Những nhân tố tố ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Một phần của tài liệu ảnh hưởng đô thị hóa đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố mỹ tho (tỉnh tiền giang) (Trang 28 - 35)

Nhóm nhân tố tác động từ bên trong

Nhân tố thị trường và nhu cầu tiêu dùng của xã hội: Thị truờng và nhu cầu

xã hội là người đặt hàng cho tất cả các ngành, lĩnh vực, bộ phận trong toàn bộ nền kinh tế. Nếu như xã hội không có nhu cầu thì tất nhiên sẽ không có bất kỳ một quá trình sản xuất nào. Ngược lại, không có thị trường thì không có kinh tế hàng hoá.

Thị trường và nhu cầu xã hội còn quy định chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Nó tác động trực tiếp đến quy mô, trình độ phát triển của các cơ sở kinh tế, đến xu hướng phát triển và phân công lao động xã hội. Đồng thời nó cũng tác động đến vị trí, tỉ trọng các ngành, lĩnh vực trong cơ cấu của nền kinh tế quốc dân.

Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất: Lực lượng sản xuất bao gồm tư liệu lao động và con người có khả năng sử dụng tư liệu lao động để tác động vào đối tượng lao động, tạo ra sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Sự phát triển của lực lượng sản xuất sẽ làm thay đổi quy mô sản xuất, thay đổi công nghê, thiết bị, hình thành các ngành nghề mới. Sự phát triển đó phá vỡ cân đối cũ, hình thành một cơ cấu kinh tế với một vị trí, tỉ trọng các ngành và lĩnh vực phù hợp hơn, thích ứng được yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, đáp ứng nhu cầu xã hội. Quá trình đó diễn ra một cách khách quan và từng bước tạo ra sự cân đối hợp lí hơn, có khả năng khai thác nguồn lực trong nước và nước ngoài.

Sự phát triển của lực lượng sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành cơ cấu kinh tế. Lực lượng sản xuất phát triển không ngừng, nên cơ cấu kinh tế luôn luôn thay đổi.

Quan điểm chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước: Mọi hoạt

động của nền kinh tế đều có sự điều tiết của nhà nước, song không phải nhà nước can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế. Nhà nước điều hành thông qua hệ thống pháp luật và các chính sách kinh tế.

Định hướng phát triển của nhà nước không chỉ nhằm khuyến khích mọi lực lượng sản xuất xã hội đạt mục tiêu đề ra, mà còn đưa ra các dự án để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, nếu không đạt được thì nhà nước phải trực tiếp tổ chức sản xuất, đảm bảo sự cân đối giữa các sản phẩm, các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

Mục tiêu chiến lược phát triển KT-XH là định hướng chung cho mọi thành phần, mọi nhà doanh nghiệp trong cả nước, phấn đấu thực hiện dưới sự điều tiết của nhà nước thông qua hệ thống luật pháp và các quy định, thể chế chính sách của nhà nước. Sự điều tiết của nhà nước gián tiếp dẫn dắt các ngành, lĩnh vực và thành phần kinh tế phát triển, đảm bảo tính cân đối, đồng bộ giữa các bộ phận hợp thành nền kinh tế.

Sự tác động của cơ chế quản lí sẽ thực hiện được cơ cấu sản xuất, cơ cấu dân cư, tạo ra sự cân đối lực lượng lao động và thu nhập giữa các vùng và giảm bớt khoảng cách thành thị và nông thôn.

Nhóm nhân tố tác động từ bên ngoài

Xu thế chính trị, xã hội trong khu vực và thế giới ảnh hưởng đến sự hình

thành và CDCCKT: Sự biến động về chính trị, xã hội của một nước hay khu vực

hoặc thế giới sẽ tác động mạnh đến các hoạt động ngoại thương, đến dòng vốn đầu tư và hình thành chuyển giao công nghệ… Do đó, thị trường và nguồn lực nước ngoài cũng thay đổi, ảnh hưởng đến sản xuất phát triển và CDCCKT của các nước.

Xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại: Xu hướng tư do hóa

thương mại và toàn cầu hóa nền kinh tế đã trở thành yếu tố mang tính khách quan, ngày càng lôi cuốn thêm nhiều nước và mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực, làm tăng sức ép cạnh tranh và tác động qua lại giữa các nền kinh tế. Các quốc gia không thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa mà cần phải chủ động tham gia vào quá trình này, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của mình. Thực chất đây là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh rất phức tạp. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, để chuyển dịch cơ cấu các sản phẩm công nghiệp để phục vụ xuất khẩu, cần khai thác những cơ hội hợp tác với nước ngoài và các công ty đa quốc gia để hợp tác sản xuất các sản phẩm công nghiệp.

Như vậy, đây là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến việc CDCCKT. Nếu không nắm bắt kịp thời xu thế mang tính tất yếu này để phát huy những nội lực sẵn có và tận hưởng những lợi ích từ thị trường thế giới về vốn, kĩ thuật, thị trường tiêu thụ và kinh nghiệm quản lí thì cơ cấu xuất khẩu sẽ bị lạc hậu, hiệu quả kinh doanh xuất khẩu sẽ bị giảm sút.

Cách mạng khoa học công nghệ: Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ và

kĩ thuật cùng với cơ hội phổ biến và chuyển giao nhanh chóng của chúng làm cho cơ cấu kinh tế mang tính linh hoạt cao. Mô hình tổ chức sản xuất khép kín trong từng doanh nghiệp, quản lí chỉ huy theo từng ngành hẹp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sản phẩm chậm được đổi mới, thiếu sức hấp dẫn thị trường. Điều này đòi hỏi cơ cấu kinh tế phải được tổ chức theo mạng (tăng cường sự liên kết ngang), tạo điều kiện tốt nhất cho việc áp dụng các công nghệ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh. Khoa học công nghệ sẽ tạo ra năng suất cao đặc biệt cho một

số ngành, một số lĩnh vực từ đó ảnh hưởng đến CDCCKT. Tạo ra một số ngành nghề mới, hiệu quả kinh tế cao là nhiệm vụ của khoa học và công nghệ trong mọi thời đại.

1.2.2.3 Những chỉ tiêu phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cơ cấu GDP

Nghiên cứu quá trình CDCCKT, cơ cấu GDP giữa các ngành kinh tế là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh xu hướng vận động và mức độ thành công của công nghiệp hóa. Tỉ lệ % GDP của các ngành cấp I (khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ) là một trong những tiêu chí đầu tiên thường được dùng để đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế. Trong quá trình công nghiệp hóa, mối tương quan này có xu hướng chung là khu vực nông nghiệp có tỉ lệ ngày càng giảm, còn khu vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên. Trong điều kiện của khoa học công nghệ hiện đại, khu vực dịch vụ trở thành khu vực chiếm tỉ trọng cao nhất, sau đó là công nghiệp và cuối cùng là nông nghiệp.

Bảng 1.2: Cơ cấu GDP theo ngành kinh tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1995–2010

(Đơn vị: %)

Năm 1990 1995 2000 2005 2010

Nông – lâm – ngư nghiệp 69,6 60,9 52,2 42,1 36,1

Công nghiệp và xây dựng 14,8 20,3 26,3 36,7 45,8

Dịch vụ 15,6 18,8 21,5 21,2 18,1 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Nguồn: Niên giám thống kê 2010 – Cục thống kê Tiền Giang)

Tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 1990 – 2010, tỉ trọng nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp trong cơ cấu GDP có xu hướng giảm liên tục từ 69,6% (1990) xuống còn 36,1% (2010) trong khi tỉ trọng ngành công nghiệp xây dựng có xu hướng tăng liên tục từ 14,8% (1990) lên 45,8% (2010). Dịch vụ giai đoạn này có tăng nhưng chậm và không liên tục từ 15,6% (1990) lên 18,1% (2010) phản ánh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa chưa cao.

