1.1. Sự cần thiết phải áp dụng các công cụ mới:
a. Cơ sở lý luận:
Sự xuất hiện của 7 công cụ mới là bước tiến trong quá trình biến đổi cơ bản từ kiểm soát chất lượng thành QLCL toàn diện. Chất lượng đã từng được coi là lĩnh vực riêng của phòng KCS và phòng sản xuất. Tuy nhiên, quan niệm đó ngày nay đã trở nên không còn phù hợp, bởi để có thể tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng thì cần sự nỗ lực và phối hợp của nhiều bộ phận chức năng, nhiều cấp bậc trong cơ cấu tổ chức trong xuyên suốt toàn bộ các quá trình từ khâu tìm hiểu nhu cầu, nghiên cứu thiết kế, lập kế hoạch, chế thử, sản xuất đến bán hàng và dịch vụ sau bán. Sự nỗ lực của riêng bộ phận QLCL rõ ràng là chưa đủ. Có thể nói, quản lý chất lượng cần sử dụng những công cụ này và việc tạo ra các phương pháp đề vận dụng nó là công việc nên làm. Bởi, những công cụ mới này sẽ bổ sung và khắc phục những điều mà các công cụ truyền thống chưa làm được, góp phần đưa công tác QLCL trong tổ chức trở nên chặt chẽ và thống nhất hơn.
b. Cơ sở thực tiễn:
Việc nên áp dụng các kỹ thuật QLCL mới xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn: - Đòi hỏi từ thị trường:
Qua quan sát, việc áp dụng các công cụ thống kê truyền thống tại công ty còn yếu, chủ yếu là sử dụng biểu đồ Pareto, phiếu kiểm tra. Trong khi đòi hỏi của thực tế ngày càng cao, nếu chỉ sử dụng những công cụ trên một cách rời rạc sẽ khó mà theo kịp nhu cầu của thị trường, việc cải tiến chất lượng sẽ tiến những bước tiến chậm
chạp nếu như không có các kỹ thuật mới bổ sung và sử dụng chúng với các công cụ hiện có một cách đồng bộ.
- Đòi hỏi từ nội bộ công ty:
Việc áp dụng các kỹ thuật mới là minh chứng cho quyết tâm cải tiến không ngừng của công ty. Ngoài ra, nó còn giúp nâng cao hiệu quả điều hành nội bộ, phát huy sáng kiến và sự tham gia của các thành viên, tăng khả năng đối phó với những biến động, chủ động trong công việc, đáp ứng yêu cầu của hợp đồng; nhờ đó mà giảm chi phí, tăng uy tín và thoả mãn khách hàng, mở rộng thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng trúng thầu cho công ty.
1.2. Vai trò của bảy công cụ mới:
- Bảy công cụ mới được dùng để phân tích các dữ liệu bằng lời, mà đôi khi dữ liệu bằng số không thể hiện được đầy đủ chi tiết các sự kiện thực tế.
- Trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều vấn đề phức tạp. Và để có giải pháp, trước tiên chúng ta cần phải nhận diện nó, xác định vấn đề và chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố cấu thành, từ đó chúng ta mới lập được trình tự và đưa vấn đề vào những dạng có thể giải quyết được. Bảy công cụ mới là các kỹ thuật nhằm tháo gỡ, bóc tách những mối quan hệ phức tạp đó, đưa chúng vào nhóm vấn đề, làm vấn đề trở nên rõ ràng hơn đối với mọi người, nhờ đó mà đạt được sự hợp tác cùng hướng vào mục tiêu chung.
- Bảy công cụ mới còn có tác dụng huy động mọi thành viên trong tập thể đóng góp ý kiến, kinh nghiệm của mình và tổng hợp ý kiến với nhau bằng cách sử dụng các biểu đồ đơn giản để sắp xếp các dữ liệu. Việc làm này đem lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như việc mô tả tình trạng với những người khác dễ dàng hơn, phát huy được sáng kiến cải tiến, mọi người nâng cao được hiểu biết thông qua trao đổi, họ cũng trở nên năng động, tăng cường sáng tạo và có trách nhiệm hơn với công việc do ý kiến của họ được tôn trọng, họ cảm thấy mình là một phần trong tổ chức. Vì vậy, bảy công cụ QC mới vô cùng hữu ích trong việc góp phần thay đổi nền văn hoá chất lượng của công ty.