2.1.1 Sử dụng đa dạng lượng điển cố
Thành công đầu tiên của Nguyễn Trãi trong việc sử dụng điển cố vào sáng tác Quốc âm thi tập phải kể đến là ông đã dùng được một lượng điển cố hết sức phong phú, đa dạng. Điều này trước hết thể hiện ở mặt số lượng.
Trong 254 bài thơ Nôm, Nguyễn Trãi đã dùng 243 lượt điển cố. Nếu là một tác phẩm viết bằng chữ Hán, số lượng điển cố này có thể xem là bình thường nhưng với một tác phẩm thơ Nôm, đó là con số rất đáng kể. Sử dụng một điển cố cho khéo đã khó, sử dụng 243 điển cố rải trên 254 bài thơ Nôm sao cho phù hợp lại yêu cầu kĩ thuật và năng lực thơ ở mức cao hơn.
Quốc âm thi tập gồm những bài thơ được chia thành các nhóm chủ đề. Các bài thơ trong mỗi chủ đề lớn ấy tuy có cơ sở tư tưởng chung nhưng sắc thái
tình cảm, kết cấu và cách thức biểu hiện lại khác nhau. Bản thân 254 bài thơ đã thể hiện sự đa dạng của tập thơ trên nhiều mặt. Với số lượng điển cố như vậy, trung bình mỗi bài thơ có gần một điển cố. Tuy không phải bài nào cũng dùng điển nhưng số liệu đó đã cho thấy Nguyễn Trãi có dùng một lượng điển cố lớn trong sáng tác bằng chữ Nôm của mình. Đây là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu nghệ thuật sử dụng điển cố trong tập thơ này.
Sự phong phú, đa dạng của điển cố được dùng trong tập thơ này thể hiện rõ nhất trên phương diện đề tài.
Như đã nói Quốc âm thi tập gồm 254 bài được chia thành nhiều nhóm chủ đề. Ngay việc chia bố cục của tập thơ cũng là một vấn đề cần nghiên cứu. ở đây, chúng tôi không đi sâu vào yếu tố này mà chỉ xem đó như một chi tiết cần lưu ý khi tìm hiểu nghệ thuật dùng điển cố của Nguyễn Trãi.
Mỗi bài thơ của ức Trai tiên sinh trong tập thơ này giống như một bông hoa, hương sắc có thể khác nhau nhưng cùng tắm trong một bầu sinh quyển, cùng ra đời trong một từ trường tư tưởng, thẩm mĩ thống nhất. Sự phong phú về cách thức thể hiện càng làm cho tư tưởng chung của Nguyễn Trãi được bộc lộ sâu sắc, toàn diện hơn.
243 điển cố hiện diện trong tập thơ được chia thành nhiều đề tài: về các nhân vật, các triều đại lịch sử, về thế giới tự nhiên, về địa danh… Có những đề tài lớn chứa đựng nhiều điển cố nhưng cũng có những đề tài nhỏ chỉ có một hoặc một vài điển cố.
Những đề tài lớn có thể kể đến như: đề tài về các nhân vật, về các triều đại, các quan niệm… chúng tôi sẽ khám phá và phân tích nghệ thuật dùng điển ở các đề tài này cụ thể hơn ở phần sau.
Những đề tài nhỏ chỉ có một lượng điển cố nhất định có thể kể đến như: đề tài về Phật giáo có 11 điển cố, đề tài đạo Nho có 6 điển cố.
Tuy số lượng không nhiều nhưng những điển cố thuộc các đề tài này có ý nghĩa khá lớn không chỉ làm phong phú cho hệ thống đề tài mà còn góp phần khẳng định con người và tư tưởng của Nguyễn Trãi.