nguyên nhân
- Những thành tựu trong việc sử dụng đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội:
Trong những năm qua việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai là một trong những nhân tố quan trọng mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh, góp phần để tỉnh đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm 2001 - 2005.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Diện tích đất trồng lúa có 73.669,88 ha chủ yếu phân bố ở khu vực giữ ngọt ổn định, sản lượng đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp cơ bản thoát khỏi tập quán canh tác lạc hậu, độc canh, năng suất thấp.
Nhiều mô hình luân canh (như mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ tôm, đưa màu xuống ruộng…) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích đất sử dụng cho việc phát triển các trang trại nuôi động vật hoang dã như cá sấu, rùa, ba ba, trăn, rắn và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế tăng nhanh. Lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích đất sản xuất thuộc mô hình này cao hơn rất nhiều so với các mô hình sản xuất nông nghiệp khác, trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất theo hướng tăng diện tích đất nuôi trồng thủy sản là nhân tố quan trọng góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo; tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, các yếu tố về hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường được quan tâm giải quyết, đặc biệt là hiệu quả kinh tế không ngừng nâng lên, doanh thu nuôi trồng thủy sản bình quân 54 triệu đồng /ha/năm, cá biệt có nơi lên đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Diện tích đất rừng giảm xuống do ảnh hưởng của quá trình dịch chuyển đê biển và quá trình khai thác tự do, không có sự quản lý. Song các dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, phong trào trồng cây phân tán được triển khai có kết quả, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường và tăng độ che phủ lên
2,18%. Diện tích đất rừng phòng hộ ven biển có 4.656,82 ha đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, chắn sóng, ngăn mặn, tạo điều kiện bồi lắng phù sa.
Cơ cấu sử dụng đất của tỉnh nhìn chung đang chuyển dịch theo hướng hợp lý hơn, phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh và dần đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Phần lớn diện tích đất đã được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích dân sinh kinh tế (92,68%). Cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp khá hợp lý đã mang lại tốc độ tăng trưởng khá nhanh ở khu vực kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Diện tích đất lúa được bố trí thích hợp ở những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên mặc dù giảm nhưng vẫn đảm bảo sản lượng ổn định.
- Những hạn chế chủ yếu trong sử dụng đất và các nguyên nhân:
+ Những hạn chế chủ yếu:
Cũng như nhiều vùng nông thôn khác ở đồng bằng sông Cửu Long, nông thôn Bạc Liêu nặng về sản xuất lương thực và nuôi trồng thủy sản theo quy mô hộ gia đình với mức đầu tư lao động sống quá cao trên một đơn vị diện tích đất. Thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu việc làm, quỹ đất nông nghiệp ngày một thu hẹp, sự phát triển ngành nghề ngoài nông nghiệp chưa đủ sức thu hút được số lao động ngày một tăng. Với nguồn lao động trong nông thôn còn rất lớn trong khi công nghiệp và dịch vụ Bạc Liêu lại hạn chế trong việc thu hút thêm lao động nông nghiệp, các hộ nông dân chưa tìm được ngành nghề mới, vẫn phải bám trụ với đất nông nghiệp. Do đó việc chuyển nhượng đất nông nghiệp trong thực tế không nhiều; khả năng tích tụ và tập trung ruộng đất hình thành các mô hình sản xuất quy mô lớn diễn ra không phổ biến. Hiện nay một nghịch lý đang tồn tại ở nông thôn Bạc Liêu là người hoạt động ngành nghề phi nông nghiệp thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất nhưng vẫn phải giữ ruộng đất canh tác quảng canh hoặc cho thuê. Ngược lại, người làm nông nghiệp lại sản xuất trên những mảnh ruộng phân tán, khó áp dụng những biện pháp thâm canh và khoa học kỹ thuật. Vì vậy không thể tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao.
Nhìn chung, ruộng đất ở Bạc Liêu vẫn còn tồn tại tính chất manh mún, chưa phù hợp với yêu cầu của việc sản xuất hàng hóa lớn tập trung. Việc sử
dụng đất để sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên (nắng hạn, ngập úng, đất đai bị nhiễm phèn mặn, thiếu nguồn nước ngọt…), việc tổ chức các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức và đầu tư thỏa đáng.
Mặt khác, do tác động thứ phát của giá cả đất đai đô thị, nhu cầu về nhà ở và kết cấu hạ tầng dịch vụ tăng cao, giá đất nông nghiệp cũng tăng đột biến. Trong khi đó giá nông sản hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu tăng hiệu quả đầu tư vào đất đai một cách tương ứng đã dẫn đến tình trạng lĩnh vực nông nghiệp không đủ sức thu hút các nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất, có giai đoạn tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp diễn ra rất phổ biến.
Trong cơ cấu sử dụng đất, đất nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao (86,68% diện tích tự nhiên), diện tích đất chưa sử dụng còn khá lớn (chiếm 5,04%) trong khi tỷ lệ đất phi nông nghiệp trong cơ cấu sử dụng đất còn ở mức thấp (8,28% - thấp hơn so với các tỉnh có nền kinh tế - xã hội phát triển trong vùng như Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang), điều này cho thấy hệ thống kết cấu hạ tầng tuy đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi còn một khoảng cách khá xa so với yêu cầu phát triển.
