cách và tài năng của con người.
Thuộc nội dung này có 40 điển cố chiếm 48,3%. Như vậy, tỉ lệ điển cố thể hiện phẩm chất, cốt cách và tài năng của con người chiếm gần một
nửa trong tổng số các điển cố về đề tài nhân vật. Điều đó cho thấy sự chú ý đặc biệt của Nguyễn Trãi đối với phương diện này trong con người.
Phần lớn các nhân vật được nói tới đều là những tấm gương lớn được sử sách ghi lại. Họ - hoặc là biểu tượng của lòng trung trực, hoặc là tượng đài của đức độ tài năng, hoặc là bậc thánh của sự thanh khiết, là những con người ưu tú của cộng đồng, là chuẩn mực đạo đức của một thời.
Điển cố về Nhan Uyên được sử dụng tới 6 lần trong các bài: Ngôn chí 11, Thuật hứng 3, Thuật hứng 2, Thuật hứng 12, Tự thuật 6, Bảo kính cảnh giới 29. Dù được đặt trong những bài thơ khác nhau nhưng ý nghĩa của điển cố không thay đổi. Nhân vật Nhan Uyên luôn luôn hiện lên là con người vượt trên hoàn cảnh. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng biết khắc phục những khó khăn, theo thầy Khổng Tử học đạo, được thầy rất yêu mến. Nhan Uyên học giỏi lại khiêm nhường, lễ phép nên Khổng Tử rất ưng. Ông là nhân vật có vị trí danh dự của Nho giáo.
Khi nhắc tới điển về Nhan Hồi, Nguyễn Trãi thường đề cập tới hoàn cảnh ngặt nghèo để từ đó làm bật lên phẩm chất cao quý của nhân vật này:
Bá Di người dặng thanh là thú
Nhan Tử ta xem ngặt ấy lề
(Thuật hứng 3) Lều tiện, Nhan Uyên tìm tới đỗ
Đường cùng, Nguyễn Tịch khóc làm chi (Thuật hứng 12) Vũ truyền thiên hạ, Nhan Uyên ngặt
Đổi đất xong thì có khác nào (Tự thuật 11)
Nhan Uyên là hiện thân cho sự sáng rỡ của tài đức trong cảnh nghèo khó. Ông là người bần tiện bất năng di, là viên ngọc trong túp lều tranh.
Nguyễn Trãi kính phục Nhan Tử cũng là điều dễ hiểu, bởi Nguyễn Trãi cũng là con người “phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất ‖, là ngôi sao Khuê lấp lánh trên bầu trời từ ngàn năm trước và sẽ còn lấp lánh đến ngàn năm sau.
Trong thơ mình, Nguyễn Trãi thường trăn trở nỗi lo “vàng thau lẫn lộn‖. Ông ghê sợ thấy rằng trong xã hội phong kiến lúc đó mọi giá trị đang bị đảo lộn, thật giả khó phân. Nhưng với bản chất kiên định, Nguyễn Trãi tin và ông lên tiếng quả quyết:
Ngọc lành, nào có tì vết Vàng thật, âu chi lửa thiêu
(Tự thuật 5)
Để tạo cơ sở vững chắc cho lời khẳng định đó, Nguyễn Trãi dẫn ra hai điển cố:
ỷ Lí há cầu quan tước Hán
Hứa Do quản ở nước non Nghiêu
ỷ Lí còn có tên là ỷ Lí Quý đời Hán là một trong bốn ông già can ngăn Hán Cao Tổ không thay đổi thái tử, sau bỏ đi ở ẩn tại Thường Sơn. Nguyễn Trãi nhắc tới điển này một lần nữa trong bài Bảo kính cảnh giới 58:
Nọ kẻ tranh hùng nên Hán tướng Kìa ai từ tước ẩn Thường Sơn
Hứa Do là nhân vật sống ở thời vua Nghiêu. Nghiêu tìm người hiền để nhường ngôi và muốn trao thiên hạ cho Hứa Do. Nhưng Hứa Do không tiếp nhận ngôi báu mà bỏ đi ở ẩn. Có sách còn chép rằng khi nghe ý định nhường ngôi của vua Nghiêu, Hứa Do sợ những lời danh lợi làm bẩn lỗ tai mình, bèn xuống sông Dĩnh rửa tai. Vua Nghiêu trông thấy than rằng: con người thật trong sạch xiết bao!
