- Tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.
2.2.1. Đội ngũ cán bộ tư pháp chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ
Mặc dù được quan tâm xây dựng, kiện toàn và đã đạt được nhiều kết quả trong công tác, nhưng nhìn chung cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Sự bất cập đầu tiên của đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng. Trong điều kiện kinh tế thị trường, tội phạm, tranh chấp trong xã hội không ngừng gia tăng và phức tạp hơn. Do vậy công việc của các cơ quan tư pháp ngày càng khó khăn và nặng nề hơn. Số vụ việc mà đội ngũ cán bộ tư pháp giải quyết ngày càng không ngừng tăng, trong lúc đó số lượng cán bộ lại còn rất mỏng, chính điều này đã tạo ra tình trạng quá tải trong quá trình tố tụng.
Mặc dù thiếu cán bộ tư pháp nhưng ở một số nơi việc tuyển dụng cán bộ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án, cơ quan thi hành án cũng gặp khó khăn về nguồn. Một số cơ quan tư pháp chưa đủ cán bộ theo biên chế, nhưng cũng không dễ tiếp nhận một sinh viên tốt nghiệp đại học luật chính quy vào làm việc. Nhưng quy định về thâm niên công tác hoặc yêu cầu về đào tạo nghề nghiệp làm cho nhiều cơ quan chưa có cán bộ đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh tư pháp.
Bên cạnh đó, điểm hạn chế lớn nhất của đội ngũ cán bộ tư pháp hiện nay là trình độ, năng lực còn yếu. Thực tiễn hoạt động xét xử cho thấy năng lực, trình độ chuyên môn của nhiều Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư còn yếu. Các lập luận để luận tội, thẩm vấn và bào chữa vẫn còn thiếu căn cứ pháp luật, việc xét hỏi tại phiên tòa vẫn còn mang tính áp đặt. Những người tiến hành tố tụng vẫn còn có các sai sót trong việc thu thập tài liệu
chứng cứ, hay biên bản lập không đúng trình tự, thủ tục, thiếu chữ ký của người làm chứng, người bị hại… Sự không thường xuyên cập nhật đầy đủ, có hệ thống những thông tin, kiến thức về kinh tế, xã hội cũng dẫn đến sự lúng túng, khó khăn của cán bộ tư pháp trong việc điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều vụ án xử lý kéo dài, xét xử nhiều lần với những quyết định trái ngược nhau xuất phát từ việc nhận thức của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chưa thống nhất, vừa do thiếu hiểu biết của cán bộ tư pháp về những lĩnh vực có liên quan.
Do không nghiên cứu sâu, kỹ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án nên nhiều cán bộ tư pháp đã không đánh giá được một cách toàn diện bản chất của vụ án, đã đưa ra những quan điểm phiến diện, chủ quan, không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, những người tham gia tố tụng đã viện vào những lý lẽ rất xa rời pháp luật hoặc hoàn toàn chỉ dựa vào các lập luận về đạo đức, thói quen, đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, cơ chế để cố đưa một bị cáo có chứng cứ pháp lý đầy đủ được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh hợp pháp là có tội trở thành vô tội. Do trình độ hạn chế nên vẫn còn tình trạng luận tội, bào chữa, thẩm vấn dài dòng, tản mạn, hời hợt, ý kiến trình bày không rõ, bỏ sót hoặc không làm nổi bật được những tình tiết, chứng cứ quan trọng có lợi cho bị can, bị cáo.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ tư pháp vẫn còn thiếu tinh thần trách niệm trong công việc, thậm chí có trường hợp còn vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, điều này đã vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, làm mất uy tín của cơ quan tư pháp. Trong quá trình tố tụng nhiều cán bộ tư pháp không tận tâm, tận lực với việc nghiên cứu về các tình tiết liên quan trong vụ án nên không thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định, không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tham gia phiên tòa nhưng không tập trung tư tưởng dẫn tới tình trạng lặp đi, lặp lại vấn đề đã được làm rõ.
Thời gian qua đã xuất hiện một số trường hợp Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư vì chạy theo lợi ích vật chất mà quên mất vai trò, sứ mệnh cao quý của nghề nghiệp. Một số khác không phân biệt được những hành vi nào được làm hoặc không được làm dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, hoặc lúng túng không biết phải ứng xử như thế nào trong những tình huống cụ thể. Hiện tượng “chạy án”, “thỏa thuận ngầm” hay “môi giới” vẫn còn tồn tại và ngày càng đi vào tinh vi, có tổ chức rất khó bị phát hiện. Điều đó đã có tác động xấu tới quá trình xét xử của vụ án, làm cho vụ án được giải quyết không khách quan, người có tội có thể không bị xử lý hoặc loại khỏi vòng tố tụng, còn người không có tội lại có thể bị đưa vào vòng tố tụng và bị tuyên là có tội.
Những hạn chế, bất cập, yếu kém về tổ chức và cán bộ của các cơ quan tư pháp nêu trên là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp hiện nay. Có thể nói công tác cán bộ là khâu yếu nhất, là nguyên nhân căn bản cần giải quyết trong quá trình CCTP hiện nay.