Xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn trên cơ sở triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ

Một phần của tài liệu LUẬN văn sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa ở tỉnh bạc liêu (Trang 93 - 98)

ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ

Để thúc đẩy sự vận động của kinh tế hộ nông dân lên các mô hình sản xuất lớn đòi hỏi phải phối hợp đồng bộ các giải pháp tích cực để cải thiện tình hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có giải pháp về đất đai.

Luật đất đai quy định người sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đó là cơ sở pháp lý thừa nhận sự tích tụ và tập trung ruộng đất nông nghiệp để từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn (trang trại, hợp tác xã kiểu mới) trên phạm vi cả nước nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng.

Mô hình kinh tế trang trại gắn liền với quá trình tập trung hóa sản xuất, tích tụ, tập trung ruộng đất với một quy mô nhất định để sản xuất nông sản hàng hóa phục vụ nhu cầu của thị trường. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt kinh tế trang trại với mô hình kinh tế hộ nông dân, kinh tế cá thể. Ưu thế của kinh tế trang trại là khai thác được một cách tối đa tiềm năng của đất đai, tận dụng được cả những loại đất mà kinh tế hộ do thiếu vốn và các nguồn lực khác nên không thể khai thác được chẳng hạn như đất hoang hóa, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn,... Trong mô hình này, phương thức canh tác kết hợp nhiều cây trồng vật nuôi có tác dụng giải quyết được nhiều lao động, làm tăng thu nhập, tận dụng triệt để vốn đầu tư bỏ ra trên một đơn vị diện tích, tăng độ màu mỡ cho đất so với phương thức đơn canh. Ngoài ra nó còn là hình thức chuyển vốn nhanh, lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy mô hình kinh tế trang trại hình thành là một tất yếu của sự

phát triển nông nghiệp hàng hóa. Phát triển kinh tế trang trại là một hướng đi hợp quy luật có tác dụng thúc đẩy việc khai thác tiềm năng đất đai, phát huy nội lực để phát triển sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, từng bước thực hiện có hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Nghị quyết 03 ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại đã khẳng định kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp nông thôn. Có 2 tiêu chí để xác định kinh tế trang trại khác với kinh tế hộ gia đình là: giá trị hàng hóa, dịch vụ và quy mô sản xuất (diện tích, số lượng đàn gia súc, gia cầm…). Nhà nước khuyến khích và bảo hộ kinh tế trang trại, hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ, khuyến nông, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cơ sở hạ tầng.

Chủ trương phát triển kinh tế trang trại bao gồm các nội dung:

Một là, phát huy lợi thế của vùng, của trang trại. Sản xuất theo nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích của trang trại, Nhà nước hỗ trợ miễn giảm thuế, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm... trên cơ sở xây dựng nông nghiệp bền vững.

Hai là, chủ trang trại chủ động trong việc xây dựng kế hoạch nuôi trồng dựa trên cơ sở định hướng kế hoạch của Nhà nước đối với vùng, với địa phương, dựa trên các mô hình sản xuất có triển vọng. Có thể thực hiện chuyên canh, xen canh, luân canh, đa dạng hóa sản phẩm để tận dụng mặt đất, mặt nước hiện có.

Ba là, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để đạt năng suất chất lượng cao

với giá thành hạ (từ khâu giống, chăm sóc, tưới tiêu, bảo quản, chế biến…). Có sự liên kết, hợp tác giữa các chủ trang trại và các thành phần kinh tế khác; có sự phối hợp với nhà khoa học, quản lý. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành trang trại, khả năng tiếp cận thông tin và khoa học công nghệ.

Trong thời gian qua, kinh tế trang trại góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người lao động nông nghiệp. Các mô hình phát triển kinh tế trang trại được nhân rộng ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Hiện nay, cả nước có khoảng 130.000 trang trại với các quy mô khác nhau. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các trang trại chủ yếu phát triển cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi; các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ phát triển

cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả; ở các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Cà Mau có hàng chục ngàn trang trại nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao… Các trang trại không những phát triển ở nông thôn mà ở một số thành phố lớn cũng đã hình thành nhiều loại trang trại và đi vào hoạt động có hiệu quả (chăn nuôi quy mô lớn, trồng cây cảnh…).

Ở Bạc Liêu, kinh tế hộ gia đình sản xuất nhỏ và kinh tế trang trại giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, toàn tỉnh hiện có 407 trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (theo tiêu chí liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục thống kê), nhưng thực tế chỉ có vài chục trang trại có thực lực. Việc phát triển kinh tế trang trại ở các địa phương trong tỉnh chưa làm tốt công tác quy hoạch, chưa đặt trong mối quan hệ gắn bó với đặc điểm đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Để phát triển mô hình kinh tế trang trại ở Bạc Liêu phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa, trước hết cần thực hiện tốt giải pháp tích tụ và tập trung ruộng đất, được xem là quá trình tất yếu để phát triển sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy nội lực. Trong thực tế trình độ sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể có sự khác nhau, những chủ thể có kiến thức, kinh nghiệm và điều kiện sản xuất tốt sẽ tìm mọi cách thuê thêm ruộng đất để tăng diện tích canh tác. Xét về mặt kinh tế, họ có khả năng sử dụng đất có hiệu quả hơn các chủ thể khác. Bên cạnh đó, có những người do không đủ khả năng mở rộng sản xuất hoặc gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình để chuyển sang ngành nghề khác thích hợp hơn. Làm như vậy sẽ có lợi hơn là tiếp tục sản xuất. Sự gặp gỡ giữa một bên là người có nhu cầu chuyển nhượng, một bên có nhu cầu sử dụng đất đai sẽ hình thành việc mua bán quyền sử dụng đất. Sự tích tụ ruộng đất có thể diễn ra nhanh cho đến khi quy mô ruộng đất đạt tới giới hạn của sản xuất có hiệu quả nhất trong khuôn khổ trang trại gia đình.