Cả ỷ Lí và Hứa Do đều là những con người nằm ngoài sự cám dỗ của vinh hoa danh lợi. Người xưa xem đó là những biểu tượng của sự thanh sạch. Nguyễn Trãi cũng không ngớt lời ngợi khen:
Phồn hoa chẳng dám, ngặt yên phận Trong thế anh hùng thế mới lèo
Lèo là dây buộc cánh buồm, cánh diều; nghĩa bóng lèo là giải thưởng đua tài. Nguyễn Trãi ca ngợi đức độ, cốt cách của ỷ Lí, Hứa Do và cho rằng: thế mới tài đáng được giật giải! Ngày nay, hậu thế cũng có sự công nhận của mình, lịch sử cũng đã trao cho Nguyễn Trãi giải thưởng: anh hùng giải phóng dân tộc. Giải thưởng ấy sẽ cùng với tên tuổi Nguyễn Trãi sáng chói ngàn năm.
Trong nhiều phẩm chất cao đẹp, Nguyễn Trãi đặc biệt đề cao tính thẳng thắn, cương trực. Những nhân vật mang phẩm chất này đều được ông dành cho sự ngưỡng mộ, cảm phục:
ở đài các, giữ lòng Bao Chửng
Nhậm tướng khanh, gìn thói Ngụy Trưng
Bao Chửng còn gọi là Bao Công, là vị quan toà nổi tiếng trung trực đời Tống. Ông có tài xử kiện lại vô cùng nghiêm minh, công bằng, được nhân dân tin tưởng, yêu quý đặt cho tên gọi Bao Thanh Thiên.
Ngụy Trưng là tể tướng đời Đường Thái Tông. ông nổi tiếng trung thực, từng được Thái Tông dựng bia ca ngợi. Điển tích về Ngụy Trưng còn xuất hiện trong bài Bảo kính cảnh giới 3:
Nghiệp Lưu Quý thịnh, đâu truyền báu Bia Ngụy Trưng cao, há nối tông?
Nhưng với mục đích nhắc nhở, răn dạy chứ không thuần tuý ngợi ca.
Cả hai nhân vât Bao Chửng và Ngụy Trưng đều được đời sau nhắc tới như tấm gương cần học hỏi và noi theo.
Nguyễn Trãi thể hiện niềm tin vào những tấm gương ngay thẳng, đồng thời ông bộc lộ niềm trăn trở khi:
Ai ai đều đã bằng câu hết Nước chăng còn có Sử Ngư?
(Mạn thuật 14)
Trong câu thơ, Sử Ngư chính là hiện thân của lòng chính trực. Nước không còn có Sử Ngư cũng đồng nghĩa với việc những người trung trực đang ít dần, đang mất dần. Thay vào đó là sự giả dối lọc lừa, là lối sống quanh co, nham hiểm. Nỗi trăn trở trong tâm Nguyễn Trãi thể hiện tấm lòng của ông đối với non sông đất nước, với vận mệnh và sự tồn vong của quốc gia dân tộc.
Nguyễn Trãi cũng hết sức kính phục tài trí của con người. Trong thơ
Quốc âm, tác giả đã dùng điển về Khổng Minh để nói đến tài binh pháp: Một bầu, hoạ biết lòng Nhan Tử
Tám trận, khôn hay chước Khổng Minh
( Bảo kính cảnh giới 29) dùng điển về Tư Mã Tương Như để nói đến tài thơ phú:
án tuyết mười thu uổng độc thư Kẻo còn biện biệt chữ Tương Như
( Mạn thuật 14 )
dùng điển về Y Doãn để nói đến tài phò trợ vua chúa lập nên cơ nghiệp: Đời dùng người có tài Y, Phó
Nhà ngặt ta bền đạo Khổng Nhan
Nhưng tài phải đi đôi với đức. Nguyễn Trãi chỉ ca ngợi những người có cả tài năng và đức độ. Phần lớn các nhân vật liên quan đến những điển cố được dùng đều là những con người mà tài năng xứng đáng với phẩm chất, phẩm chất tương xứng với tài năng.
Dường như đằng sau những nhân vật đó thấp thoáng bóng dáng của Nguyễn Trãi. Con người từng tự ví mình như cây Tùng hiên ngang đứng giữa mùa đông băng giá ấy là người ý thức về bản thân mình tự giác hơn ai hết. ở ông hội tụ những gì tốt đẹp nhất của con người. Soi vào bất cứ phẩm chất nào của những nhân vật đã nói trên ta cũng thấy có Nguyễn Trãi. Dùng điển cố về nhân vật lịch sử để nói về phẩm chất, cốt cách của con người, Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện tài năng sáng tạo văn chương mà ông còn hé mở một phần con người mình - phần đẹp nhất của con người đẹp nhất.