiệu suất cao, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của sản xuất và đời sống. Các chương trình phổ cập hoá kỹ thuật số, nâng cấp hệ thống thông tin vô tuyến, mở rộng và xây dựng mới các vùng có tần số mới, áp dụng kỹ thuật hiện đại cho hệ thống thông tin di động, mở rộng và nâng cao hiệu quả mạng thông tin vệ tinh... Chính phủ sẽ tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, khuyến khích sự kết hợp giữa kinh doanh thông tin di động và thông tin vệ tinh; từng bước tạo ra mạng lưới thông tin tinh xảo, có hiệu quả cao trên cơ sở áp dụng kỹ thuật hiện đại và sự kết nối của các hệ thống thông tin vô tuyến và thông tin hữu tuyến.

Xây dựng một xã hội thông tin là một tương lai rất gần đối với Nhật Bản. Ý đồ thực sự của Chính phủ Nhật Bản là muốn dựa vào những ưu thế của kỹ thuật tin học - điện tử - truyền thông của chính mình để đem lại những mốc tăng trưởng mới cho nền kinh tế và tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Trong quá trình này, Nhật Bản đang phải chạy đua căng thẳng với Mỹ, Tây Âu, Xingapo, Hàn

Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Xã hội thông tin sẽ trở thành một trào lưu mang tính lịch sử của nền kinh tế thế giới, do vậy những biện pháp và đối sách thích hợp là rất quan trọng để Nhật Bản nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trên thị trường quốc tế.

b. Đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học và vật liệu mới

Hai loại công nghệ này đã được Chính phủ Nhật Bản ưu tiên phát triển kể từ cuối thế kỷ XX. Bước sang thế kỷ XXI, đây vẫn là 2 ngành được chính phủ tập trung chú ý phát triển. Trong kế hoạch cải cách cơ cấu công nghiệp ban hành vào cuối năm 2001, vấn đề phát triển công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng và công nghệ vật liệu mới được chính phủ quan tâm thích đáng nhằm mục đích chuẩn bị và xây dựng một xã hội giảm thiểu những tác động của hiệu ứng nhà kính, bù đắp hiệu quả sự cạn kiệt về tài nguyên và sản sinh ra những sản phẩm hoàn toàn mới phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Trong thế kỷ XXI, Chính phủ Nhật Bản chú trọng đến việc phát triển các kỹ thuật khai thác biển (đặc biệt là kỹ thuật khai thác dầu khí và khoáng chất), các công nghệ gen phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hàng không nhằm thám hiểm và khai thác mặt trăng, vũ trụ... Nhật Bản đã có kế hoạch thành lập tập đoàn khai thác vũ trụ (NASDA), thành lập hệ thống công ty chở người lên vũ trụ (JAMSS)... và dự tính sẽ phát triển các phòng thí nghiệm trên không, xây dựng các viện điều dưỡng trên không, xây dựng các thành phố trên không... trong thế kỷ XXI. Xét trong tương lai gần, người Nhật hy vọng rằng, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới sẽ giúp giảm bớt số giờ làm việc của công nhân lao động và thay vào đó là máy móc; hoa quả, ngũ cốc và lương thực mới, thay vì nhập khẩu sẽ được thay thế bằng việc sản xuất trong các nhà máy kỹ thuật sinh học; năng suất nông nghiệp tăng cao; con người có khả năng tránh được những nguy hại của

bụi bặm, tia cực tím..., bảo vệ được sức khoẻ nhờ có nhiều sản phẩm sinh học mới... Trong 2 lĩnh vực công nghệ này, Nhật Bản cố gắng sẽ đuổi kịp Mỹ, đồng thời tiếp tục nhập khẩu các phát minh công nghệ tiên tiến từ Mỹ và Tây Âu. Công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới sẽ giúp Nhật Bản hình thành nên một cơ cấu kinh tế mới, đó là cơ cấu dựa chủ yếu vào chất xám, vào trí thức để tạo ra một mô hình tăng trưởng mới trong thế kỷ XXI.

c. Xu hướng điều chỉnh trong các ngành sản xuất truyền thống

Điều chỉnh cơ cấu ngành sản xuất truyền thống là xu hướng phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế và sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong vài thập kỷ tới. Đặc điểm điều chỉnh của nó là:

+ Tỷ trọng của ngành dịch vụ sẽ không ngừng đi lên: Dự kiến trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, tỷ trọng của khu vực này sẽ chiếm hơn 80% GDP, bao gồm dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán, hàng không, viễn thông, du lịch... Trong nhiều dịch vụ đó, chính phủ đặc biệt chú trọng đến việc điều chỉnh cơ cấu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và chứng khoán. Điều này nhằm loại bỏ những hạn chế của nền kinh tế bong bóng thời gian qua và những tác động tiêu cực do khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 mang lại. Kế hoạch điều chỉnh này được dự tính như sau:

- Thanh toán triệt để các khoản nợ khó đòi (NPLs) trong các công ty, nhằm từng bước khôi phục kinh tế. Để giảm bớt NPLs trong vòng ít nhất 3 năm các biện pháp đưa ra là: tăng cường việc thanh tra các ngân hàng lớn, yêu cầu các ngân hàng lớn công khai thông báo tài chính, tiếp tục có sự phối hợp giữa ngân hàng phát triển Nhật Bản (DBJ), Hội đồng giải thể và thu hồi (RCC), các nhà đầu tư tư nhân... để giải quyết NPLs bằng cách mua cổ phần nợ, chuyển đổi các khoản nợ và giúp các công ty

- Cải cách cơ cấu thị trường chứng khoán bằng việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán và xem xét hệ thống thuế chứng khoán ngay khi có thể.

