3.3.1. Quan niệm thẩm mĩ
Ngục trung nhật ký là tập thơ - cuốn nhật ký thể hiện rõ nhất quan niệm thẩm mĩ của Hồ Chí Minh. Quan niệm thẩm mĩ trong Nhật ký trong tùlà cách nhận thức, đánh giá về cái đẹp và khả năng cảm thụ cái đẹp của nhà thơ. Quan niệm này giữ vai trò vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp và chi phối giá trị cả nội dung cũng như nghệ thuật của tập thơ.
Hồ Chí Minh quan niệm về cái đẹp không phải là cài gì thần bí xa lạ nơi chốn Bụt, cõi Tiên như trong truyện cổ tích mà là tất cả những gì gần gủi thân thương tồn tại ngay quanh chúng ta. Đúng như Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Với Hồ Chí Minh, cái đẹp là cuộc sống thực tại trên mặt đất này, cuộc sống luôn luôn vận động biến đổi và đầy say mê của con người trong cõi đời trần tục này” [12, 136].
Chính vì quan niệm như vậy, cho nên đặc điểm bao trùm của các bài thơ trong tập thơ Nhật ký trong tù là gắn chặt thơ ca với con người với cuộc sống, với thiên nhiên. Tuy nhiên quan niệm thẩm mĩ của nhà thơ Hồ Chí Minh không trực tiếp phát biểu thành tuyên ngôn mà nó được gửi gắm vào từng bài thơ trong tập thơ. Song giữa các bài thơ không hề có sự mâu thuẫn với nhau mà lại bổ sung cho nhau làm sáng rõ quan niệm thẩm mĩ của Người.
Tập thơ Nhật ký trong tù có thể xem như là một minh chứng tiêu biểu cho quan điểm mĩ học về cái đẹp của Bác. Với 134 thơ, tuy có đủ cảnh sơn thuỷ hữu tình, phong hoa tuyết nguyệt nhưng đều gắn chặt với cuộc sống đầy bụi bặm này. Dưới ngòi bút của nhà thơ hiện ra một nhân loại lam lũ, đói khát, đói rách, rách rưới, ghẻ lở …thuộc mọi tầng lớp xã hội. Cuộc sống của họ tuy đầy bất hạnh nhưng là cuộc sống thực với mọi niềm vui, nỗi buồn,
sướng khổ, với những lo toan, những ham muốn nhiều khi tầm thường vặt vảnh nhưng không có chúng thì không thể có cuộc sống sinh hoạt thực tại.
Có thể nói sự sống là cái đep duy nhất và vĩnh hằng. Cái đẹp trong
Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh cũng vậy. Sống trong cảnh u ám, tối tăm nhưng con người vẫn khao khát ánh sáng, tuy phải chịu nhiều đau khổ nhưng không phải không có niềm vui - đó là niềm vui của chính những con người đau khổ tạo ra. Với họ, có sống là có vui, được chia sẻ với nhau nỗi khổ thì cái khổ cũng vơi đi một phần. Vì thế sinh hoạt trong tù cũng tưng bừng tiếng cười, tiếng hát:
Cơm xong, bóng tối xuống trầm trầm, Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm; Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối,
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm.
(Chiều hôm)
Hướng về sự sống, về ánh sáng và tương lai đã hoàn thiện quan niệm thẩm mĩ của Hồ Chí Minh trong Nhật ký trong tù. Nhà thơ nhìn cảnh đông tàn nhưng lại chuẩn bị cho một mùa xuân tươi tốt, nhìn cảnh đêm tàn chuẩn bị cho một bình minh rực rỡ:
Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
(Tự khuyên mình)
Sống trong đau khổ nhà thơ cần phải chắt chiu sự sống, ân cần, nâng niu, vun xới cho sự sống dù chỉ là một sự sống tội nghiệp:
Quyển xưa, sách mới bồi thêm ấm, Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn.
Hay đó chỉ là chút hy vọng mong manh:
Khuyên anh hãy gắng ăn no bụng, Bĩ cực rồi ra ắt thái lai
(Buổi sớm)
Tinh thần hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai đã làm thi phẩm thơ của Hồ Chí Minh mang những nét riêng biệt. Khi bắt gặp cảnh sinh hoạt đông vui của nhân dân nơi ven sông đã làm cho hồn thơ thi sĩ cất lên với niềm vui dường như bất tận:
Làng xóm ven sông đông đúc thế, Thuyền câu rẻ sóng nhẹ thênh thênh”.
