Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh là một tập thơ gồm 134 bài (Không tính bài Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù tập leo núi) vì đúng như nhan đề của nó, bài thơ này được Bác viết sau khi đã ra tù và cũng không có trong tập thơ). Trong số 134 bài của tập thơ thì bài thơ đầu tiên: “Bài thơ đặt ở ngoài bìa trước, vốn không có nhan đề, bản dịch năm 1960 của viện văn học lấy ngay tên của tập thơ Ngục trung nhật ký đặt tên cho bài thơ. Các bản dịch về sau không đặt tên, nhưng thường xem là “đề từ” xem như bài thơ nói lên tư tưởng chủ đạo của tập thơ” [117, 282].
Các bài thơ còn lại đều có tên và được đánh số lần lượt từ số 1 cho đến hết (số 133). Trong số 134 bài thơ của tập thơ thì có đến 125 bài thơ được làm theo thể thơ tứ tuyệt.
Chín bài thơ còn lại thì sáu bài thơ được làm theo thể thơ Cổ phong, hai bài được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật và một bài có nhan đề mà không có thơ. Cụ thể là: Hai bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật là bài số 129: Thu dạ (Đêm thu) và bài số 130: Tình thiên (Trời hửng) mỗi bài gồm tám câu, mỗi câu bảy chữ. Bài thơ có nhan đề mà không có thơ là bài số 100:
Liễu Châu ngục (Nhà ngục Liễu Châu).
Sáu bài thơ còn lại được làm theo thể cổ phong. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Thơ cổ phong còn gọi là thơ cổ thể, một thuật ngữ mạng nội dung khá rộng chỉ tất cả các bài thơ cổ được sáng tác từ đời Đường trở về sau mà không theo luật thơ Đường (không kể từ và khúc).
Một số thơ cổ phong mô phỏng cổ thi, không bị niêm luật, số chữ, số câu gò bó nên có được màu sắc tự do, phóng khoáng, có khả năng miêu tả và biểu hiện khá phong phú” [34, 311].
Các bài thơ Cổ phong: bài số 10: Vấn thoại (Lời hỏi) gồm mười hai câu mỗi câu năm chữ, bài số 34: Nạn hữu chi thê thám gian (Vợ người bạn tù đến thăm chồng) gồm tám câu mỗi câu năm chữ và bài số 35: Các báo: Hoan nghênh Uy-Ky đại hội (Các báo hoan nghênh: hội nghị lớn hoan nghênh Uy- Ky), bài số 85: Công lý bi (Cột cây số) gồm mười câu mỗi câu năm chữ, bài 86: Tân Dương ngục trung hài 22-11 (Cháu bé trong ngục Tân Dương 22-11) gồm bốn câu, câu đầu ba chữ: Oa…!Oa…! Oa…!, ba câu sau mỗi câu bảy chữ; bài số 102: Tứ cá nguyệt liễu (Bốn tháng rồi) gồm mười chín câu: bốn câu đầu bảy chữ, câu thứ năm hai chữ, bốn câu tiếp theo mỗi câu năm chữ, câu thứ mười hai chữ, bốn câu tiếp theo năm chữ, câu thứ mười lăm hai chữ, bốn câu cuối năm chữ. Điều đáng chú ý các câu hai chữ ở vị trí số 5, 10, 15 của bài thơ là các từ liên kết: Nhân vị (Bởi vì), Sở dĩ (Cho nên), Hạnh nhi
(May mà) các khổ thơ lại với nhau thành một chỉnh thể.
Vậy thể thơ tứ tuyệt là thể thơ như thế nào? Nó có đặc điểm gì? Vì sao Bác lại chọn thể thơ này để viết tập thơ Ngục trung nhật ký?
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì: “Thơ tuyệt cú, ở ta quen gọi là thơ tứ tuyệt. Nghĩa rộng là những bài thơ bốn câu thơ có năm chữ hoặc bảy chữ. Loại năm chữ gọi là “ngũ ngôn tuyệt cú” hay “ngũ tuyệt”. Loại bảy chữ gọi là “thất ngôn tuyệt cú” hay “thất tuyệt”. Theo nghĩa hẹp thì là một dạng của thơ Đường luật có quy định bằng, trắc, niêm, đối. Loại này còn gọi là “luật tuyệt” để phân biệt với “cổ tuyệt” là những bài thơ tuyệt cú không làm theo thể thơ Đường luật.
Luật tuyệt (còn gọi là “tuyệt ngôn luật thi”) là do luật của bài bát cú Đường luật quy định, giống như được “cắt” từ bài bát cú mà ra. Để đảm bảo niêm luật, chỉ có bốn cách cắt:
- Cắt lấy bốn câu trên: trường hợp này hai câu dưới phải đối nhau. - Cắt lấy bốn câu dưới: trường hợp này hai câu trên phải đối nhau. - Cắt bốn câu giữa: trường hợp này cả bốn câu phải đối nhau.
