Vẻ đẹp của lý tưởng thẩm mĩ

Một phần của tài liệu Nhật ký trong tù từ góc nhìn thể loại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 125 - 132)

Ngục trung nhật ký thể hiện rõ nhất vẻ đẹp của lý tưởng thẩm mĩ Hồ Chí Minh. Cuốn nhật ký này cho chúng ta thấy cái chủ yếu và sâu xa nhất trong lòng cụ Hồ Chí Minh. Lần dở từng trang của tập thơ, bạn đọc không khỏi ngỡ ngàng bở tình cảm của tác giả dường như đã dành trọn cho cái đẹp,

lo lắng về sự yểu mệnh của cái đẹp. Song cái đẹp trong thơ Người không phải là cái gì đó chung chung, mơ hồ mà đó sự cụ thể hoá từng con người, từng tính cách, từng cảnh vật…Có những hình ảnh Bác đưa vào thơ làm mọi người thấy ái ngại bởi nó “không thơ” chút nào nhưng chính vì “không thơ” mà thành thơ thì đó mới là cái đẹp - cái đẹp của trần tục, của hiện thực cuộc sống. Nhưng để hiểu rõ hơn vẻ đẹp của lý tưởng thẩm mĩ trong Nhật ký trong tù, trước hết chúng ta cần phải làm sáng tỏ khái niệm: lý tưởng thẩm mĩ. Theo từ Điển thuật ngữ văn học: “Lý tưởng thẩm mĩ là hình ảnh về các giá trị thẩm mĩ mong muốn, cần phải có. Lý tưởng thẩm mĩ là cao nhất để đánh giá thẩm mĩ, cho phép đánh giá tự giác hoặc không tự giác các hiện tượng đời sống. Nếu các quan điểm thẩm mĩ (của các nghệ sĩ lẫn các nhà lý luận) biểu hiện dưới dạng khái niệm trừu tượng thì lý tưởng không tách rời hình thức biểu hiện cụ thể - cảm tính, bởi không có hình tượng ấy thì không thể ghi nhận hình ảnh của cái đẹp cần phải có.

Là một phạm trù của ý thức thẩm mĩ nghệ thuật, lý tưởng thẩm mĩ có sự tương quan với các lý tưởng xã hội, chính trị, đạo đức… nhưng vẫn có tính độc lập của nó, khái niệm “cái đẹp lý tưởng” có thể chứa đựng các ý nghĩa khác nhau, in rõ dấu ấn của tính giá trị giai cấp, của các truyền thống và tập quán dân tộc, của các thiên kiến chính trị hoặc định kiến tôn giáo…Tuy vậy, suy cho cùng “cái đẹp” của lý tưởng thẩm mĩ được xác định bởi sự phản cái đẹp của thực sự. Lý tưởng thẩm mĩ phát hiện các phẩm chất của cái đẹp, nó biểu hiện cái đẹp của tâm hồn con người, cái cao cả của tinh thần nhân dân, của nhân loại - chính hoạt động tinh thần của nhân dân, của nhân loại là cái đã sáng tạo ra và khẳng định lý tuởng thẩm mĩ. Giá trị thẩm mĩ của lý tưởng thẩm mĩ biểu hiện tính nhân loại của nó.

Lý tưởng thẩm mĩ của nghệ sĩ thể hiện qua các yếu tố của tác phẩm như: sự thể hiện các nhân vật chính diện, sự thể hiện cảm hứng chủ đạo, như nhìn chung cần phải xác định lý tưởng thẩm mĩ thông qua toàn bộ cơ cấu

nghệ thuật của một tác phẩm, toàn bộ thế giới nghệ thuật của một nghệ sĩ” [34, 179-180].