(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh) Quan niệm thẩm mĩ của Hồ Chí Minh là một quan niệm vừa mang tính kế thừa những quan điểm thẩm mĩ của các bậc tiền nhân, lại vừa mang tính chính kiến của một chiến sĩ cách mạng cộng sản. Do đó, quan niệm đó vừa mang tính cổ điển lại vừa mang tính hiện đại. Tính kế thừa trong Hồ Chí Minh là tiếp thu những tinh hoa chứ không phải sao chép nguyên mẫu, hiện đại nhưng phải phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc. Do đó, quan niệm thẩm mĩ của Người là sự hội tụ đầy đủ của: cổ - kim, đông - tây, truyền thống - hiện đại, dân tộc - nhân loại.
Nên khi đọc thơ của người xưa, Bác đã thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình:
Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp, Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông; Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong. (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”)
Nhà thơ đã phát biểu cảm tưởng của mình sau khi đọc Thiên gia thi. Nguời nhận thấy: thơ xưa thiên về yêu chuộng vẻ đẹp của thiên nhiên nên cảnh trong thơ xưa chủ yếu là: Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông. Bác chỉ nhận xét chứ không hề phê phán như ý kiến của một số người.
Đúng vậy! Thơ xưa thường nghiêng về tình yêu vẻ đẹp của thiên nhiên. Và trong Nhật ký trong tù thơ của Bác cũng nói rất nhiều về cảnh đẹp của thiên nhiên, cánh chim, chòm mây, ánh trăng, hoa hồng, chim kêu, hương hoa, cảnh hoàng hôn, cảnh rạng đông, núi, sông…Nhưng thơ của Bác đâu chỉ đơn thuần có cảnh thiên nhiên đẹp mà còn có cuộc sống của con người nữa. Chính vì thế nên Người nhận thấy: Thơ xưa không còn hoàn toàn phù hợp với thời đại ngày nay nữa và Người đã đưa ra lời khuyên:
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Thép mà Bác khuyên các nhà thơ nên sử dụng trong thơ chính là phẩm chất tư tưởng và thẩm mĩ của thơ. Thơ phải có “thép” nghĩa là phải có tinh thần chiến đấu, phải có tinh thần cải tạo xã hội, phải phục vụ cách mạng. Đúng như Hoàng Trung Thông nhận xét: “Thép là một hàm nghĩa nói lên tư tưởng tình cảm tiến bộ tốt đẹp, là tinh thần chiến đấu, tinh thần cách mạng của thơ hiện đại” [117, 599].
Như vậy để thay đổi được thói quen, khắc phục hạn chế của thơ xưa và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cách mạng, của đời sống ngày nay thì nhà thơ phải là chiến sĩ cách mạng xung phong. Bởi với Bác: “Văn hoá nghệ thuật cũng là mặt trận, anh chị em nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy” [110, 111].
Bài thơ Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi” thể hiện rõ nhất, đầy đủ nhất về quan niệm thơ của Bác và cũng thể hiện được một phần quan niệm thẩm mĩ của Người.
Với Bác, hạnh phúc của con người là được hoà đồng vào thiên nhiên và hoà đồng vào xã hội. Các nhà thơ xưa lại thường xa lánh cõi đời mà chỉ để mình tan biến vào thiên nhiên. Nhưng Bác thì khác hẳn, bởi quan niệm thẩm mĩ của Bác cũng khác người xưa. Bài thơ Mộ (Chiều tối) là một minh chứng của Bác hào cùng tạo vật, đó là một yếu tố tinh thần truyền thống kết tinh bền vững trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng của thời đại. Những cảm quan của Bác là cảm quan nhân đạo. Tình cảm của Bác là lòng thương yêu sự sống. Phải chăng quan niệm thẩm mĩ ở Bác đã vượt xa các nhà thơ xưa:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không; Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng.
(Chiều tối)
Vẫn là những nét chấm phá của thơ xưa “thi trong hữu họa” về cảnh thiên nhiên: một cánh chim từ phương trời xa bay về rừng tìm chốn nghỉ, chòm mây cô độc bay trên bầu trời. Nhưng trong cảnh thiên nhiên đó lại là sự xuất hiện của con người. Đặt người con gái lao động ở vị trí chủ thể của thiên nhiên, của tạo vật bài thơ đã chuyển bức tranh thiên nhiên thành bức tranh sự sống, đó là khuynh hướng vận động của hình tượng thơ, là tứ thơ chi phối bởi tâm hồn nhà thơ, một tâm hồn giản dị bao giờ cũng thiết tha gắn bó với cuộc sống, một tâm hồn hướng về sự sống của mọi tầng lớp nhân dân lao động.
Gia trị của bài thơ đã được Trần Khánh Thành khái quát: “Chiều tối
không chỉ tả cảnh chiều núi sơn cước với làn mây, cánh chim và cuộc sống lao động của con người. Toát lên toàn bộ bài thơ là hình tượng nhân vật trữ tình có tấm lòng yêu thương rộng lớn luôn luôn nâng niu trân trọng mọi sự sống trên đời, có tâm hồn lạc quan luôn luôn hướng về tương lai và ánh sáng…” [117, 363].
