KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện đức thọ, tỉnh hà tĩnh (Trang 101 - 104)

1. Kết luận

KNS là một chỉ số của nhân cách, là mặt biểu hiện của hành vi nhân cách, đồng thời là yếu tố khẳng định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn mới về sự trưởng thành và phát triển nhân cách con người dưới tác động của môi trường sống và hoạt động giáo dục. Đối với nhiều nước trên thế giới, kỹ năng sống là mục tiêu, nội dung quan trọng của chương trình giáo dục bậc trung học.

Do thiếu hụt kỹ năng sống, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, đạo đức ngày càng có chiều hướng phức tạp hơn, cả về tích chất mức độ lẫn sự nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chung quy lại đó là môi trường giáo dục còn chưa chú trọng phát triển hình thành KNS cho các em. Chính vì vậy, những năm gần đây kỹ năng sống đã được quan tâm đầu tư hơn bằng việc đưa nội dung giáo dục KNS vào các môn học trong đó có môn GDCD.

Qua quá trình khảo sát tại các trường THPT trên địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), tất cả các trường đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục KNS cho học sinh, nhà trường, giáo viên đã chú trọng đầu tư quan tâm hơn cho việc giáo dục KNS cho học sinh. Qua đó, nhận thức của học sinh cũng được nâng cao hơn, tư tưởng xem môn GDCD là môn học phụ cũng giảm xuống, các em ngày càng quan tâm, hứng thú hơn đối với môn học. Đặc biệt, đối với giáo viên GDCD được học sinh tin tưởng, mạnh dạn trao đổi những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống. Thực sự là những người thầy, người cô được các em tin yêu.

Giáo dục KNS cho học sinh vẫn còn là nội dung tương đối mới nên chưa có sự thống nhất giữa các trường, hình thức giáo dục KNS còn chưa sinh động, phong phú, việc thu hút các em học sinh vào các hoạt động còn nhiều hạn chế nên việc tiếp thu, áp dụng KNS vào thực tiễn chưa đạt kết quả cao.

Giáo dục KNS thông qua dạy học môn GDCD là quá trình thiết kế, vận hành đồng bộ các thành tố của hoạt động giáo dục theo quan điểm tích hợp vào trong môn học. Nguyên tắc được xác định dựa trên các ưu thế của nội dung, chương trình giáo dục để giáo dục KNS cho học sinh lứa tuổi THPT, nhưng đảm bảo cung cấp đậy đủ kiến thức nền tảng phù hợp với điều kiện của từng cá thể.

Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu, luận văn chỉ ra được các nội dung khoa học cần làm sáng tỏ như: KNS, giáo dục KNS, nội dung, cách tiếp cận giáo dục KNS, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THPT, tầm quan trọng của giáo dục KNS cho học sinh THPT thông qua dạy học môn GDCD. Từ đó, đề tài khái quát được cơ sở lý luận, thực nghiệm sư phạm, khảo sát thực tiễn, đề ra quy trình và giải pháp phát triển việc giáo dục KNS cho học sinh thông qua môn GDCD ở các trường THPT trên địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

2. Kiến nghị

- Ðối với Bộ giáo dục - đào tạo:

+ Chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục KNS cho học sinh và có chủ trương đưa vào chương trình chính thức để giáo viên GDCD có cơ sở pháp lý trong tổ chức triển khai trong mỗi bài dạy, tiết dạy;

+ Chỉ đạo đưa nội dung giáo dục KNS vào chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông môn GDCD. Liệt kê một cách rõ ràng các loại KNS và nội hàm của từng kỹ năng đó cho GV nắm vững để từ đó có thể khai thác các cơ hội giáo dục KNS cho học sinh qua mỗi bài học, mỗi hoạt động giáo dục cụ thể;

- Ðối với sở Giáo dục - đào tạo Hà Tĩnh: tổ chức bồi dưỡng chuyên đề cho giáo viên GDCD về tổ chức giáo dục KNS cho học sinh; tập huấn cho giáo viên cách giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện giáo dục KNS; cách vận dụng linh hoạt các nội dung giáo dục KNS cho phù hợp với tình hình môn học.

- Đối với huyện Đức Thọ: nên quan tâm, tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động dã ngoại, hành trình về nguồn, các cuộc thi tìm hiểu

lịch sử theo mục tiêu giáo dục và giáo dục KNS để giáo viên GDCD có cơ sở thực tế lồng ghép vào nội dung bài dạy.

- Đối với các trường THPT trên địa bàn huyện Đức Thọ: cần đề cao hơn vai trò môn GDCD trong trường phổ thông, tránh việc phân biệt môn học này với các môn học khác, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để áp dụng vào dạy học nhằm nâng cao giáo dục KNS cho học sinh. Các trường thường xuyên tổ chức giao lưu, gặp gỡ, thành lập các câu lạc bộ học tập giữa 3 trường để học sinh giao lưu, học hỏi, phát triển các kỹ năng. Nhà trường tổ chức cho giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm dạy học lồng ghép giáo dục KNS trong môn GDCD.

Một phần của tài liệu Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện đức thọ, tỉnh hà tĩnh (Trang 101 - 104)