Nhật ký trong tù trước hết là tập nhật ký tự viết cho mình, ghi lại vắn tắt những điều tai nghe, mắt thấy làm mình trăn trở, suy nghĩ và xúc cảm. Điều lý thú là Hồ Chí Minh viết Nhật ký trong tù với 134 bài thơ mà chỉ viết cho mình, chỉ viết để mình đọc lấy mình. Trong văn học nhân loại xưa nay những trường hợp như vậy không phải là nhiều. Bởi lẽ, thông thường khi một nhà văn, nhà thơ cầm bút sáng tác thì bao giờ cũng nghĩ đến nhà xuất bản sắp
in tác phẩm của mình để đưa ra mắt công chúng (bạn đọc) và sự phản hồi từ phía công chúng với những bài phê bình, ý kiến nhận xét khen hay chê, đồng tình hay phản đối…cũng sắp được in ra xung quanh tập sách. Song điều đặc biệt, đây không phải là sự quan tâm của tác giả cuốn nhật ký bằng thơ này. Ngay bài thơ Khai quyển người viết đã nói rõ điều đó:
Ngâm thơ ta vốn không ham,
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây; Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do
Bài thơ đã nói rõ mục đích của việc viết tập thơ - tập Nhật ký trong tù. Vì trong tù không có việc gì làm Ngâm thơ ta vốn không ham, Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây, nên tạm mượn thơ để khuây khỏa những ngày tháng dài đằng đẵng, chờ ngày được trả tự do:
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do
Điều đó sau này đã được Bác khẳng định khi Bác nói với Paven Antokolski người dịch tập thơ ra tiếng Nga: “Tôi viết những bài thơ ấy để làm gì? Chỉ vì ở trong tù tôi không thể làm gì khác. Họ tước đoạt của tôi hết tất cả …và buồn” [117, 286].
Mục đích sáng tác cuốn Nhật ký trong tù đã được làm sáng tỏ và điều đó đã được Bác khẳng định thêm một lần nữa. “Các cháu không nhắc thì Bác cũng không nhớ đến nữa. Bác không phải là người hay thơ, mà thơ của Bác cũng không hay. Mười mấy tháng trời nhốt trong một cái phòng u ám và hưu quạnh, một mình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có gì làm. Muốn đi “du lịch” thì đi dọc chỉ 5 bước, đi ngang 4 bước. Để “tiêu khiển” ngày giờ, chỉ có cách nghêu ngao, vắn tắt ghi lại mấy nét sinh hoạt của người tù, cho khuây khỏa thế thôi, phải thơ phú gì đâu…” [109, 107].
Viết Ngục trung nhật ký là Bác đã làm thơ, làm để bác ngân nga tự tiêu khiển. Đó là một việc làm bất đắc dĩ của Bác vì trong tù không có việc gì làm nên phải tạm mượn việc làm thơ và ngâm thơ cho qua ngày dài.
Bên cạnh đó Nhật ký trong tù được Bác viết ra như một nhu cầu giải tỏa, đó là độc thoại với chính mình, phát hiện thấy mình, tự trách mình, tự tách ra khỏi mình để tìm tòi nghiền ngẫm trong tù những tình cảm sâu sắc nhất biết trao đổi cùng ai? Người quan tâm đến tất cả nhưng tất cả đều không thể hiểu Người. Trong sự cô quạnh của môi trường này, Người phải sống một mình, cảm xúc một mình và ghi lại cho mình những trang nhật ký. Người làm thơ và trong thơ Người lại một lần nữa phân đôi mình thành người sáng tạo và người thưởng thức. Sáng tạo thơ cho mình và thưởng thức thơ của mình. Độc thoại biến thành đối thoại và đối thoại trong độc thoại. Nhật ký trong tù của Bác là như vậy đấy! Đúng như Trần Thị Thanh Băng và Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “…Việc tìm hiểu Nhật ký trong tù cần đặc biệt chú ý đến tiề đề lịch sử, đến hoàn cảnh cụ thể của quá trình sáng tạo - những điều người tù Hồ Chí Minh tự nói với mình hơn là nói về cái tâm, cái chí, cái tình của mình” [12, 64].
