Tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện đức thọ, tỉnh hà tĩnh (Trang 34 - 38)

học phổ thông

KNS là những nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh. Người có KNS sẽ luôn vững vàng trước những khó khăn, thử thách; biết ứng xử, giải quyết vấn đề một cách tích cực và phù hợp; họ thường thành công hơn trong cuộc sống, luôn yêu đời và làm chủ cuộc sống của mình. Ngược lại, người thiếu KNS thường bị vấp ngã, dễ bị thất bại trong cuộc sống. Không những thúc đẩy sự phát triển cá nhân, KNS còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, giúp ngăn ngừa các vấn đề xã hội và bảo vệ quyền con người.

- Giáo dục kỹ năng sống thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội

Giáo dục KNS chính là định hướng cho các em học sinh những hành vi, thái độ sống tích cực ở xã hội hiện đại trong ba mối quan hệ cơ bản: con người với chính mình; con người với tự nhiên; con người với các mối quan hệ xã hội.

Trong quan hệ với chính mình, giáo dục KNS giúp học sinh biết gieo những kiến thức vào thực tế để gặt hái những hành động cụ thể và biến hành động

thành thói quen, rồi lại gieo những thói quen tích cực để tạo ra số phận cho mình. Trong quan hệ với gia đình, giáo dục KNS giúp học sinh biết kính trọng ông bà, hiếu thảo với cha mẹ; quan tâm, động viên, an ủi, chăm sóc những người thân trong gia đình khi ốm đau…. Trong quan hệ với xã hội, giáo dục KNS giúp học sinh biết cách ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên, với cộng đồng như có ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông; giữ vệ sinh đường làng, ngõ phố; bảo vệ môi trường thiên nhiên… Từ đó, góp phần làm cho môi trường sống trong sạch, lành mạnh, bớt đi những tệ nạn xã hội, những bệnh tật do sự thiếu hiểu biết của chính con người gây nên; góp phần thúc đẩy những hành vi mang tính xã hội tích cực để hài hoà mối quan hệ giữa nhu cầu - quyền lợi - nghĩa vụ trong cộng đồng.

Nắm được KNS, các em sẽ biết chuyển dịch kiến thức - “cái mình biết” và thái độ, giá trị - “cái mình nghĩ, cảm thấy, tin tưởng” thành những hành động cụ thể trong thực tế - “làm gì và làm cách nào” là tích cực và mang tính chất xây dựng. Những điều đó sẽ giúp các em dần thích ứng với sự phát triển ngày càng cao của xã hội để vững vàng, tự tin bước tới tương lai; đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

- Giáo dục kỹ năng sống là yêu cầu cấp thiết đối với thế hệ trẻ

Thế hệ trẻ chính là những chủ nhân tương lai của đất nước, là những người quyết định sự phát triển của đất nước. Nếu không có KNS các em sẽ không thể thực hiện tốt trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Lứa tuổi học sinh THPT là lứa tuổi đang hình thành những giá trị nhân cách, giàu ước mơ, ham hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá song các em còn thiếu hiểu biết sâu sắc về xã hội, thiếu kinh nghiệm sống nên dễ bị lôi kéo, kích động…

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường hiện nay, thế hệ trẻ thường xuyên chịu sự tác động đan xen của những yếu tố tích cực và tiêu cực, luôn bị đặt vào hoàn cảnh phải lựa chọn những giá trị, phải đương đầu với những khó khăn, thách thức, những áp lực tiêu cực của cuộc sống. Nếu

không được giáo dục KNS, nếu thiếu KNS các em sẽ dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực, lối sống ích kỉ, dễ phát triển lệch lạc về nhân cách…

Có thể đưa ra các lợi ích của việc giáo dục KNS cho học sinh như :

Về mặt sức khỏe: xây dựng hành vi lành mạnh tạo khả năng bảo vệ sức khỏe cho mình và cho mọi người trong cộng đồng.

Về mặt giáo dục: xây dựng mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy trò, sự hứng thú tự tin, chủ động sáng tạo học tập của học sinh, tăng cường sự tham gia của học sinh, nâng cao hiệu quả giáo dục.

Về mặt văn hóa - xã hội: thúc đẩy hành vi mang tính xã hội, giảm bớt tỉ lệ phạm pháp trong thanh thiếu niên, giảm tỉ lệ nghiện ma túy và bị lạm dụng tình dục ở tuổi vị thành niên.

Về mặt chính trị: giải quyết một cách tích cực nhu cầu về quyền của trẻ em. Các em xác định được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Vì vậy, việc giáo dục KNS cho thế hệ trẻ là rất cần thiết, giúp các em rèn luyện hành vi có đạo đức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội; giúp các em có khả năng ứng phó tích cực trước những tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, sống tích cực, chủ động, an toàn và lành mạnh.

- Giáo dục kỹ năng sống nhằm thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

Mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết số 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo được ban hành ngày 4 tháng 11 năm 2013 nêu rõ: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả” [22; 3].

Như vậy, mục tiêu giáo dục đã chuyển từ mục tiêu cung cấp kiến thức cho học sinh là chủ yếu sang hình thành những năng lực cần thiết cho các em, phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Cụ thể, đối với bậc THPT Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng chỉ rõ “Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời” [22; 3-4].

Hiện nay, việc giáo dục hình thành nhân cách cho HS nói chung và giáo dục KNS nói riêng ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Giáo dục KNS cho học sinh trong các nhà trường THPT đang là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Có hơn 155 nước trên thế giới quan tâm đến việc đưa KNS vào nhà trường trong đó có 143 nước đã đưa vào chương trình chính khóa ở Tiểu học và Trung học dưới nhiều hình thức khác nhau như KNS được tích hợp vào một vài môn học chính, KNS được tích hợp vào nhiều hoặc tất cả các môn học trong chương trình.

Riêng ở nước ta, thuật ngữ kỹ năng sống (KNS) bắt đầu xuất hiện trong các nhà trường phổ thông Việt Nam từ những năm 1995 - 1996, thông qua dự án “Giáo dục KNS để bảo vệ sức khỏe và phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên trong và ngoài nhà trường” do Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng Hội chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện. Từ đó đến nay đã có nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đã tiến hành giáo dục KNS gắn với giáo dục và các vấn đề xã hội như phòng chống ma túy, phòng chống mại dâm, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em…

Giáo dục phổ thông ở nước ta trong những năm qua đã được đổi mới cả về mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học (PPDH) gắn với bốn trụ cột giáo

dục của thế kỷ XXI: “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định, học để cùng chung sống” mà thực chất là một cách tiếp cận KNS. Đặc biệt, rèn luyện KNS cho học sinh đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo xác định là một trong năm nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 - 2013.

Với những ý nghĩa đặc biệt nêu trên, giáo dục KNS cho học sinh thông qua các môn học, trong đó có môn GDCD ở nhà trường THPT trong giai đoạn hiện nay có tầm quan trọng đặc biệt và sẽ là nền tảng quan trọng để giáo dục toàn diện con người mới - con người xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện đức thọ, tỉnh hà tĩnh (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w