Sử dụng điển cố về nhân vật để thể hiện sự đời.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sử dụng điển cố trong quốc âm thi tập của nguyễn trãi (Trang 54 - 58)

Thuộc loại này có 15 điển cố chiếm 17,2 %.

Có thể nói, trong tâm Nguyễn Trãi luôn thường trực nỗi suy tư về sự đời. Ngoài hệ thống điển cố nói về cuộc đời, trong những điển cố thuộc về đề tài nhân vật cũng có một bộ phận điển cố thể hiện cho sự lắt léo, biến thiên của việc đời.

Trong bào Mạn thuật 12 Nguyễn Trãi dùng 2 điển cố: én từ nẻo lạc nhà Vương, Tạ

Quạt đã hầu thu lòng Tiệp dư

Để nói về sự thay đổi của cuộc đời. Họ Vương và họ Tạ là hai họ quan to đời Tấn, trong nhà nuôi nhiều én. Sau én lại bay đến nhà dân còn gia thế hai nhà quan to dần dần sa sút. Điển này ngụ ý nói rằng: Đời đã khác rồi .

Cũng giống như đàn én của hai họ Vương, Tạ, lòng yêu của Hán Thành Đế dành cho nàng Tiệp dư họ Ban lúc đầu sau lại chuyển dành cho nàng Triệu Phi Yến. Nàng Tiệp dư họ Ban đau đời, làm bài thơ tâm sự viết vào quạt cho vua xem.

Cho dù nàng họ Ban có cố gắng kêu gọi lòng thương hại của vua Hán Thành Đế đến đâu thì mọi sự cũng đã rồi. Nàng đã mất vị trí ưu ái trong trái tim nhà vua. Sự đời đã khác, lòng người đã đổi thay dù có muốn con người cũng không thể níu kéo được.

Dẫn ra hai cảnh ngộ, Nguyễn Trãi kín đáo bộc lộ thái độ của mình. Ông cho rằng đời đã xoay chuyển, việc học hành chỉ Uổng tổn công nhân biện lỗ, ngư nên Lại tu thân khác mặc thi thư, muốn yên phận thì sống theo ý mình, không nên câu nệ sách vở.

Cuộc đời vốn phức tạp, lòng người lại khó lường, miệng nói thế này nhưng dạ nghĩ khác, Nguyễn Trãi ghê sợ sự hiểm hóc này. Ông thường nhắc tới điển Tô Tần như một lời cảnh giác:

Kìa nẻo Tô Tần thuở trước Chưa đeo ấn tướng có ai chào

(Thuật hứng 21) Khó khăn phú quý học Tô Tần

Miễn đức hơn tài được mỗ phân

(Bảo kính cảnh giới 60)

Tô Tần là một nhà chính trị nổi tiếng thời Chiến quốc, đưa ra kế hợp tung sáu nước (Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Ngụy) để chống Tần được phong làm đại tướng quân của sáu nước. Lúc còn nghèo hèn, chưa làm nên sự nghiệp bị mọi người khinh miệt, kể cả vợ nhìn thấy chồng cũng không thèm hỏi. Đến khi Tô Tần vinh hiển, quyền cao chức trọng thì đi đâu cũng có người cung kính, tung hô.

Điển Tô Tần như một minh chứng cho thấy sự khinh trọng của người đời phụ thuộc rất lớn vào địa vị và quyền tước. Nếu là người giàu sang thì sẽ được người người trọng vọng, còn nếu là kẻ nghèo hèn thì sẽ bị ruồng bỏ không thương tiếc, cho dù người đó là viên ngọc trong đá.

Nói về điều này, Nguyễn Trãi dùng điển huyện hoa, biên tuyết trong bài thơ Thuật hứng 17:

Diếp huyện hoa còn quyến khách Rày biên tuyết đã nên ông

Huyện hoa là chi tiết trong điển cố về Phan Nhạc. Phan Nhạc sống ở đời Tấn, làm quan ở huyện Hà Dương. Khi ông nhậm chức, thuộc hạ trồng đào mận khắp huyện để lấy lòng.