- Cắt lấy hai câu đầu và hai câu cuối: trường hợp này không phải đối. Đây là lối được nhiều người sử dụng và ít bị gò bó” [34, 318].
Như vậy, thơ tứ tuyệt là một thể thơ mà những người được đào tạo trong “nhà trường cũ” rất quen thuộc. Bác Hồ của chúng ta không chỉ uyên thâm về Hán học mà lại còn rất vững các quy tắc làm thơ Đường luật, đặc biệt là thể thơ tứ tuyệt. Hơn nữa, ưu thế của thể thơ này có dung lượng nhỏ phù hợp với hoàn cảnh sáng tác trong nhà tù (Một bài thơ tứ tuyệt dài nhất là 28 chữ, ngắn nhất là 20 chữ). Vì vậy Bác chọn thể thơ tứ tuyệt để viết Nhật ký trong tùlà hoàn toàn phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh tù đày.
Việc lựa chọn thể thơ tứ tuyệt để viết Nhật ký trong tù chắc hẳn có tính toán kĩ lưỡng của người viết. Bởi so với các thể loại tự sự thì thể thơ tứ tuyệt có tính kể chuyện không bằng, mà đã thiếu tính tự sự thì việc ghi nhật ký cực kì khó. Thế nhưng, với Hồ Chí Minh thì điều ít và khó ai làm được thì Người đã làm được. Bởi ưu thế của Người đối với thể thơ này và một phần nữa do dung lượng nhỏ nên dễ cất dấu, nếu bị lính canh, cai ngục lục soát, khám xét
thì cũng không bị tịch thu, không bị kết tội bởi đó là những bài thơ tứ tuyệt chữ Hán.
Tuy sử dụng một thể thơ xưa có những quy định rất nghiêm ngặt về bằng, trắc, niêm, luật, đối…nhưng Hồ Chí Minh không nhất thiết tuân theo công thức đó mà có khi còn “phá cách” để tạo nên sự khác biệt, làm mới và độc đáo trong tập thơ tù. Đó là sự sáng tạo nghệ thuật phi thường của một còn người phi thường. Cho nên, đã có người nhận xét: Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là tập thơ “Bình cũ, rượu mới”. Bình cũ ở đây là thể thơ cổ, hình thức cổ, còn rượu mới là chất liệu mới, nội dung mới. Điều này đã được Gioocgiơ Bunaren (Pháp) khẳng định: “Trong những bài tứ tuyệt của tập
Nhật ký trong tù - tứ tuyệt là thể thơ niêm luật phức tạp và chặt chẽ khác gì thơ cổ điển 14 câu (sonnet) của Pháp - có nhiều bài lời thơ chất phác, có tính chất hiện thực của thơ văn hiện đại. Hình ảnh trong thơ chất phác đến mức mộc mạc, không thêm thắt, không dùng lời lẽ văn hoa, mang tất cả sức mạnh của cuộc sống hằng ngày mà trong con mắt của nghệ sĩ thuần túy hẳn có vẻ quá “tầm thường”. Đó là những bức ký họa ghi được trong khi đi đường bằng vài nét đơn sơ như bức tranh chấm phá. Nhà thơ cho ta xem một tập ảnh chụp rất nhanh về cuộc sống hằng ngày của mình trong tù, không một chút nào là có vẻ bố trí, với tất cả những nét đau khổ và những nét hài hước trong cảnh đời bi thảm.
Giữa những ký sự có vẻ ghi vội vàng và nổi lên gay gắt như mực đen trên giấy đó xen vào những bức tranh tuyệt tác như vẽ trên lụa, bằng những lời thơ uyên bác, điển tích phong phú, niêm luật và hình ảnh chặt chẽ, đầy đủ. Nhưng ở đây, tuyết hoa, trăng gió, mây sương, núi sông không phải là nhìn qua con mắt của một nhà nghệ thuật vị nghệ thuật. Cảnh vật được nhìn qua các chấn song sắt của nhà tù, cho nên nó luôn luôn bao hàm cái gì khó tả, nhắc nhở đến tình trạng đặc biệt của nhà thơ. Trong những bài thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh, cảnh màn đêm buông xuống, cảnh bình minh bừng sáng, nhưng đây không phải là một bức tranh công thức mà nói lên những vấn đề thiết thân trong thời đại chúng ta…” [132, 709].
Trong Nhật ký trong tù, hình thức thơ thì cổ điển nhưng câu thơ của Bác không bao giờ chịu bó mình trong khuôn khổ đã được lựa chọn. Chỗ này Bác dùng danh từ mới, một tiếng lóng, ở nhà tù mà một nhà thơ thuần túy “nệ cổ” sẽ gạt đi. Nơi khác, một tiếng thét “bất bình” phá vỡ khuôn khổ cổ điển của bài thơ tứ tuyệt, gần như ta đem một câu thơ vài chữ gắn thêm vào với một bài sonnet đầy uất hận.
Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch vừa mang màu sắc cổ điển lại vừa chứa đựng tính hiện đại. Mới nghe, chúng ta khó tin đó là thật? Bởi vì đã mang màu sắc cổ điển thì làm sao lại có tính hiện đại? Tính hiện đại và màu sắc cổ điển chẳng đối lập với nhau đó sao? Nhưng khi đọc và suy ngẫm cho kỹ tập thơ thì điều đó lại là sự thật! Đây cũng chính là tính hai mặt của một vấn đề trong thơ Bác: giản dị mà uyên bác, xuồng xã mà sâu xa, đời thường mà rất thơ…Cổ điển ở đây là tiếp thu những nét tinh anh của thơ xưa (thơ Tống, thơ Đường của Trung Quốc; thơ truyền thống của Việt Nam) với những hình ảnh: mây, trời, sông,nước, núi, trăng, hoa, tuyết, …Chính màu sắc cổ điển làm cho thơ của Bác có một số bài đưa vào những thơ Tống, thơ Đường nổi tiếng khó có thể phân biệt được. Còn tính hiện đại là Bác đã đưa vào thơ những hình ảnh rất đời thường “không thơ” chút nào với những lời lẽ sinh hoạt hằng ngày. Vì thế trong thơ Bác có cả dưa, cà, mắm, muối, mất gậy, rụng răng, ghẻ lở, ngứa dệp, ngồi trên hố xí, buồn ỉa…Tính hiện đại trong thơ Bác chính là tính dân tộc và cách mạng. Chính tính hiện đại đã phá cách và cách tân thơ tứ tuyệt cổ tạo nên một sự mới mẻ về nội dung và gây được ấn tượng độc đáo trong lòng bạn đọc.
Tính hiện đại trong Nhật ký trong tù là tính dân tộc và cách mạng. Điều này làm cho thơ Bác vượt thơ Đường. Nội dung mới này gây sự phá vỡ, đổi mới theo nhiều mức độ trong hình thức thức thơ Đường. Trước hết là về tứ thơ - gắn liền với tư tưởng nhưng thường được gói ghém trong một vài hình tượng tương đối rõ nét. Đúng như Lê Duẩn nhận xét: “Hồ Chủ tịch có những câu mà trong đó cách vận dụng tư tưởng rất khéo. Ví dụ như Hồ Chủ tịch có nói phải trung với nước, phải hiếu với dân. Nói như thế là rất nghệ thuật. Như
thế là không đoạn tuyệt cái cũ mà đưa nội dung mới vào cái cũ, cách chuyển cũ qua mới này rất tinh vi ” [15, 190].
Cái nghệ thuật chuyển dùng “rất tinh vi” (Lê Duẩn) này cũng rất đúng với việc đổi mới những tứ thơ Đường trong thơ Bác. Tài năng nghệ sĩ của Bác là ở chỗ vẫn sử dụng một chút trong thơ Đường, nhưng thay đổi lại, hoặc đưa thêm vào một ít chất liệu mới làm cho nó biểu hiện một nội dung hoàn toàn mới. Chính vì Bác có ý thức cách tân nên thơ Bác chỉ có hình thức của thơ Đường còn nội dung thể hiện trong thơ thì lại khác, lại mới. Điều đó lý giải vì sao thơ Đường không dùng biện pháp lý luận, trái lại trong tập thơ Nhật ký trong tù của Bác lại dùng toàn hệ thống từ ngữ của tư duy lô gích. Trong thơ Đường tìm đến sự thống nhất của thiên nhiên, của vạn vật và cuộc sống của con người trong vũ trụ. Nên các nhà thơ Đường tìm sự thống nhất ở ngoài sự suy luận. Trái lại tư tưởng cộng sản là kết quả của hoạt động có ý thức của giai cấp vô sản chứ không phải là một tư tưởng tiên nghiệm. Do đó thơ tù của Bác phải là thơ chứng minh, thuyết phục chứ không phải là thơ của cảm xúc nội tâm đơn thuần. Thơ Bác là thơ của lý trí, của lý tưởng cách mạng kết hợp hài hòa với tình cảm, cảm xúc chân thành của mình để vượt ngục và chiến thắng. Thơ Bác còn là sự kế thừa và phát huy truyền thống thơ ca dân tộc, cụ thể là thơ cách mạng dân tộc mà không có trong thơ Đường nhưng lại rất tiêu biểu cho hồn thơ dân tộc, kể cả loại thơ có hình thức Đường thi, đó là chất trí tuệ hóm hỉnh, châm biếm của Bác. Đúng như Nhữ Thành nhận xét tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh: “Thơ Bác là thơ của trí tuệ chiến thắng cách mạng. Cho nên thơ Đường chỉ thể hiện một mặt của thơ Bác” [132, 590].
Chương 2