- Nhờ những cải cách điều chỉnh như trên, dự báo trong 10 năm tới, Nhật Bản sẽ có hệ thống tài chính, ngân hàng hiệu quả và hiện đại.Trong tương lai, chính phủ dự tính sẽ đưa hệ thống tin học điện tử vào quản lý các dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế, xã hội, bảo hiểm và các loại dịch vụ khác. Chẳng hạn, chính phủ đang tiến hành các dịch vụ chăm sóc y tế trên cơ sở công nghệ thông tin bằng cách thiết lập một cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin chăm sóc y tế mới nhất thông qua mạng Internet cho cả những người chuyên nghiệp, chăm sóc y tế lẫn bệnh nhân; thiết lập một hệ thống bảo hiểm chăm sóc y tế dựa trên những hồ sơ bệnh án điện tử và các dịch vụ này được thanh toán bằng các hoá đơn thanh toán trực tuyến. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ sẽ làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu các loại hình dịch vụ, tạo ra các loại hình dịch vụ mới mang tính hiện đại và hiệu quả. Tăng cường dịch vụ hoá nền kinh tế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội, đẩy nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật và tạo thuận lợi cho bước nhảy vọt về chất trong tất cả các ngành sản xuất.

+ Các ngành công nghiệp truyền thống cũng sẽ được điều chỉnh và

chuyển hướng. Sự điều chỉnh được thực hiện theo hướng nâng cao tỷ lệ

các ngành công nghiệp tri thức và các ngành sản xuất kỹ thuật tập trung trong toàn bộ cơ cấu công nghiệp và tỷ lệ các ngành sản xuất thô, sơ chế sẽ giảm mạnh. Các ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trong thập kỷ tới sẽ là những ngành kỹ thuật mũi nhọn như công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp hoá chất... Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp truyền thống sẽ đổi mới hệ thống quản lý theo hướng linh hoạt, hiệu quả, có nhiều thay đổi trong chính sách sản phẩm

theo hướng nâng cao chất lượng sống và bảo vệ môi trường. Công nghệ thông tin cũng sẽ giúp hiện đại hoá các trang thiết bị, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao hiệu suất... cho các ngành công nghiệp truyền thống. Nói cách khác, cơ cấu các ngành sản xuất trong thế kỷ XXI sẽ có sự chuyển hướng sang các lĩnh vực sản xuất kỹ thuật cao.

+ Tỷ trọng ngành kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp sẽ giảm mạnh, tuy nhiên khu vực kinh tế này sẽ có sự thay đổi về chất trong vài thập kỷ tới.

Tính đến cuối thập kỷ 90, khu vực kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 1,7% trong tổng sản phẩm quốc dân. Trong vài thập kỷ tới, tỷ trọng của khu vực này sẽ giảm, đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc hậu công nghiệp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vị trí của khu vực này trong nền kinh tế vẫn rất quan trọng. Những ưu tiên cải cách cơ cấu kinh tế trong khu vực này trong thời gian tới là như sau:

- Khuyến khích sự phát triển nông, lâm, ngư nghiệp có sự gắn bó chặt chẽ với các khu vực thành thị nhằm bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên, đưa khu vực nông nghiệp, nông thôn trở thành những vùng sinh thái lý tưởng cho cả nước.

- Khôi phục các cộng đồng làng xã trên cơ sở chéo ngành nhằm hạn chế sự di dân ra thành thị, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng đất, phát huy các thế mạnh tổng hợp của các ngành, hỗ trợ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, chống hoang hoá và xói mòn, giảm nguy cơ thiếu lao động nông nghiệp, duy trì nền văn hoá làng xã truyền thống ở Nhật Bản.

Tăng cường tính cạnh tranh nhằm thành lập các trung tâm sản xuất nông nghiệp hiện đại (bao gồm sự hợp lý hoá và việc sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp), nâng cao chất lượng các cơ sở chế biến kinh

doanh nông, lâm, hải sản áp dụng công nghệ tin học, sinh học trong nông nghiệp và đề ra các biện pháp tính đến những thay đổi trong thói quen tiêu dùng.

- Thực hiện nhiều cải cách nông nghiệp nhanh chóng bằng cách khuyến khích đầu tư tư nhân và quản lý buôn bán của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Những ưu tiên cải cách cơ cấu như trên là nhằm hướng tới phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, bảo đảm phát huy hết những lợi thế sẵn có, tạo việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái cho từng vùng lãnh thổ và trên toàn đất nước.

Một phần của tài liệu Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật bản trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 157 - 163)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w