Với quan niệm mọi cái đẹp đều xuất phát từ cuộc sống nên Hồ Chí Minh là người sống giàu lòng nhớ ơn, thấm đượm tình người. Nói về điều này tác giả thể hiện rõ tình cảm biết ơn chân thành đối với bất cứ ai nhân nghĩa đã góp phần giải nguy, cứu nạn tác giả Nhật ký trong tù: “Sở trưởng Long An họ Lưu”, “Được ưu đãi”, “Khoa trưởng họ Ngũ, Khoa viên họ Hoàng”, “Khoa viên họ Hoàng, Khoa viên họ Trần đến thăm”, “Chủ nhiệm họ Hầu ân tặng bộ sách”, “Kết luận”. Họ là những người có nhân nghĩa, giàu tình thương không chỉ đối xử tốt với Hồ Chí Minh mà còn với các phạm nhân khác.
Có thể nói rằng quan niệm thẩm mĩ của Hồ Chí Minh luôn hướng tới cuộc sống của con người. Vì thế mặc dù rất yêu thiên nhiên nhưng thiên nhiên trong Nhật ký trong tù luôn gắn bó mật thiết với con người và cuộc sống. Trong tổng số 134 bài thơ có đến mấy chục bài thơ tả cảnh. Ấn tượng sâu sắc và rõ rệt của người đọc là thiên nhiên trong tập thơ rất khăng khít với đời sống nội tâm của con người. Chính điều đó làm cho những bài thơ tả cảnh thiên nhiên của Bác có đường nét riêng, phong cách riêng không lẫn vào đâu được. Đúng như Nguyễn Hoàng Khung nhận xét: “Tình cảm thiên nhiên của Bác Hồ trong chiều sâu chính là lòng yêu thương sự sống, cảm quan nghệ sĩ ở Bác chính là cảm quan nhân đạo. Cái đẹp là ở phía sự sống, phải chăng quan niệm thẩm mĩ ở Bác đã vượt xa thi nhân xưa? Nghệ sĩ rất mực tài hoa đó trước hết là một con người. Và đó là một nghệ sĩ lớn” [110, 321].
Yêu cái đẹp, khi phải chứng kiến cái đẹp tàn lụi trước sự vô tình của thiên nhiên, của tạo hoá, Bác đã “bất bình” trước quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên của tạo hoá đối với cái đẹp nói chung và hoa hồng nói riêng:
Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng, Hoa tàn hoa nở cũng vô tình;
Hương hoa bay thấu vào trong ngục, Kể với tù nhân nỗi bất bình.
Qua hình tượng thơ, tác giả muốn nói đến sự thật đau lòng là tình trạng đoản mệnh của biết bao cái đẹp trên đời này và vấn đề làm thế nào để khắc phục nó để cái đẹp trường tồn vĩnh cửu cùng thời gian. Đó cũng chính mơ ước của tác giả muốn mọi người hãy biết quý trọng và nâng niu cái đẹp. Bởi cuộc sống mà thiếu cái đẹp sẽ trở nên vô nghĩa.
Quan niệm thẩm mĩ của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cuộc sống như chính Người đã phát biểu trong Đại hội văn hoá văn nghệ lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam: “Muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sống sinh hoạt thực tại của con người” [110, 471].
Bác đề cập đến cái đẹp với các văn nghệ sĩ, bởi Bác hiểu rõ hơn ai hết: cái đẹp không tự nhiên mà có, cái đẹp không tồn tại vĩnh cửu. Do đó muốn có cái đẹp thì phải lao động và sáng tạo ra cái đẹp. Văn nghệ sĩ là những người sáng tạo nghệ thuật, làm ra cái đẹp nên cần phải thâm nhập vào cuộc sống “sinh hoạt thực tại của con người” để làm ra cái đẹp. Đó mới là cái đẹp thật sự và có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống, với con người.
Quan niệm thẩm mĩ của Hồ Chí Minh trong Nhật ký trong tù là một quan niệm khoa học, tiến bộ nó hội tụ văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tư tưởng mĩ học của thời đại. Với quan niệm này, dường như chân - thiện - mĩ đã tìm được sự gắn bó thống nhất. Quan niệm thẩm mĩ của Bác đã được Các Mác tiên đoán: trong giai đoạn cao của chủ nghĩa Cộng sản, trên cơ sở phát triển cân đối, hài hoà của vẻ đẹp con người “mĩ học sẽ trùng với đối tượng của đạo đức học”. Có lẽ còn lâu lắm xã hội loài người mới đạt đến trình độ Các Mác hằng mong ước. Nhưng trong đời sống cũng như trong thơ ca, Hồ Chi Minh đã là hiện thân sống của đạo đức ấy, mĩ học ấy!