Như vậy, cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi ruộng đất ở những vùng ruộng đất manh mún, phân tán; dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thích hợp cho canh tác theo những phương thức lớn, hiện đại. Áp dụng những hệ thống sản

xuất kết hợp nông - lâm - ngư nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái của từng khu vực nhằm sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các loại tài nguyên đất, nước và khí hậu.

Tuy nhiên phải hết sức chú ý đến mặt xã hội của việc tích tụ ruộng đất, nhất là trong điều kiện hiện nay đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân trong tỉnh còn rất khó khăn, họ không còn tư liệu sản xuất nào ngoài mảnh đất nông nghiệp, khả năng chuyển sang ngành nghề khác cũng rất mong manh vì trình độ hạn chế. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều vùng nông thôn trên cả nước. Trong nội dung phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã lưu ý việc phân tích thực tiễn để có những chính sách, giải pháp xử lý phù hợp vừa đảm bảo không để nông dân bị bần cùng hóa do không có đất sản xuất, vừa thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất hợp lý theo tiến trình công nghiệp hóa [5, tr.64].

Kinh tế trang trại ở Bạc Liêu tuy còn hạn chế nhưng đã có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa làm tiền đề cho sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.

Cùng với các loại hình tổ chức khác nhau của kinh tế trang trại, mà điển hình là trang trại gia đình, kinh tế hợp tác ở Bạc Liêu trong những năm gần đây được quan tâm phát triển, hiện nay toàn tỉnh có 81 hợp tác xã, trong đó có 49 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các hợp tác xã được hình thành trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi, cùng góp vốn sản xuất kinh doanh; hoạt động chủ yếu là dịch vụ cung ứng vật tư phục vụ sản xuất như lúa giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, tiêu thụ sản phẩm. Đa số các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, hiện có 7 hợp tác xã yếu kém cần được củng cố hoặc giải thể, chuyển sang hình thức khác.

Trong tương lai của nền sản xuất đã chuyển đổi, để gia tăng hiệu quả sử dụng và quản lý bảo vệ các công trình chung (như hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, cầu, cống, đập, đê bao và đường nông thôn…), đồng thời tạo điều kiện

hỗ trợ nhau, hạn chế tối đa những rủi ro trong sản xuất, các mô hình tổ chức nông dân cần được khuyến khích và vận động thành lập ở cả tiểu vùng sản xuất nông nghiệp lẫn tiểu vùng nuôi trồng thủy sản.

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia Đông Nam Á (Thái Lan, Philíppin, Malaysia), việc nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi tôm) trong một vùng rộng lớn thường không thể thực hiện riêng lẻ ở từng hộ cá thể, vì môi trường và các yếu tố sản xuất trong vùng nuôi tôm đều liên quan tác động qua lại với nhau. Do đó trong xu thế hiện nay, việc hình thành các tổ chức nông dân theo hướng tự nguyện (như tập đoàn, tổ hợp tác hay hợp tác xã) và xu hướng tích tụ đất để hình thành kinh tế trang trại cũng là một tất yếu khách quan.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một nội dung có ý nghĩa quyết định, đặc biệt là công nghệ sinh học. Chỉ thị số 50 - CT - TW của Ban Bí thư ngày 04/03/2005 về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn” [8, tr.1].

Về nhiệm vụ phát triển công nghệ sinh học. Chỉ thị nêu rõ:

Trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghệ sinh học phải góp phần quan trọng trong việc tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; đóng góp thiết thực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra các công nghệ sản xuất các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi; các công nghệ bảo quản và chế biến nông - lâm - thủy sản nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước [8, tr.3].

Và để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần “Tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào thực vật và động vật trong tạo và nhân nhanh giống cây trồng và vật nuôi có ưu thế về năng suất, chất lượng [8, tr.4].

Ngoài việc coi trọng ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật đã được công bố trong nước và trên thế giới vào việc sử dụng đất nông nghiệp, sản xuất nông sản hàng hóa. Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ cho việc sản xuất trong điều kiện đặc thù của tỉnh Bạc Liêu cũng được đẩy mạnh. Các chương trình, dự án khoa học chủ yếu của tỉnh từ nay đến năm 2010 bao gồm:

- Phối hợp với các Viện, Trường nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng giống cây trồng, giống vật nuôi, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trên thị trường, trước hết là giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa sạch, giống lúa chịu mặn cho vùng tôm - lúa. Xây dựng chương trình sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2006 - 2010 với nhiệm vụ cụ thể là sản xuất 320 tấn giống cấp nguyên chủng trên quy mô 80 ha thuộc trại giống cây trồng và các cơ sở sản xuất giống để phổ biến và xã hội hóa giống cho nông dân sản xuất. Chương trình lúa chất lượng cao sẽ sản xuất 2.500.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên quy mô 500.000 ha trong giai đoạn này.

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản kín hạt giống lúa, nâng thời gian tồn trữ hạt giống lên 9 tháng.

- Đẩy mạnh sản xuất giống cây ăn quả chất lượng cao có thể phát triển được trong điều kiện tự nhiên của tỉnh như xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm Roi…, nhằm đa dạng hoá sản phẩm.

- Xây dựng và hoàn thiện mô hình nông - ngư kết hợp khuyến nông làm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần xoá đói giảm nghèo, hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Áp dụng phương pháp phòng trừ sinh học trong bảo vệ tài nguyên thực vật bằng cách nhân và thả ong ký sinh diệt bọ cánh cứng hại dừa trên toàn bộ diện tích trồng dừa của tỉnh.

- Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tập trung phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Một phần của tài liệu LUẬN văn sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa ở tỉnh bạc liêu (Trang 93 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)