Vấn đề chân lý

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG ÔN THI TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC MÔN CƠ BẢN TRIẾT HỌC (Trang 39)

Chân lý là tri thức về thế giới khách quan có nội dung phù hợp với bản thân hiện thực khách quan mà nó phản ánh và đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Chân lý là sản phẩm của quá trình nhận thức, nó cũng có quá trình hình thành, phát triển phụ thuộc vào sự phát triển của sự vật khách quan, vào điều kiện lịch sử - cụ thể của nhận thức, vào hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người. Chân lý có các tính chất sau:

- Tính khách quan: Chân lý tuy là nhận thức của con người nhưng nội dung của nó không phụ thuộc vào con người và loài người. Nhấn mạnh tính khách quan của chân lý tức thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới, chân lý là sự phản ánh thế giới khách quan ấy vào bộ óc của con người. Chân lý chỉ có ở con người nhưng nội dung của nó lệ thuộc vào sự vật khách quan được chân lý phản ánh.

- Tính cụ thể: Không có chân lý từu tượng, chân lý bao giờ cũng gắn với một lĩnh vực cụ thể của hiện thực và được phát triển trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đó. Chỉ có những chân lý đúng với từng sự vật cụ thể xác định, trong những mối quan hệ xác định, không có chân lý đúng với mọi sự vật hiện tượng trong mọi mối liên hệ. Tức chân lý luôn luôn là cụ thể.

- Tính tuyệt đối và tương đối: Chân lý tương đối là tri thức phản ánh đúng hiện thực khách quan nhưng chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện mà còn cần phải được bổ sung, điều chỉnh trong quá trình phát triển tiếp theo của nhận thức. Chân lý tuyệt đối là tri thức có nội dung phù hợp và đầy đủ hoàn toàn với hiện thực khách quan do nó phản ánh.

Lênin viết: “Chân lý tuyệt đối được cấu thành từ tổng số những chân lý tương đối đang phát triển; Chân lý tương đối là những phản ánh tương đối đúng của một khách thể tồn tại độc lập đối với nhân loại; những phản ánh ấy ngày càng trở nên chính xác hơn; Mỗi chân lý khoa học, dù là có tính tương đối, vẫn

chứa đựng một yếu tố của chân lý tuyệt đối”24. Quan niệm đúng đắn về sự thống

nhất biện chứng giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối có ý nghĩa quan trọng trong việc phê phán và khắc phục những cực đoan sai lầm trong nhận thức và trong hành động. Nếu tuyệt đối hóa chân lý tuyệt đối sẽ rơi vào siêu hình, giáo điều, bảo thủ trì trệ. Nếu tuyệt đối hóa chân lý tương đối sẽ rơi vào chủ nghĩa tương đối, chủ quan, xét lại, ngụy biện, hoài nghi hoặc không thể biết.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG ÔN THI TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC MÔN CƠ BẢN TRIẾT HỌC (Trang 39)