Biên tuyết là ý thơ dựa theo câu thơ của Lý Bạch như phần trên đã nói. Mái tóc thay đổi từ màu xanh sang trắng cho thấy sự trôi chảy nhanh chóng của thời gian. Hình dáng con người biến đổi cũng giống như cuộc đời mỗi lúc mỗi khác, không thể biết trước được.

Nguyễn Trãi nhắc tới điển về Trương Lương như một bài học thấm thía trong cõi nhân sinh này:

Kham hạ Trương Lương chẳng khứng ở Tìm tiên để nộp ấn phong hầu

(Bảo kính cảnh giới 35)

Trương Lương là một trong ba vị tướng kiệt xuất của nhà Hán. Ông có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ lập nên cơ nghiệp bốn trăm năm sáng chói. Nhưng khi sự nghiệp của Lưu Bang hoàn tất, cả ba vị tướng có công đầu đều bị xử trí (Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín), Trương Lương bỏ đi tu tiên, lánh mình vào cõi tiêu dao.

Trương Lương là dẫn chứng giàu tính thuyết phục cho hiện tượng những công thần bị bạc đãi. Khi nhắc tới điển cố này, Nguyễn Trãi bộc lộ

thái độ đồng cảm sâu sắc. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. ở đây có mối liên hệ kín đáo giữa hoàn cảnh của Trương Lương và Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi cũng là bậc công thần khai quốc nhưng cảnh ngộ của ông như thế nào thì chúng ta đều rõ. Chứng kiến cảnh triều đình xử trí các công thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, còn mình thì bị giam lỏng, hẳn Nguyễn Trãi càng thấm thía hơn sự lựa chọn ra đi của Trương Lương.

Cùng với điển Trương Lương, Nguyễn Trãi dẫn ra điển về Vương Chất trong bài Trần tình 5:

Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi Diều phơi phới thấy tiên đâu?

Vương Chất là một nhân sĩ có tài đời Tống (Trung Quốc) ra làm quan, bị gièm pha, bỏ đi tu tiên rồi mất tích. Câu thơ cuối:

Diều phơi phới thấy tiên đâu?

như một lời giãi bày chua chát: chỉ thấy diều của trẻ chăn trâu mà không thấy tiên đâu cả. Vương Chất đi tu tiên nhưng thực sự có tiên hay không? Sự ra đi của nhân sĩ này thanh thản thì ít mà xót xa thì nhiều.

Nguyễn Trãi sử dụng những điển cố trên không chỉ để nhắc lại câu chuyện, để liên tưởng đến sự đời mà ẩn trong đó là tâm sự và thái độ của ông trước nhân tình thế thái. Ông có nhiều nỗi ưu tư, nhiều điều phiền muộn bởi sự trắc trở của sự thế. Chính vì vậy mà những điển cố thuộc loại này không chỉ được dùng đúng chỗ mà còn rất hay, tạo nên những rung động thẩm mĩ mới cho người đọc. Đây chính là sáng tạo của Nguyễn Trãi trong cách dùng điển về chủ đề con người.

Có thể thấy, điển cố về các nhân vật lịch sử được Nguyễn Trãi sử dụng rất hiệu quả, biểu hiện ở chỗ: Ông không chỉ giới thiệu một cách hấp dẫn về những tấm gương đó mà ông còn nói được những phương diện sâu xa hơn về những điều thuộc con người. Quan trọng hơn, Nguyễn Trãi

không chỉ thể hiện tài năng dùng điển mà còn cho thấy vẻ đẹp và bề sâu của con người ông. Điển cố Trung Hoa đã được Nguyễn Trãi kéo về gần gũi với cuộc đời mình. Làm được như vậy, ngoài tài năng còn phải có tâm huyết. Mà với ức Trai cả hai điều đó đều dồi dào, sâu sắc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sử dụng điển cố trong quốc âm thi tập của nguyễn trãi (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)