sản hàng hóa
Để phát triển nông sản hàng hóa nhất thiết phải nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp gắn với chuyên môn hóa sản xuất. V.I.Lênin cho rằng: “Sự phát triển của nông nghiệp thương phẩm biểu hiện ra trong việc chuyên môn hóa nông nghiệp” [15, tr.309]. Việc chuyên môn hóa nông nghiệp gắn với những khu
vực cụ thể, ở đó đất nông nghiệp có chất lượng phù hợp để chuyên canh những loại cây trồng vật nuôi nhất định, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhằm khai thác tối đa các lợi thế so sánh của đất đai từng vùng. Theo ông: “Chuyên môn hóa của nông nghiệp dẫn tới trao đổi giữa các vùng nông nghiệp, giữa các doanh nghiệp nông nghiệp, giữa các nông sản khác nhau” [15, tr.385].
Tuy nhiên để chuyên môn hóa nông nghiệp đòi hỏi đất nông nghiệp phải có tính đa dạng để hình thành các vùng chuyên canh. Tính đa dạng của đất nông nghiệp là yếu tố quyết định đến việc sản xuất hàng hóa. Bởi vì tính đa dạng của đất đai quy định sự đa dạng của nông sản hàng hóa, nó có sự gắn bó mật thiết với sự phân công lao động trong nông nghiệp. Phân công lao động đã thúc đẩy người lao động hạn chế thời gian lao động tất yếu xuống mức thấp nhất, tăng độ dài và hiệu suất lao động thặng dư lên mức cao nhất để thu được hiệu quả sản xuất một cách tối ưu. Độ phì của đất đai, sự hào phóng của thiên nhiên mặc dù đem lại khả năng có nhiều thời gian lao động thặng dư nhưng phân công lao động mới là nhân tố biến cái khả năng có lao động thặng dư đó thành sản phẩm thặng dư hiện thực. Thực tiễn lịch sử phát triển kinh tế xã hội của nước ta cũng như một số nước Đông Nam Á khác cho thấy rằng sự thuận lợi về độ phì của đất đai để phát triển lúa nước đã lôi cuốn phần lớn người lao động nông nghiệp vào nghề trồng lúa làm cho lao động, sản phẩm cũng như nhu cầu của họ căn bản giống nhau, giữa họ không có sản phẩm gì mới lạ. Do đó đã dẫn đến trao đổi kém phát triển và khi không có trao đổi thì dù còn rất nhiều thời gian nhàn rỗi trong năm, người lao động cũng không có động lực để sản xuất thêm lương thực nữa mà chuyển sang làm những việc khác tuy không chuyên nghiệp nhưng lại cần thiết cho cuộc sống của họ, chẳng hạn như chế tạo ra các dụng cụ sử dụng trong gia đình. Như vậy một lượng lao động thặng dư rất lớn trong nông nghiệp đã bị biến thành lao động tất yếu của hoạt động sản xuất thủ công. Khi không có phân công lao động và trao đổi thì đất đai dù có độ phì rất lớn, chứa đựng trong nó khả năng lao động thặng dư rất cao thì lao động thặng dư đó cũng chỉ được sử dụng một cách phi sản xuất hoặc sản xuất cho những nhu cầu khác với hiệu suất thấp. Trong khi đó, tính đa dạng của đất đai cho phép phát triển nông phẩm
đa dạng, có thể nuôi trồng các loại cây con khác ngoài cây lúa nước. Đặc tính tự nhiên của chúng đòi hỏi người lao động phải có những am hiểu nhất định đối với từng loài, sự phân công lao động bước đầu được hình thành ở những mảng canh tác lớn và ngày càng có tính chất chuyên sâu. Sự trao đổi giữa các sản phẩm khác nhau của toàn bộ các hoạt động sản xuất ấy đã thúc đẩy việc sản xuất nông nghiệp vượt qua giới hạn của sản phẩm tất yếu, tạo ra sự dồi dào của sản phẩm xã hội.
Như vậy, sự đa dạng của đất đai (đồng nghĩa với sự đa dạng của tư liệu sản xuất trong nông nghiệp) là một trong những cơ sở tự nhiên của sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp. Ở nước ta, đồng bằng có đặc tính thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, cây thực phẩm, chăn nuôi gia cầm; trung du và miền núi thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc; vùng duyên hải thích hợp với việc nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối... Sự phân công lao động phát triển trên cơ sở của những điều kiện ấy, nó thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển nhanh chóng. Trong lịch sử phát triển của nông nghiệp, quá trình phát triển phân công lao động xã hội diễn ra thông qua trước hết là chăn nuôi tách khỏi trồng trọt, sau đó nghề thủ công tách khỏi nông nghiệp. Trong nội bộ sản xuất nông nghiệp, càng chuyên môn hóa bao nhiêu thì tỷ suất hàng hóa càng cao bấy nhiêu.