Ở bài thơ Tù lương (Cơm tù) Bác đã tả lại bữa ăn của người tù, mỗi bữa một bát cơm nhạt gạo đỏ, không muối, không thức ăn, không canh, không đủ no, người tù nào không có người chăm nuôi thì đói không chịu được phải kêu cha kêu mẹ:
Không rau, không muối, canh không có, Mỗi bữa lưng cơm đỏ gọi là;
Có kẻ đưa cơm còn chắc dạ, Không người lo bữa đói kêu cha.
Trong tù những điều kiện sống của con người bị tước bỏ đến mức tôi thiểu. Chỉ trong chuyện ăn uống quá thiếu thốn cũng là một thử thách căng thẳng đối với tất cả mọi người. Người tù Hồ Chí Minh cũng vậy, ở trong tù
không được ai chăm nuôi nên cái đói đã trở thành nỗi ám ảnh lớn trong nhà thơ cũng như tập thơ. Nhà thơ đã năm lần nhắc đến cái đói ở bài: Tù lương
(Cơm tù) thì (đói kêu cha), ở bài Đỗ phạm (Tù cờ bạc) thì đói đến mức dãi với lệ càng tuôn ở bài Điền Đông vì đói mà Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu, ở bài Nam Ninh ngục (Nhà ngục Nam Ninh) thì cái đói đã làm cho cái bụng cứ run hoài. Chính vì nhà thơ đã ghi lại những cái đói hoành hành mình để mình nhớ và đã thành thơ. “Chất thơ tưởng như “siêu thoát” không chút gắn bó, không có mối liên quan gì đến cảnh ngộ cực kỳ gian khổ và bi thảm của người tù… Đó là chất thơ đến từ những sự thật trần trụi, không “thơ” chút nào” [117, 319].
Có những bài thơ, Bác nói lên quy luật vận động của thiên nhiên cũng như của xã hội để khuyên mình:
Không cảnh tiêu điều đông giá rét, Đâu ngày ấm áp xuân huy hoàng; Tai ương rèn luyện cho ta đó,
Ta thấy tinh thần thêm khẩn trương.
(Tự khuyên mình)
Từ hiện tượng về thời tiết, về cảnh vật, về sự tần hoàn của thế giới tự nhiên nhưng nhà thơ có một cái nhìn theo hướng phát triển đi lên của sự vật: không có cảnh mùa đông giá rét, cảnh vật tiêu tàn sơ xác thì sẽ không có mùa xuân ấm áp, huy hoàng. Cảnh mùa đông tiêu điều, sơ xác là sự vận động biến đổi của tự nhiên để mang đến mùa xuân ấm áp, tốt tươi. Đó là chu kỳ của một năm vừa khép lại bằng mùa đông, liền mở ra một chu kỳ mới bắt đầu bằng mùa xuân theo hướng phát triển. Từ sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên, Bác đã liên hệ đến sự chuyển động của con người và liên hệ đến bản thân mình, từ đó rút ra bài học cho bản thân mình để khuyên mình. Tai ương đã rèn luyện cho con người ta tinh thần càng thêm vững vàng. Sự thống nhất giữa tai ương rèn luyện và tinh thần vững vàng chính là nghị lực, là quy luật
chuyển hóa của con người có bản lĩnh. Tự khuyên mình là bài thơ Bác viết cho mình, tự khuyên mình và Bác đã thực hiện nghiêm túc lời tự khuyên mình không chỉ trong hoàn cảnh tù đày mà trong suốt cuộc đời cách mạng của mình.
Trong bài thơ Tứ cá nguyện liễu (Bốn tháng rồi) là một trong những bài thơ quan trọng của tập Nhật ký sơ kết bốn tháng sống trong cõi tù. Đúng như nhan đề của nó Bốn tháng rồi không còn đơn giản là một khoảng thời gian vật lý, một thực tế khách quan mà là cái thực tế khách quan đó đã được con người cảm xúc, suy ngẫm đánh giá, thì khoảng thời gian đó được coi là đủ dài, đủ sâu, đủ phong phú, đủ đau đớn nặng nề để trở thành giai đoạn đáng kể trong cuộc đời người tù. Đây là bài thơ tả thực, kể chuyện trong tù rất thực, rất hay, rất xúc động. Bài thơ được chia làm bốn khổ, mỗi khổ chứa đựng một cảm xúc riêng, tâm trạng riêng.
