Để có cơ sở pháp lí cho việc quản lí sử dụng đất đai, trên cơ sở định hướng của quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, cần tiến hành thực hiện ngay quy hoạch sử dụng đất đai cấp Thành phố và quy hoạch sử dụng đất đai cấp phường xã (kể cả các phường xã mới) giai đoạn 2006-2015, đặc biệt làm nhanh quy hoạch chi tiết các khu đất đô thị, đất khu cụm công nghiệp, đất khu trung tâm thương mại dịch vụ.
Đối với cấp phường, cần phối hợp với ngành xây dựng, tiến hành quy hoạch sử dụng đất đai các phường trước năm 2010.
Đối với cấp xã, tối thiểu cũng cần phải phối hợp với ngành xây dựng quy hoạch khu trung tâm các xã và các tụ điểm dân cư quan trọng trước năm 2010, nhất là các xã sẽ chia tách một phần để chuyển thành đơn vị phường mới. Đặc biệt quan tâm dành quỹ đất cho xây dựng các công trình đạt chuẩn quốc gia (trường học, trạm y tế ...). Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, công bố ranh giới đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, công bố các chỉ giới đỏ.
Cải thiện hệ thống quản lí sử dụng đất đai từ cấp xã phường, cập nhật hiện trạng sử dụng đất hàng năm để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp sau mỗi kỳ 5 năm.
Xây dựng khung giá đất hằng năm với nguyên tắc "không hồi tố", từ đó giao đất, cho thuê, đấu giá quyền sử dụng đất.
Kiến nghị Tỉnh có chính sách vốn hóa quỹ đất công và có các chính sách linh hoạt để người dân đưa đất đai vào hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh bằng cách hùn vốn, chuyển thành cổ phiếu …. Xem đất đai là nguồn vốn quan trọng của
Thành phốtrong mọi thương lượng đổi đất lấy công trình, cũng như vận động nhân
dân đầu tư bằng đất đai của họ vào phát triển các công trình đô thị.
Quy hoạch sử dụng đất thể hiện tổng hợp các nhu cầu sử dung đất của các ngành, do vậy trong quá trình quy hoạch cụ thể của từng ngành nếu có sự biến động lớn, cần có sự xem xét điều chỉnh chung và phải có sự phối hợp để xử lí, đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển chung của xã hội, của từng ngành.
- Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, phát triển quỹ đất.
- Phân cấp cụ thể trách nhiệm về quản lí quy hoạch, theo đơn vị hành chính (xã, phường) và theo từng ngành, từng mục đích sử dụng, theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP (29/10/2004) của Chính phủ.
- Tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất, phát hiện các vi phạm để xử lí kịp thời.
- Quản lí chặt chẽ việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản và việc giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục đích khai thác.
3.3.1.6 Giải quyết đồng bộ vấn đề giao thông đô thị
Để giải quyết vấn đề giao thông trước hết cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông. Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch này phải được ưu tiên thực hiện hàng đầu trong các dự án của thành phố. Cụ thể như: Hệ thống đường nội đô và điểm đỗ xe, vấn đề vận tải công cộng ở các đô thị: hệ thống xe buýt, xe điện,...
Kết hợp quy hoạch giao thông và quy hoạch các ngành điện lực, bưu chính viễn thông để tính đến khả năng đào đường lắp đặt các thiết bị...
Nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống đường nội đô và hệ thống bãi đỗ xe trong thành phố và tại các công sở, siêu thị, trung tâm thương mại.
Tổ chức tốt công tác phân luồng, phân tuyến, khai thác có hiệu quả cao nhất những cơ sở hạ tầng hiện có, nhanh chóng tiếp cận tin học hiện đại trong quản lí giao thông...
Sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông, xử phạt nghiêm minh, đúng người - đúng tội.
Kiên quyết xóa bỏ các hình thức buôn bán vỉa hè, các loại xe thồ cồng kềnh gây ách tắc giao thông.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến luật giao thông đường bộ trong nhân dân.
Kết hợp với nhân dân bằng hình thức “ Nhà nước với nhân dân cùng làm” cải thiện các tuyến đường nội thị và đường nông thôn trên địa bàn thành phố (trong đó đề nghị tỉnh hỗ trợ phần vốn đối ứng hợp lí cho các hạng mục xây dựng và cải tạo hệ thống đường nông thôn), cho phép các doanh nghiệp ứng vốn thi công xây dựng công trình, đổi đất lấy công trình, đầu tư theo hình thức BOT, BO (đối với các hạng mục đường đô thị, đường trong cụm công nghiệp, một số tuyến đường trục có tiềm năng phát huy hiệu quả kinh tế).
Kiến nghị Trung Ương và tỉnh sớm đầu tư dứt điểm các tuyến giao thông thủy bộ do trung ương và tỉnh quản lí trên địa bàn thành phố (QL1A, QL 60, QL50, các tuyến đường tỉnh) nhằm tạo các tuyến trục cơ sở để phát triển các tuyến giao thông do thành phố quản lí, các tuyến đường đô thị, đường nông thôn, thành mạng giao thông liền vùng theo như quy hoạch, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường đối ngoại, đường trục đô thị.
Tăng cường đô thị hóa ngoại vi, di chuyển một số cơ quan ra ngoại vi thành phố đặc biệt là các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Sớm hình thành làng các trường đại học ở ngoại vi thành phố.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lí việc lấn chiếm lòng, lề đường, lấn chiếm đất công, xây dựng nhà không phép trong nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường bị hư hỏng, hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông…
- Kết hợp đồng bộ giữa ngành giao thông và ngành thủy lợi đối với các công trình trọng điểm (như công trình nạo vét và hệ thống đê bao các sông rạch...) nhằm phát huy hiệu quả đầu tư cho hệ thống giao thông thủy bộ.