Bên cạnh đó, để phát triển nông sản hàng hóa, sự tích tụ và tập trung ruộng đất là một trong những yêu cầu khách quan. Bởi vì trong nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, diện tích thương phẩm (là diện tích sản xuất ra nông phẩm để bán) và hiệu quả kinh doanh là các yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt, V.I.Lênin viết: “Sự phát triển của nông nghiệp thương phẩm tạo ra thị trường trong nước của chủ nghĩa tư bản” [15, tr.385]. Trong đó chuyên môn hóa của nông nghiệp trên cơ sở thâm canh sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất dẫn tới trao đổi giữa các vùng nông nghiệp, giữa các nông sản khác nhau. Nếu không nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thì không thể phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa được; nền kinh tế nông nghiệp khi đó chỉ sản xuất ra một số lượng sản phẩm nhất định đủ thoả mãn nhu cầu tiêu dùng, dừng lại ở
trình độ tự cấp, tự túc. Diện tích thương phẩm chỉ có thể được thiết lập khi ruộng đất đã có sự tích tụ, tập trung đến một mức độ nhất định, vượt qua giới hạn diện tích sản xuất nông sản phục vụ cho chính bản thân người lao động nông nghiệp, tức là diện tích sản xuất mang tính chất tự cấp, tự túc. Nếu không vượt được giới hạn diện tích này, sẽ không có nông sản hàng hóa vì khi sản xuất được bao nhiêu bản thân người lao động nông nghiệp sẽ tiêu dùng hết bấy nhiêu. Trong thực tế, diện tích sản xuất mang tính chất tự cấp, tự túc có thể được thu hẹp lại do việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm cho năng suất lao động nông nghiệp tăng lên, lúc này lượng nông sản trên một diện tích nhỏ hơn của đất nông nghiệp cũng đủ đáp ứng nhu cầu về nông sản như trước đây cho bản thân người lao động. Vì vậy, trong điều kiện diện tích sản xuất không đổi, diện tích thương phẩm sẽ tăng lên hoàn toàn giống như cách tăng của thời gian lao động thặng dư trong phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối.
Từ những vấn đề trên, tầm quan trọng của việc tích tụ, tập trung ruộng đất đối với sự phát triển nông sản hàng hóa đã được khẳng định: Một mặt, nó tạo ra diện tích thương phẩm khi vượt qua giới hạn diện tích tự cấp, tự túc, mặt khác tích tụ, tập trung ruộng đất là điều kiện để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến diện tích thương phẩm tăng lên. Năng suất lao động có được do việc ứng dụng khoa học kỹ thuật càng cao thì diện tích thương phẩm tăng lên càng nhiều trong một giới hạn đất sản xuất nông nghiệp nhất định.
Chính vì vậy A.V. Traianốp (1888 - 1939), nhà khoa học lớn về kinh tế nông nghiệp của đất nước Xô Viết, đã cho rằng: Khi vượt ra khỏi kinh tế nửa tự nhiên (nửa tự cung tự cấp), người nông dân bắt đầu cảm thấy rõ sự cần thiết của tín dụng, kỹ thuật và công nghệ tiến bộ. Nhưng mặt khác, các quá trình thuần túy sinh học (trong trồng trọt cũng như trong chăn nuôi) lại đòi hỏi một sự chăm sóc của từng cá nhân và điều đó lại hạn chế sự phát triển theo chiều rộng của doanh nghiệp nông dân. Do đó ở kinh tế hộ luôn tiềm ẩn những khả năng hình thành các hợp tác xã tự nguyện dựa trên các khâu canh tác mà người nông dân cần đến sự hợp lực để áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai.
Ở Việt Nam, tài nguyên đất, nhất là đất nông nghiệp quá ít là một khó khăn lớn đối với nền kinh tế. Vì vậy để nâng cao đời sống người lao động thông qua việc đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất là một yêu cầu khách quan.
Tính đa dạng của đất nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với một nền nông nghiệp hàng hóa và để nâng cao được hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp phục vụ cho phát triển nông sản hàng hóa, sự tích tụ và tập trung ruộng đất là một trong những nội dung cốt lõi, không thể nói đến hiệu quả toàn diện khi ruộng đất còn manh mún gắn với sản xuất nhỏ, lạc hậu.
Chương 2