Khổ thơ thứ nhất nói về tâm trạng và cảnh ngộ của người tù, đó là cảnh sống cực khổ đến mức không phải là cuộc sống của con người nữa đã làm cho cơ thể của người tù bị hủy hoại đến mức tàn tạ:
Sống khác loài người vừa bốn tháng, Tiều tụy còn hơn mười năm trời.
Khổ thơ thứ hai nói về cuộc sống không phải loài người. Mọi nhu cầu sống của con người đều bị tước đoạt, hạn chế dưới cả mức tối thiểu: ăn không no, ngủ chẳng được, quần áo không thay, không giặt giũ.
Khổ thơ thứ ba nói về kết quả tàn phá của nhà tù đối với cơ thể của người tù làm cho: răng rụng, tóc bạc thêm, người gầy đen, toàn thân đầy ghẻ lở.
Khổ thơ thứ tư nói về kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ của người tù Hồ Chí Minh trước hoàn cảnh khắc nghiệt của tù ngục đã giành chiến thắng. Bác đã kiên trì, nhẫn nại chịu đựng cực khổ suốt “Bốn tháng rồi” với ý chí và tinh thần thép “không chịu lùi” bước trước khó khăn
gian nan, thử thách, tuy đau khổ về thể xác, thiếu thốn về vật chất nhưng tinh thần vẫn vững vàng:
Kiên trì và nhẫn nại, Không chịu lùi một phân. Vật chất tuy đau khổ, Không nao núng tinh thần!
Các khổ thơ được móc xích với nhau bằng ba từ chuyển tiếp: Bởi vì,Cho nên, May mà đã tạo nên một bài thơ hoàn chỉnh với sự lập luận chặt chẽ có sức thuyết phục cao. Đúng là bản sơ kết bằng thơ một chặng đường lao tù, đánh giá lại mình trong suốt bốn tháng tù đày và chủ động chờ đón những gian lao thử thách sắp tới. Do vậy qua bốn tháng nhìn lại, Bác đã tự rút ra được cho mình bài học quý đó là con đường cách mạng có bao giờ thuận chiều, bằng phẳng, mở sẵn lối đi đâu, mà muốn vượt qua nó thì phải biết chịu đựng gian khổ, khó khăn, phải biết kiên trì để chờ thời gian vượt qua mọi thử thách để chiến thắng nó mới đi đến được thắng lợi cuối cùng. Để làm được như vậy cần phải có sức mạnh của tinh thần - sức mạnh bất diệt. Điều này đã được Bác khẳng định ở bài thơ Văn thung mễ thanh (Nghe tiếng giã gạo), con người càng trải qua gian khổ, thử thách gian nan thì càng trưởng thành hơn. Chỉ có gian nan thử thách mới giúp con người có thêm bản lĩnh và sức mạnh để vượt lên nó mới đi đến thành công:
Gian nan rèn luyện mới thành công
Nhật ký trong tù “Rõ ràng là bức chân dung của vị Chủ tịch. Đây là thơ, những bài thơ ngắn ngọn, những đoạn thơ mang đầy cá tính, viết ra trong hoàn cảnh bị kẻ địch bắt, vì thế Hồ Chí Minh đã chọn lấy cách làm thơ để giải khuây trong những thời gian người bị bắt buộc người phải ngồi không ở chốn lao tù. Những đoạn thơ hoàn toàn riêng tư này đã biểu hiện cảm xúc và niềm hy vọng của người bị bắt. Thảy hoặc đây kia người ta thấy tác giả ngụ ý nói
đến những hoàn cảnh và lý do của tình huống, tuy nhiên những cái đó chỉ được phác họa qua một cách nhẹ nhàng…” [117, 279].
Ở bài Trọng bệnh (Ốm nặng) tác giả đã bộc lộ những tâm sự của mình với chính mình như một khát vọng giải bày. Đó là nỗi cay đắng bị ốm nặng trong tù, phần thể xác bị hành hạ suy sụp, phần bị day dứt vì nỗi nhớ nước, lo công việc cứu nước đang dang dở: Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh, Nội thương đất Việt cảnh lầm than. Cảnh ngộ của Bác lúc này thật bi đát nhưng Bác đã cố nén nhịn để vượt qua hoàn cảnh đau khổ tuột cùng với một tinh thần thép, cười trong cảnh ngộ đáng khóc Đáng khóc mà ta cứ khóc tràn.
