Bút kí là một thể của kí, nằm trung gian giữa kí sự và tùy bút. Bút kí thiên về ghi lại một cảnh vật mà nhà văn mắt thấy tai nghe, thường trong các chuyến đi. Bút kí tái hiện con người và sự việc một cách phong phú, sinh động, nhưng qua đó biểu hiện khá trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả, có màu sắc trữ tình. Kết hợp
linh hoạt các phương thức nghị luận, tự sự, trữ tình nhưng tùy theo độ đậm nhạt khác nhau của các phương thức mà ta có bút kí chính luận, bút kí tùy bút v.v…
Bút kí là một bộ phận của kí văn học – một thể kí có độ nhòe khá cao về ranh giới thể loại. Hoàng Phủ Ngọc Tường, bằng những trải nghiệm nghề nghiệp của riêng mình, đã nhấn mạnh: “Cùng với cảm xúc văn học, bút kí còn chứa đựng tất cả sức nặng vật chất của các sự kiện được giữ lại từ trong cõi thực vốn là bản gốc của tác phẩm. Sức nặng ấy được chuyển đi, không giống như một cảm giác mĩ học; mà như một quả táo Newton rơi xuống tâm hồn người đọc”. Rõ ràng, sức hấp dẫn và thuyết phục của bút kí tuỳ thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khả năng biểu đạt của tác giả đối với các sự kiện được đề cập nhằm phát hiện những khía cạnh nổi bật, những ý tưởng mới mẻ và sâu sắc trong các mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, cá nhân và môi trường.
Đặc trưng của bút kí là người viết dùng bút ghi lại những người, những việc, những cảm nhận, những suy nghĩ… mà anh ta đã gặp, đã thấy, đã nghe, đã trải qua… với tư cách là một nhân chứng, sau một chuyến thâm nhập thực tế cuộc sống. Nói cách khác, một bút ký phải có các đặc trưng: người viết phải dựa vào một chuyến đi (tay cầm bút ghi lại, nên mới gọi bút ký, theo nguyên lý “duy danh định nghĩa”), phải trực tiếp nhìn, nghe, cảm, nghĩ, phải làm nhân chứng bảo đảm những sự việc và hiện tượng.
Trong những cuốn du kí mà người viết tìm hiểu thì sự tương tác lẫn nhau giữa du kí và bút kí thể hiện rất đậm nét. Tác giả tái hiện lại cuộc sống con người, cảnh vật một cách phong phú nhưng đằng sau đó chính là tình cảm của tác giả. Đó có thể là tình yêu thiên nhiên, yêu các công trình kiến trúc, yêu mến những con người nơi nước bạn. Chính điều đó đã níu chân và gợi những vấn vương trong lòng họ. Tất cả những điều này đã được chúng tôi phân tích làm rõ trong chương 2 nên người viết chỉ sơ lược một vài nét như trên.