Vẻ đẹp của lý tưởng thẩm mĩ trong Nhật ký trong tù được thể hiện rất đa dạng và cụ thể trong các bài thơ của tập thơ. Mộ là một bài thơ tuyệt hay trong Ngục trung nhật ký đã thu hút được nhiều nhà nghiên cứu và yêu thơ phẩm bình thưởng thức. Lời thơ đâu phải là của người tù mà là của một khách du lịch tìm đến với một vùng sơn cước để quay lại một khoảnh khắc chớp nhoáng của chiều tối với vài nét vẽ đơn sơ: một cánh chim mỏi bay trên bầu trời, một đám mây cô độc đang trôi giữa bầu trời và nổi bật hơn cả là hình ảnh người thiếu nữ xay ngô. Cảnh không có gì nhiều, chỉ đôi nét đơn sơ, nhưng cái tình cảm Bác đối với cuộc sống thì lại mênh mông bát ngát tình.

Sự độc đáo của bài thơ là tác giả đã khéo léo kết hợp giữa cảnh và tình, giữa hiện đại và cổ điển làm toát lên một vẻ đẹp hài hoà. Vẻ đẹp của một tâm hồn thi sĩ hoà mình vào thiên nhiên, hoà mình vào đời sống sinh hoạt của con người.

Chứng kiến từng cảnh hoa nở rồi hoa lại rụng, nhà thơ đã khái quát thành triết lý, nói về sung nghĩ của một nhà nghệ sĩ về cái đẹp trên đời. Nhà thơ trầm ngâm suy nghĩ về số phận cái đẹp:

Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng, Hoa tàn hoa nở cũng vô tình;

Hương hoa bay thấu vào trong ngục, Kể với tù nhân nỗi bất bình.

(Cảnh chiều hôm)

Bài thơ Cảnh chiều hôm đã nói lên tình cảm đặc biệt của Bác dành cho cái đẹp. Đúng như nhận xét của Trần Khánh Thành: “Đã là nghệ sĩ ai không yêu cái đẹp, ai mà không xót xa khi cái đẹp bị lụi tàn, bị vùi dập. Hoa là hiện thân của cái đẹp, cái đẹp trong sáng thơm tho, cái đẹp vô tư của thiên nhiên. Từ xưa đến nay đã biết bao thế hệ thi nhân thổn thức trước cảnh hoa tàn. Đến

thế kỷ XX này Xuân Diệu còn băn khoăn: “Ờ nhỉ! Sao hoa lại phải rơi?...”. Đó là một câu hỏi muôn đời của loài người muốn cái đẹp thuộc về vĩnh viễn” [117, 552].

Mặc dù nắm rất vững của quy luật “nở”, “tàn” của hoa - quy luật khắc nghiệt của tạo hoá đối với vạn vật nói chung và cái đẹp nói riêng. Biết vậy nhưng quá xót xa khi phải chứng kiến hoa sớm nở chiều tàn nhà thơ đã đặt ra câu hỏi: sao cái đẹp lại mong manh và tồn tại ngắn như vậy? Nhà thơ đặt ra câu hỏi nhưng không cần lời giải đáp mà để nói lên tình cảm thiết tha của mình đối với cái đẹp, dành cho cái đẹp.

Nếu chất “thép” làm nên vẻ đẹp trí tuệ của người tù - người chiến sĩ Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm vào cái tốt, cái thiện, hướng vào một tương lai tươi sáng và tốt đẹp; thì vẻ đẹp của lý tưởng thẩm mĩ lại làm nên chất thơ của tập Nhật ký trong tù. Chính chất thơ ấy đã hướng tâm hồn của người nghệ sĩ hướng về cái đẹp, phát hiện và khám phá cái đẹp ở mọi lúc, mọi nơi.

Yêu cái đẹp tâm hồn người tù luôn hướng về cái đẹp, thả hồn mình vào cái đẹp của thiên nhiên, của những ánh trăng thơ mộng:

Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.

(Trung thu II)

Phải chăng đó là khát khao cháy bỏng của thi nhân - khát vọng được tự do - khát vọng được giao hoà cùng cái đẹp.