Có lúc Bác trực tiếp thể hiện thái độ tức giận cao độ của mình trước cách nhìn chính quyền Quốc dân đảng đối xử với mình. Ở bài ? (Dấu hỏi) trước sự giải đi, giải lại vòng vo Liễu Châu, Quế Lâm lại Liễu Châu nhà thơ thấy mình như quả bóng Đá qua đá lại, bóng chuyền nhau đến nỗi Người đã bực tức gằn giọng hỏi:
Quảng Tây đi khắp lòng oan ức, Giải tới bao giờ, giải tới đâu?
Đó là câu hỏi nhưng cũng là lời minh oan cho chính mình về lòng oan ức của mình đang phải chịu. Đó chẳng phải viết để nói với chính mình đó sao?
Ở bài thơ Đệ tứ Chiến Khu chính trị bộ (Tới Cục Chính trị Chiến Khu IV) nhà thơ đã làm một cuộc hống kê về các địa danh và các nhà tù mà mình đã đi qua đó là mười ba huyện, mười tám nhà lao:
Quảng Tây giải khắp mười ba huyện Mười tám nhà lao đã trải qua.
Sau phép thống kê đó, nhà thơ đặt ra câu hỏi và cũng đặt ra câu trả lời:
Phạm tội gì đây ta thử hỏi? Tội trung với nước với dân à?
Câu hỏi mà Người đưa ra là không biết mình phạm tội gì Phạm tội gì đây ta thử hỏi và câu trả lời được Người đưa ra ngay sau đó là nếu mình có tội thì tội vì dân tộc tận trung Tội trung với nước với dân à?. Đây không phải là nhà thơ độc thoại với mình đó sao?
Ở bài thơ Thu dạ (Đêm thu) tác giả nói về một đêm trằn trọc không ngủ được, nhìn lính canh đứng gác ở ngoài cửa ngục, rồi lại nhìn đám mây lướt cạnh vầng trăng, thân xác bị muỗi rệp hành hạ, lòng dạ bị nỗi nhớ nước dày vò, chợp mắt thì lại thấy mộng vương vấn mối sầu như vạn mối tơ ập tới. Trong hoàn cảnh đó nhà thơ đã hòa lệ để viết nên thơ - những bài thơ tù, những trang nhật ký.
Ở tù năm trọn thân vô tội, Hòa lệ thành thơ tả nỗi này
Hòa lệ là một hình ảnh trữ tình của bài thơ là giọt nước mắt duy nhất của nhà thơ. Giữa hòa lệ (nước mắt) và thi gia có một điểm chung duy nhất là xuất hiện một lần trong tập thơ. Như vậy, những dòng nhật ký - thơ tù được nhà thơ viết ra trong đau khổ, trong nước mắt, các bài thơ tù đều đẫm nước mắt. Đúng như Quách Mạc Nhược (Trung Quốc) nhận xét: “Mặc dù là người lạc quan cách mạng, trong thơ của Người, Hồ Chủ tịch có lúc đã khóc. Tôi xin dẫn bốn câu thơ sau cùng của bài Đêm thu…Đây là “nước mắt” của người anh hùng, “nước mắt” của ngưòi chiến sĩ, “nước mắt” này không nhỏ vì mình, mà là nhỏ vì hàng ngàn, hàng vạn con người đau khổ …” [117, 587].
Nhật ký trong tù là tập thơ, tập nhật ký của người tù - Hồ Chí Minh. Người viết cuốn nhật ký này với mục đích là phục vụ chính mình, cái phần linh hồn sâu thẳm mà Già Hồ muốn gửi vào tập thơ. “Về cơ bản Ngục trung nhật ký vẫn là một tập thơ “hướng nội”, một thi phẩm viết để cho mình ngâm nga, để mình được tự do đối diện với mình trong dòng suy tưởng, cũng như được buông thả trong cảnh huống của một người tù”[6, 61].