Nhìn một cách tổng thể trong lĩnh vực đất đai, các chính sách thuộc tầm vĩ mô đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện, tích cực phát huy tác dụng
trong việc điều chỉnh các quan hệ đất đai. Tuy nhiên còn thiếu đồng bộ, chưa được phổ biến sâu rộng. Còn thiếu các chính sách cụ thể và các văn bản pháp quy điều tiết các mối quan hệ đất đai trong cơ chế kinh tế thị trường, thiếu quy định cụ thể về 5 quyền của người sử dụng đất. Các điều khoản xử lý hành chính các vi phạm pháp luật đất đai còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ trong khi bộ máy quản lý đất đai ở các cấp, đặc biệt là cấp xã ở Bạc Liêu còn thiếu và chưa đủ năng lực theo yêu cầu công việc, do đó dẫn đến tình trạng trên địa bàn tỉnh còn diễn ra tình trạng sử dụng đất tùy tiện, phá vỡ quy hoạch, tranh chấp đất đai… Việc chuyển nhượng có những nơi diễn ra như một thị trường ngầm sôi động. Trong một thời gian dài do buông lỏng quản lý nên tài nguyên đất không được khai thác đầy đủ, việc sử dụng đất còn lãng phí, nguồn thu từ đất bị thất thoát.
Nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh Bạc Liêu là phải trên cơ sở những chính sách lớn của Nhà nước mà thể chế hoá thành chủ trương chính sách cụ thể, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của địa phương và nhất là phải tăng cường thực thi chính sách pháp luật đất đai vào cuộc sống.
Một là, chính sách đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tỉnh cần khẩn trương hoàn thành việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích đất nông nghiệp còn lại (khoảng 6,09%). Để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần thực hiện các giải pháp cụ thể như:
- Tăng cường công tác đo đạc, lập hồ sơ đất trong tổng thể quy hoạch. - Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn cho lực lượng cán bộ làm công tác quản lý về đăng ký đất đai, lập hồ sơ xét duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hai là, chính sách thuế.
Việc miễn giảm thuế nông nghiệp theo chủ trương của Nhà nước đã tạo động lực to lớn cho người nông dân, giúp họ tích cực đầu tư vào sản xuất. Để thực hiện tốt chủ trương này Bạc liêu cần tăng cường công tác khảo sát thực tiễn để có cơ sở thực hiện trợ cước, trợ giá cho các hộ nghèo; việc thực hiện phải đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Cần chuyển đổi thuế chuyển quyền sử dụng đất thành thuế thu nhập từ việc chuyển quyền sử dụng đất theo mức lũy tiến nhằm khuyến khích những nguời có nhu cầu sử dụng đất thật sự làm các thủ tục hợp pháp hóa quyền sử dụng đất. Đối với những nơi có dự án đầu tư chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác, tỉnh cần thực hiện tốt việc điều tiết phần giá trị gia tăng của đất do đầu tư mang lại thông qua thuế suất thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất trước và sau khi có dự án.
Ba là, chính sách bồi thường khi giải phóng mặt bằng.
Về đền bù thiệt hại đất đai, so với các văn bản trước thì Nghị định 90/CP là văn bản mang tính chất toàn diện hơn cả, nhưng dưới tác động của nền kinh tế thị trường cùng với số lượng các dự án ngày càng nhiều, công tác giải phóng mặt bằng càng trở nên khó khăn đòi hỏi phải có sự thay đổi về mặt chính sách. Đứng trước thực tiễn khi Việt Nam bắt đầu ký kết các hiệp định vay vốn của một số tổ chức Quốc tế (ADB, WB …). Nghị định 90/CP đã thể hiện một số bất cập và không phù hợp với tình hình thực tiễn. Khi công tác giải phóng mặt bằng diễn ra trên quy mô diện tích lớn, phải di chuyển một số lượng lớn dân cư thì công tác này không chỉ dừng lại ở mức độ đền bù thiệt hại về mặt đất đai, tài sản mà đòi hỏi Nhà nước phải có biện pháp, chính sách giúp đỡ người dân mau chóng ổn định cuộc sống, thậm chí phải thực hiện hỗ trợ cho cộng đồng ở nơi di chuyển dân cư đến, tạo điều kiện hòa nhập cuộc sống giữa hai luồng dân cư mới và cũ, góp phần giữ vững ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Ngày 24/4/1998, Nghị định 22/CP ban hành với hai nội dung mới: Chính sách hỗ trợ và lập khu tái định cư. Người bị thu hồi đất có quyền được lựa chọn 1 trong 3 phương án (đền bù bằng đất, bằng tiền hoặc bằng đất và bằng tiền). Trong đó đổi đất lấy đất bao giờ cũng là phương án chấp nhận được. Tuy nhiên, đất thay thế phải được tự người bị ảnh hưởng bởi dự án chấp nhận.
Ở Bạc Liêu, trong quá trình phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đô thị; tỉnh đã có chủ trương bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, hạn chế việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác. Tuy nhiên còn thiếu các chính sách cụ thể và chính quyền các cấp còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện đền bù, giải tỏa, tạo việc làm cho người lao động mất tư liệu sản xuất.
Để đảm bảo công bằng đối với người sử dụng đất khi bị Nhà nước thu hồi, việc định giá bồi thường khi giải phóng mặt bằng phải được thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình này, Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định, thống nhất đơn giá bồi thường chung. Khi định giá bồi thường thiệt hại về đất và tài sản trên đất phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Bốn là, các chính sách thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất trong nông nghiệp.
Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ việc dồn điền, đổi thửa gắn với việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nông dân yên tâm đầu tư vào đất đai mới chuyển đổi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tăng khả năng sử dụng đất đai.
Cần phát triển đồng bộ các biện pháp phát triển ngành nghề mới ở nông thôn, đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và một số biện pháp hỗ trợ khác nhằm giải quyết một cách cơ bản việc làm và thu nhập cho nông dân ở khu vực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thông qua tích tụ và tập trung ruộng đất.
Xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách tích tụ đất đai để đầu cơ, trục lợi.
Về chính sách đầu tư: Đẩy mạnh việc đầu tư cho các chương trình phát triển nông nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước thông qua các dự án trợ cấp vốn. Tuy nhiên cần xác định phát triển bằng nội lực là chủ yếu. Việc đầu tư cần tập trung vào các mục tiêu trọng điểm, có tác động mang tính chất quyết định đến sự phát triển của sản xuất nông sản hàng hoá như kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi...
Năm là, chính sách giá cả đất đai.
Nhà nước phải xác định giá đất có cơ sở khoa học, phù hợp với sự vận động của các quan hệ đất đai trong nền kinh tế thị trường để điều tiết các nguồn thu đối với các quan hệ về tài sản đất đai, điều tiết thu nhập từ đất. Cần xây dựng nguyên tắc, căn cứ và phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất
chung. Trên cơ sở đó Chính phủ quy định khung giá đất cho từng khu vực. Dựa trên những nguyên tắc, phương pháp định giá và khung giá của Nhà nước, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu hàng năm phải xây dựng khung giá quyền sử dụng đất của địa phương mình để làm căn cứ tính thuế quyền sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Khi xác định giá trị quyền sử dụng đất phải xuất phát từ thực tiễn của tỉnh, không nên áp đặt một cách máy móc khung giá quy định của Nhà nước.