Thái độ phê phán và nỗi niềm trăn trở không nguôi.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sử dụng điển cố trong quốc âm thi tập của nguyễn trãi (Trang 61 - 65)

Trong tiến trình vận động và phát triển của mỗi quốc gia, các triều đại kế tiếp nhau là một lẽ tất yếu. Để giành được thiên hạ, lực lượng thống trị đã dùng nhiều cách, bằng nhiều con đường. Với cái nhìn biện chứng và quan điểm lịch sử cụ thể, chúng ta xem nó như một hiện tượng khách quan. Nhưng ở thời trung đại, khi tư tưởng Nho giáo đang chi phối thế giới quan của những người có học hiện tượng này thường được nhìn nhận chủ yếu

qua nhãn quan đạo đức. Là một người có tư tưởng tiến bộ nhưng Nguyễn Trãi không tách mình khỏi tư tưởng của thời đại. Cái nhìn của ông đối với sự đổi rời các triều đại trong lịch sử có pha cái nhìn của một tín đồ Khổng - Mạnh. Tuy vậy, ông chỉ chịu ảnh hưởng của một bộ phận tích cực trong học thuyết Nho giáo chứ không phải toàn bộ học thuyết này.

Khi dẫn điển về các triều đại lịch sử, bao giờ Nguyễn Trãi cũng thể hiện một suy nghĩ thầm kín nào đó có liên quan đến tình hình nước ta.

Trong bài Ngôn chí 1, Nguyễn Trãi có nhắc tới điển Thương, Chu: Thương, Chu bạn cũ các chư đôi

Sá lánh thân nhàn thuở việc rồi

Điển này nói về sự thay thế nhà Thương của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc thời cổ. Nhà Thương thay thế nhà Hạ, đến đời Ân - Thương thì triều đình suy thoái, nhân đó nhà Chu đã xảo quyệt dùng vũ lực, lật đổ nhà Thương để giành ngôi cộng chủ.

Nói đến sự việc này, Nguyễn Trãi muốn kín đáo ám chỉ chuyện nhà Minh đã lật đổ nhà Hồ để cướp nước ta. Trong số bạn cũ của ông từng làm quan cho nhà Hồ, có kẻ chạy sang làm việc cho giặc Minh giống như bề tôi nhà Thương ngày xưa có kẻ chạy theo nhà Chu. Ông nói các chư đôi là nói không thể theo bạn cũ, chạy theo bợ đỡ giặc Minh, mà phải đi ở ẩn để chờ thời:

Sá lánh thân nhàn thuở việc rồi.

Trong bài Thuật hứng 13, tác giả cũng bày tỏ sự băn khoăn và thái độ của mình thông qua 2 điển cố :

Thua được, toan chi cơ Hán, Sở

Hán và Sở ban đầu là bạn chiến đấu cùng chống lại Tần, về sau Hán đã dùng mưu diệt luôn cả Sở. Tình bạn giữa nước Hán và nước Sở là một bài học cảnh giác cho thói lật lọng và sự bất trắc của lịch sử.

Cơ mưu của nước Hán đối với nước Sở, cách đối xử nhà Chu giành cho nhà Thương tượng trưng cho sự hiểm hóc khôn lường của cuộc đời. Ngồi trong phòng văn, cả ngày chuyên chú chuyện đèn sách, Nguyễn Trãi nghĩ về lịch sử, về quá khứ và rút ra những bài học thấm thía cho bản thân.

Mỗi điển cố loại này đều mang trong mình những giá trị nhận thức sâu sắc. Mỗi sự kiện lịch sử được đề cập, đều là tấm gương cho đời sau nhìn vào mà rút kinh nghiệm.

Từ đời Nghiêu đến đời Thuấn là một giai đoạn phát triển hết sức rực rỡ của lịch sử. Nguyên nhân của sự phát triển ấy là do vua Nghiêu có đức tìm được người tài năng, đức độ là Thuấn nối ngôi. Sau Thuấn lại truyền cho vua Vũ nhà Hạ theo lối truyền hiền. Nhưng từ đời nhà Hạ đã có sự thay đổi. Vua Vũ không truyền ngôi cho người ngoài mà trao ngôi báu cho con trai là Khải tiếp quản theo kiểu cha truyền con nối. Đây là nguyên do dẫn tới sự suy yếu dần của các triều đại về sau. Nguyễn Trãi có nhắc tới sự kiện này trong bài Thuật hứng 11.

Vũ truyền thiên hạ, Nhan Uyên ngặt Đổi đất song thì có khác nào.

Ông phê phán một cách ý nhị các kiểu đổi ngôi, đổi địa vị một cách hình thức mà không chú ý đến đạo đức tài năng.

Xem xét ý kiến trên của Nguyễn Trãi trong hệ quan điểm về người chủ quốc gia lúc đó mới thấy hết sự táo bạo và tiến bộ của ông.

Khao khát một minh quân, thánh chúa, Nguyễn Trãi luôn tìm cách giúp nhà vua trở lại với nghĩa vụ của một người đứng đầu thiên hạ. Ông thường xuyên nhắc nhở nhà vua chú ý đến việc chăm lo đời sống cho nhân

dân, đừng sa đà vào lối sống sa hoa trụy lạc. Có lẽ vì thế mà ông làm mất lòng vua nên ngày càng bị thất sủng. Trong bài Giới sắc Nguyễn Trãi đã nhắc lại hai bài học đắt giá của lịch sử:

Trụ mất quốc gia vì Đát Kỉ Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi

Đát Kỉ và Tây Thi là những tuyệt đại mỹ nhân của Trung Quốc, là hai người đàn bà có tác động rất lớn tới cục diện lịch sử một thời.

Vua Trụ nhà Ân Thương vì quá mê Đát Kỉ, bỏ bê việc triều chính chỉ ngày ngày bày những trò truỵ lạc để vui cùng người đẹp nên nhân dân vô cùng phẫn nộ. Vũ Vương nhà Chu lấy cớ đó tiến hành khởi nghĩa lật đổ nhà Trụ để cướp ngôi.

Để chống lại vua Ngô, Việt Vương Câu Tiễn và bề tôi là Phạm Lãi giả vờ quy phục. Câu Tiễn dâng nàng Tây Thi cho vua Ngô nhằm mục đích nội gián. Ngô Phù Sai vì quá say mê sắc đẹp của Tây Thi nên lơ là cảnh giác, cuối cùng mất ngôi về tay Câu Tiễn.

Kết cục bi thảm của nhà Ân – Thương và nước Ngô bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự phá hoại của giặc “sắc” (Sắc là giặc, đam là chi). Sắc đẹp ai cũng thích nhưng nếu sa đắm quá thì vô cùng nguy hiểm. Nguyễn Trãi muốn nhắc nhở tất cả mọi người, nhất là những người đứng đầu đất nước hãy lấy đó làm gương. Lời cảnh báo này còn có giá trị đến muôn đời sau.

Tóm lại, những điển cố về các triều đại lịch sử mà Nguyễn Trãi dùng đều chứa đựng nhiều tầng nấc ý nghĩa sâu sắc. Có những ý nghĩa có sẵn, cũng có những ý nghĩa được phát sinh từ cách dùng điển của Nguyễn Trãi. Vận dụng kiến thức xưa mà nói được lòng mình một cách đầy đủ và cụ thể như vậy, Nguyễn Trãi đã thể hiện tài năng của người làm văn, tài chọn và dùng điển thích hợp để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sử dụng điển cố trong quốc âm thi tập của nguyễn trãi (Trang 61 - 65)