Để nghiên cứu rõ hơn chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc phân tích cơ cấu các phân ngành (cấp II, III…)

có một ý nghĩa rất quan trọng. Thông thường, cơ cấu ngành phản ánh sát hơn khía cạnh chất lượng và mức độ hiện đại hóa của nền kinh tế. Ví dụ trong khu vực công nghiệp, những ngành công nghiệp chế biến đòi hỏi tay nghề kĩ thuật cao, vốn lớn hay công nghệ hiện đại như cơ khí chế tạo, điện tử công nghiệp, dược phẩm, hóa mỹ phẩm… chiếm tỉ trọng cao sẽ chứng tỏ nền kinh tế đạt mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao hơn so với những lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, sơ chế nông sản, công nghiệp lắp ráp… Trong khu vực dịch vụ, những lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, gắn với công nghệ hiện đại như bảo hiểm, ngân hàng, tư vấn, viễn thông, hàng không … chiếm tỉ lệ cao sẽ rất khác với những lĩnh vực dịch vụ phục vụ sinh hoạt dân sự với công nghệ thủ công hoặc trình độ thấp, quy mô nhỏ lẻ.

Mặc dù có những khiếm khuyết nhất định nhưng khoa học kinh tế hiện đại đã sử dụng chỉ tiêu GDP như một trong những thước đo khái quát nhất, phổ biến nhất để đo lường, đánh giá về tốc độ tăng trưởng, trạng thái và xu hướng chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế.

Cơ cấu lao động

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sự CDCCKT còn được đánh giá bằng chỉ tiêu cơ cấu lao động đang làm việc trong nền kinh tế được phân bố như thế nào vào các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Các nhà kinh tế học đánh giá rất cao chỉ tiêu cơ cấu lao động làm việc trong nền kinh tế, vì ở góc độ vĩ mô cơ cấu lao động xã hội mới là chỉ tiêu phản ánh thực nhất mức độ thành công về mặt KT-XH của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vì công nghiệp hóa hiểu theo nghĩa đầy đủ không chỉ đơn thuần là sự gia tăng tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, mà là cùng với mức đóng góp vào GDP ngày càng tăng của lĩnh vực công nghiệp (và hiện nay là công nghiệp và dịch vụ dựa trên công nghệ kĩ thuật hiện đại), phải là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đời sống xã hội con người, trong đó cơ sở quan trọng nhất là số lượng lao động đang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế.

So với cơ cấu GDP, cơ cấu lao động phân theo ngành sở dĩ được nhà kinh tế học đánh giá cao và coi trọng là do chỉ tiêu này không chỉ phản ánh xác thực hơn mức độ chuyển biến sang xã hội công nghiệp của một đất nước, mà nó còn ít bị ảnh hưởng bởi nhân tố ngoại lai hơn. Ở một số nền kinh tế, trong khi tỉ trọng lao động phi nông nghiệp (nhất là khu vực sản xuất công nghiệp) còn chiếm tỉ trọng nhỏ, nhưng trong cơ cấu GDP lại chiếm tỉ trọng lớn hơn nhiều. Lí giải cho hiện tượng này, các nhà kinh tế học đã chỉ ra tình trạng “méo mó” về giá cả, nhất là trong những trường hợp có sự chênh lệch giá lớn giữa sản phẩm công nghiệp và dịch vụ so với sản phẩm nông nghiệp. Vì thế, cơ cấu GDP giữa các ngành kinh tế đôi khi không phản ánh đúng thực trạng chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu lao động nhiều khi còn được một số kinh tế gia xem như một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá mức độ thành công của quá trình công nghiệp hóa trong nghiên cứu so sánh giữa các nền kinh tế.

Cơ cấu hàng xuất khẩu

Trong điều kiện của một nền kinh tế đang công nghiệp hóa, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng được xem như một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mức độ thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quy luật phổ biến của quá trình công nghiệp hóa (đối với phần lớn các nước đang phát triển hiện nay) là xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp nên sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP và số lượng lao động làm nông nghiệp chiếm phần lớn nhất trong tổng lực lượng lao động xã hội. Do đó, trong tổng giá trị xuất khẩu ít ỏi mà những nước này có được, một phần rất lớn là sản phẩm nông nghiệp hoặc sản phẩm công nghiệp khai thác ở dạng nguyên liệu thô (chưa qua chế biến hoặc sơ chế). Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu phục vụ quá trình phát triển công nghiệp lại rất lớn nên tình trạng khan hiếm và thiếu hụt ngoại tệ luôn là một điểm yếu mang tính kinh niên.