Trong Ngắm trăng, trước một đêm trăng đẹp, mặc dù mình phải sống trong cảnh tù đày nhưng thi sĩ Hồ Chí Minh đã thả hồn mình vào cảnh đẹp đêm nay để tha hồ, mặc sức mà tâm sự giải bày với ánh trăng, để rồi người ngắm trăng một cách say mê mà đằm thắm và trăng ngắm người thân mật, tri ân:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Mối quan hệ giữa người tù - thi sĩ Hồ Chí Minh và trăng là mối quan hệ thắm thiết, tri ân, tri kỷ. Bởi đó là sự gặp gỡ tình cờ giữa hai vẻ đẹp: một vẻ đẹp của tâm hồn, của nhân cách Hồ Chí Minh với một bên là vẻ đẹp của thiên nhiên - vẻ đẹp của vầng trăng. Đó cũng là vẻ đẹp của lý tưởng thẩm mĩ mà thi nhân muốn gửi gắm.

Có khi chứng kiến sự đổi thay cảnh sắc của đất trời, nhà thơ đã tạm quên đi sự vất vả của một tù nhân đang bị giải đi khi trời chưa sáng để quan sát cảnh đổi thay mang tính quy luật đó:

Phương đông màu trắng chuyển sang hồng, Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không;

Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

(Giải đi sớm II)

Bài thơ Giải đi sớm II đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên hùng tráng tràn đầy sự sống. Đẹp hơn hết vẫn là tâm hồn lạc quan tin tưởng yêu đời của nhà thơ. Người và cảnh hoà quyện vào nhau gắn bó ấm áp, thiên nhiên sưởi ấm lòng người bằng màu hồng của bình minh đang lên, bằng hơi ấm của vũ trụ khi trời hừng đông; người sưởi ấm thiên nhiên bằng nhiệt tình cách mạng, lý tưởng cách mạng. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp tuyệt vời, vẻ đẹp nên thơ và đã thành thơ khi thi hứng của nhà thơ đã đạt đến đỉnh điểm Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

Điều bạn đọc dễ nhận thấy nhất trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là Người đã tìm thơ ở tất cả những việc mình trải qua. Bác viết về trăng, về hoa ngay trong tù vì trong tù Bác có thấy trăng và mùi hương hoa; nhưng Bác cũng làm thơ về cái răng rụng, về chuyện gải ghẻ, về những chuyện sinh hoạt cá nhân rất khó nói, khó thành thơ nhưng nó đã thành thơ - thơ hay và độc đáo:

Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ, Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.

(Mới đến nhà lao Thiên Bảo) Hay:

Đau khổ đâu bằng mất tự do, Đến buồn đi ỉa cũng không cho.

(Bị hạn chế)

Chất thơ Bác tìm ra đây là ngay ở bản thân sự việc, bản thân sự sống ở Bác, nó nằm ở mối tương quan: ngồi trên hố xí nhưng đợi thì là đợi ngày mai. Phẩm cách thì rất lớn, nhưng trong cái lớn đó ta vẫn nhận ra một nụ cười kín đáo. Nụ cười đó ẩn chứa vẻ đẹp lý tưởng thẩm mĩ trong thơ Bác, nó vừa mang cái khí vị trần thế, nó giữ cho thơ Bác, nhất là trong Nhật ký trong tù, một tầm vóc lớn lao nhưng không đại ngôn, trí tuệ mà không khẩu khí.

Ở bài thơ Lại sang (Ghẻ lở) chất thơ được toát ra từ một chất liệu “không thơ” chút nào! Từ việc Ghẻ lở nguời tù đã thả hồn mình vào để biến nó thành thơ của cuộc đời. Trong vần thơ ấy có hình khối, có màu sắc, có âm thanh và cao hơn cả là tâm hồn phá cách Đường thi của thi nhân:

Đầy mình đỏ tím như hoa gấm, Sột soạt ngâm nga tựa gảy đàn; Mặc gấm, bạn tù đều khách quý, Gảy đàn, trong ngục thảy tri âm.

