Sử dụng đất nông nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu để có sản xuất hàng hóa lớn

Một phần của tài liệu LUẬN văn sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa ở tỉnh bạc liêu (Trang 83 - 86)

xuất hàng hóa lớn

Trong điều kiện trình độ của lực lượng sản xuất của nước ta còn thấp như giai đoạn hiện nay, việc giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân là một chủ trương giải pháp đúng đắn đã khơi dậy mọi tiềm năng trong nông nghiệp, tạo ra bước phát triển mới của nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, xét về mặt tính chất của nền sản xuất và hiệu quả cần đạt được thì đây mới chỉ là bước quá độ của quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn vì còn những hạn chế nhất định xuất phát từ sự manh mún, phân tán về ruộng đất trong nông nghiệp. Đó là:

- Khả năng tích luỹ từ bản thân kinh tế hộ rất nhỏ dẫn đến hạn chế trong việc tái sản xuất mở rộng.

- Khả năng đổi mới kỹ thuật, quy trình công nghệ và tiếp thu những thành tựu khoa học mới của hộ nông dân có nhiều khó khăn.

- Khả năng cạnh tranh trên thị trường nông sản hàng hóa không cao, chịu nhiều sức ép từ bên ngoài.

Sự manh mún của đất đai là một hình ảnh rõ nét của kinh tế tiểu nông, ở một số địa phương, đất nông nghiệp bị chia nhỏ và ngày càng trở nên nhỏ hơn, số thửa đất của một hộ còn quá nhiều, với mức trung bình từ 4 đến 8 mảnh cho mỗi hộ gia đình. Thực trạng này cản trở khả năng tạo những bước chuyển mới trong hệ thống canh tác. Vì một bài toán đơn giản nhất cũng có thể cho thấy hiệu quả từ nghề trồng lúa trên diện tích đất quá ít ỏi và phân tán của mỗi hộ nông dân là rất thấp. Thế nhưng vẫn tồn tại một thực trạng là phần lớn những người nông dân không thể rời bỏ những mảnh ruộng nhỏ bé của họ. Có nhiều nguyên do, trong đó việc đủ ăn cũng là một lý lẽ rất thuyết phục, thêm vào đó là tâm lý gắn bó với đất đai đã được hình thành từ đời này sang đời khác. Thực tế trong giai đoạn trước đây cho thấy, ở các vùng nông thôn, trừ một số tình huống đặc biệt, còn lại thì không có chuyện mua bán và sang nhượng ruộng đất, không có sự tích tụ ruộng đất, thị trường ruộng đất không tồn tại. Nền kinh tế tiểu nông tự nó đã xác định một ranh giới hạn điền còn dưới mức quy định của Luật đất đai với một khoảng rất xa.

Trong điều kiện nguồn đất đai để khai phá mới ngày càng thu hẹp lại và dân số ngày càng tăng lên, đất đai bị chia ra manh mún hơn thì dù có tận lực thâm canh và nâng cao năng suất thì ngoài khả năng đủ ăn, sự tích luỹ cũng không thể tăng lên được nhiều. Đành rằng không ai có thể phủ nhận được tính tích cực của việc chia đất bình quân theo đầu người, đó là đảm bảo công bằng xã hội cơ bản ở nông thôn, đi liền với nó là sự đảm bảo an toàn lương thực cho mọi gia đình. Nhưng ngày nay, mục tiêu an toàn lương thực phải được đặt trong yêu cầu mới của thời đại, nó không còn là vấn đề của từng cá nhân, của từng hộ nữa mà là vấn đề của quốc gia, của dân tộc; thậm chí còn là vấn đề của khu vực, của nhân loại. Việc giải quyết vấn đề này phải gắn với những yêu cầu nhất định về điều kiện đất đai, điều kiện khoa học kỹ thuật mà việc tích tụ ruộng đất để đi lên sản xuất lớn là một nội dung vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư phải đạt được khi thâm canh. Vì vậy nhóm sản phẩm nông nghiệp được lựa chọn để phát triển phải thích hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, cần chú trọng đến những sản phẩm chiến lược để thực hiện thâm canh có trọng điểm.

Khả năng thâm canh tăng năng suất trong nông nghiệp là một khả năng vô hạn. Hiện nay thâm canh trở thành xu hướng chủ đạo trong nền nông nghiệp của tỉnh với việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới về giống, quy trình canh tác và chế biến sản phẩm tiên tiến, vì địa tô chênh lệch II gắn chặt với khuynh hướng thâm canh ruộng đất của chủ thể kinh doanh nông nghiệp hàng hóa nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao trong nông nghiệp. Đây là một xu thế tất yếu trong quá trình vận động của nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

V.I.Lênin cho rằng việc áp dụng tư bản vào nông nghiệp có nghĩa là những thay đổi kỹ thuật trong nó: “tiến hành thâm canh trong nông nghiệp, là chuyển sang những chế độ canh tác cao hơn, là tăng cường dùng nhiều phân bón nhân tạo, là cải tiến công cụ và máy móc, là sự mở rộng việc sử dụng nông cụ và máy móc, là ngày càng dùng thêm nhiều lao động làm thuê.v.v…” [17, tr.232]. Trong thâm canh hóa sản xuất nông nghiệp thì cơ giới hóa chiếm vị trí hàng đầu. V.I.Lênin đã khẳng định ý nghĩa kinh tế - xã hội của việc áp dụng máy móc vào nông nghiệp. Việc đưa máy móc vào nông nghiệp ở mức độ lớn sẽ giúp cho việc nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp.

Thâm canh hóa đất đai phải được coi là phương hướng cơ bản trong phát triển nông nghiệp của Bạc Liêu, vì vậy quá trình khai thác phải đi đôi với cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai. Cải tạo đất là nhân tố quan trọng nhất trong việc thâm canh nông nghiệp. Nó làm giảm sự phụ thuộc của nông nghiệp vào các lực lượng tự phát của thiên nhiên. Tuy nhiên hoạt động của con người cho đến ngày nay, và có thể còn rất lâu nữa vẫn không thể làm thay đổi được các yếu tố đã tham gia cấu tạo đất đai châu thổ trên địa bàn tỉnh, chẳng hạn như triệt tiêu tầng Holocene gây chua mặn. Sở dĩ như vậy là vì trong các hệ thống tự nhiên kỹ thuật, tác động của các quy luật tự nhiên về bản chất không thay đổi. Điều đáng lưu ý là con người không thể ngay một sớm một chiều có thể hiểu được hết mọi đặc tính của quy luật tự nhiên mà chỉ dần dần phát hiện ra các đặc tính đó để áp dụng phương pháp cải tạo cho phù hợp.

Tóm lại, việc chuyển nông nghiệp sang sản xuất theo phương thức công nghiệp đòi hỏi cần phải chuyên môn hóa và tập trung hóa sản xuất. Đặc điểm về

mặt chất lượng của chuyên môn hóa trong giai đoạn hiện nay là ở chỗ nó được thực hiện trên cơ sở liên kết nông - công nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn ở tỉnh Bạc Liêu đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện các hình thức tổ chức và quản lý sản xuất nông nghiệp. Hệ thống quản lý này cần phải đảm bảo tiến hành các chính sách của Nhà nước một cách thống nhất về các vấn đề nông nghiệp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chủ quản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính độc lập và phát huy sáng kiến của các chủ thể sản xuất kinh doanh trong việc giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Một phần của tài liệu LUẬN văn sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa ở tỉnh bạc liêu (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)