Hầu hết các nước trải qua quá trình công nghiệp hóa để trở thành một nước công nghiệp phát triển hầu hết đều trải qua mô hình chung trong cơ cấu sản xuất và

cơ cấu hàng xuất khẩu là: từ chỗ chủ yếu sản xuất và xuất khẩu hàng sơ chế sang các mặt hàng công nghiệp chế biến, lúc đầu là các loại sản phẩm của công nghiệp chế biến sử dụng nhiều lao động, kĩ thuật thấp như lắp ráp, sản phẩm dệt may, chế biến nông lâm thủy sản… chuyển dần sang các loại sản phẩm sử dụng nhiều công nghệ kĩ thuật cao như sản phẩm cơ khí chế tạo, hóa chất, điện tử…

Sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, từ mặt hàng sơ chế sang những sản phẩm chế biến dựa trên cơ sở công nghệ - kĩ thuật cao luôn được xem như một thước đo rất quan trọng đánh giá mức độ thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hơn nữa, đối với nhiều nước chậm phát triển, do những chỉ số tiêu chuẩn kĩ thuật quốc gia nhiều khi thấp hơn tiêu chuẩn kĩ thuật quốc tế nên cơ cấu sản phẩm xuất khẩu (được thị trường quốc tế chấp thuận) sẽ là một tiêu chí tốt để bổ sung đánh giá kết quả của quá trình CDCCKT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bảng 1.3: Giá trị và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Tỉnh Tiền Giang 2000- 2010

Nhóm hàng Giá trị (Ngàn USD) Tỉ trọng (%)

2000 2010 2000 2010

Hàng CN nhẹ và tiểu thủ công nghiệp 24.109 171.131 26.05 33.63

Hàng nông sản 51.531 89.330 55.69 17.56

Hàng thủy sản 16.899 245.705 18.26 48.29

Hàng hóa khác - 2.657 - 0.52

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 92.539 508.823 100.00 100.00

(Nguồn: Niên giám thống kê 2010 – Cục thống kê Tiền Giang)

Như vậy, riêng đối với tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2000-2010, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng lên đáng kể và có sự chuyển dịch khá rõ nét trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu. Hàng thủy sản tăng nhanh, mạnh và hiện đang chiếm ưu thế trong cơ cấu xuất khẩu với 48,29% năm 2010 gấp 2,6 lần so với năm 2000. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp cũng tăng trên 7 lần về giá trị và tỉ trọng tăng 7.58%. Hàng nông sản và hàng hóa khác tuy giảm về tỉ trọng nhưng về giá trị xuất khẩu vẫn tăng 37.799 ngàn USD trong giai đoạn 2000-2010.

Đồng thời với cơ cấu giá trị của các sản phẩm xuất khẩu, cơ cấu nguồn lao động trực tiếp và gián tiếp tham gia vào chế tạo sản phẩm xuất khẩu cũng có ý nghĩa trong phân tích, đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu nguồn lao động xã hội. Tóm lại, khi phân tích và đánh giá quá trình CDCCKT, các nhà kinh tế học thường sử dụng các chỉ tiêu chủ yếu gồm cơ cấu GDP, cơ cấu lao động và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu để xem xét. Ngoài ra còn có nhiều tiêu chí khác có ý nghĩa bổ trợ quan trọng khác như quan hệ giữa các khu vực sản xuất vật chất và khu vực phi sản xuất vật chất; giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; những chỉ tiêu về quá trình chuyển giao công nghệ, cơ cấu hàng nhập khẩu, sự nâng cấp chất lượng nguồn lao động… Mỗi tiêu chí nêu trên đều hàm chứa một ý nghĩa kinh tế nhất định trong phân tích quá trình CDCCKT thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng đô thị hóa đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố mỹ tho (tỉnh tiền giang) (Trang 28 - 35)