Có thể nói, ít người đưa vào thơ được nhiều hiện vật thô mộc, nhiều việc rất đời một cách nên thơ và hồn nhiên như Bác. Đây không phải chỉ là đặc điểm bút pháp mà là đặc điểm tâm hồn, đặc điểm xử thế của Bác. Gạt bỏ mọi hình thức để đạt đến sự chân thực, đích thực - đó là vẻ đẹp của lý tưởng thẩm mĩ trong thơ Bác.

Đọc Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh chúng ta bắt gặp một hồn thơ thân thiết và gần gủi. Bởi vì thơ của Bác nói chuyện đời và giá trị của chất thơ cũng toát lên từ đó. Cốt lõi hiện thực còn lại trong ta, đó là những chiêm nghiệm về lẽ sống, về đời người. Đó phải chăng là giá trị vĩnh hằng của thơ ca, đó phải chăng là vẻ đẹp của lý tưởng thẩm mĩ mà tác giả muốn gửi gắm trong Nhật ký trong tù.

Cuốn Nhật ký trong tù cho ta thấy cái chủ yếu và cái sâu xa nhất trong lòng Bác. Với Bác thơ là hiện thực cuộc đời, cái đẹp phải gắn với cuộc sống. Đúng như Lưu Trọng Lư nhận xét: “Lắm lúc ở Bác không tách thơ ra khỏi sự sống được, hay trái lại. Tứ thơ, ý thơ của Bác bình dị như sự sống, lẩn đi trong sự sống hàng ngày. Có lúc một bài tôi vừa thoáng thấy một tứ thơ, lơ đãng một chút mất ngay; đọc đi đọc lại tìm mãi, tìm mãi mới ra” [83, 274].

Tóm lại, tập thơ Nhật ký trong tù thể hiện rõ nhất vẻ đẹp lý tưởng thẩm mĩ của người tù - thi sĩ Hồ Chí Minh. Vẻ đẹp đó được toát ra từ những lời thơ mộc mạc, giản dị, từ những chất liệu thơ gần gủi mà thân thiết. Đúng như lời nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu: “Tập thơ Nhật ký trong tù đứng vô song trong văn học nước ta, vì nó là những tiếng nói của tâm hồn Hồ Chủ tịch. Trên trường thơ thế giới, nó cũng gây những sóng dội vang đặc biệt”.

Ông Pie Xơghe (Pierre Sêghers), Giám đốc một nhà xuất bản ở Pháp và là một nhà thơ, đã gửi đến một bức thư “Kính thưa Chủ tịch và thưa nhà thơ thân mến” xin phép Bác được in tập thơ ra tiếng Pháp (bản dịch của Phan Nhuận), nói:

“Tôi đã có duyên đọc Nhật ký trong tù dịch ra tiếng Pháp, những bài thơ ấy đã xáo trộn cả tâm hồn tôi”. Thơ Nhật ký trong tù theo ý tôi, rất dễ cũng rất khó. Dễ là dễ hiểu, giản dị, gần gủi với mọi người, các bài đều có cơ sở đầu tiên ở thực tế, dễ thông cảm. Nhưng nếu chưa nâng tâm trí mình lên đúng mức thì chưa thấy hết cái đẹp tinh tuý ở bên trong thơ, cho nên nói là rất khó.

…Tập thơ Nhật ký trong tù chủ yếu dùng cái bút pháp tự nhiên, hồn nhiên như là rất dễ viết ra, kỳ thực cái đơn giản tự nhiên này là kết quả của một sự nắm bắt rất vững ngôn ngữ, hiểu biết rất sâu chất thơ, hiểu cách tác động thâm thuý nhất vào tâm hồn người: tác động bằng sự chân thực” [7, 243- 244].

Một phần của tài liệu Nhật ký trong tù từ góc nhìn thể loại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 125 - 132)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w