Hơn nữa, việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp ở một số nơi trong tỉnh còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch như chuyển đất lúa sang nuôi trồng thủy sản; chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản trong khi thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, khó kiểm soát được dịch bệnh lây lan gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Đặc biệt diện tích đất rừng phòng hộ ven biển chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản một cách tự phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Phần lớn diện tích được chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn một số diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản không phát huy được tiềm năng sản xuất vì thiếu vốn và kỹ thuật canh tác, dẫn đến năng suất
thấp. Diện tích đất làm muối sử dụng không hiệu quả do muối sản xuất ra chủ yếu là muối đen không có thị trường tiêu thụ gây nên tình trạng tồn đọng lâu dài.
+ Nguyên nhân:
Môi trường bị ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm đang có xu thế gia tăng, trong khi khả năng kiểm soát rất hạn chế, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường sinh thái chưa được coi trọng thỏa đáng. Hệ thống dịch vụ thủy sản, đặc biệt là khâu sản xuất, cung ứng giống và thức ăn cho tôm cũng như việc phát hiện và xử lý khi tôm bị nhiễm bệnh còn thiếu. Đội ngũ lao động kỹ thuật phục vụ cho công tác nuôi trồng và hướng dẫn người sản xuất các biện pháp kỹ thuật cần thiết còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy hiện tượng tôm chết hàng loạt diễn ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế.
Hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng của tỉnh Bạc Liêu được quy hoạch và xây dựng trước đây chủ yếu phục vụ canh tác nông nghiệp, do đó khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản với tốc độ nhanh và quy mô lớn thì các công trình thủy lợi hiện có không đủ khả năng đáp ứng. Việc xây dựng các công trình, dự án mới triển khai còn chậm (chủ yếu do thiếu vốn), nên khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất còn hạn chế.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp (khoảng 18% tổng số lao động nông thôn); số lao động có kỹ thuật đang làm việc có năng lực trình độ chuyên môn không theo kịp yêu cầu phát triển. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã, các chủ trang trại, tổ hợp tác kinh tế còn nhiều hạn chế. Do đó quá trình cơ giới hóa và việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến còn diễn ra chậm chạp. Hầu hết các khâu sản xuất nông nghiệp đều làm thủ công dẫn đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và năng suất lao động rất thấp. Một số tiến bộ kỹ thuật chậm được đưa vào sản xuất như công nghệ sau thu hoạch, các mô hình sản xuất đa canh có hiệu quả kinh tế - xã hội chậm được nhân rộng.
Công nghiệp tác động vào nông - lâm - ngư nghiệp còn yếu, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản. Đến cuối năm 2005 toàn tỉnh có 220 cơ sở xay xát lúa gạo, năng lực xay xát khoảng 1,5 triệu tấn/năm, năng lực lau bóng gạo xuất khẩu chỉ khoảng 100.000 tấn/năm. Hiện có 01 nhà máy chế biến muối iốt,
năng lực chế biến khoảng 29.000 tấn/năm, chủ yếu chế biến muối thực phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế. Công nghiệp chế biến thủy sản luôn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nhiệp của tỉnh (trên 40%). Trong đó chế biến tôm cá đông lạnh phát triển tương đối ổn định. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 18 xí nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế khoảng 36.000 tấn/năm, đáp ứng được về cơ bản nhu cầu chế biến trên địa bàn. Tuy nhiên các sản phẩm chủ yếu ở dạng sơ chế, hàm lượng giá trị không cao. Bên cạnh đó công nghệ bảo quản nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn lạc hậu, các mặt hàng nông sản trên địa bàn chủ yếu được sử dụng, trao đổi dưới dạng thô, tươi sống. Trong thực tế còn diễn ra tình trạng giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản chưa có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, do đó ảnh hưởng đến khả năng mạnh dạn mở rộng sản xuất của các chủ thể sử dụng đất nông nghiệp để tạo ra một khối lượng nông sản hàng hóa lớn.
Nhìn chung thị trường nông sản không ổn định, thiếu tính bền vững, giá cả thay đổi theo chiều hướng bất lợi đối với nông dân. Những sản phẩm nông nghiệp và thủy sản thế mạnh của tỉnh đang phải chịu sức ép lớn từ cạnh tranh ở các thị trường nội địa và quốc tế và các loại hàng rào phi thuế quan khác. Nâng cao khả năng cạnh tranh là yêu cầu bức thiết song cũng là thách thức lớn đối với thực lực kinh tế của tỉnh khi tỷ lệ tích lũy nội bộ còn thấp trong giai đoạn hiện nay.
Việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về tiêu thụ và xuất khẩu nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân thường bị các doanh nghiệp kinh doanh nông sản đơn phương phá vỡ; chưa có sự phân công cụ thể trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực này giữa các sở, ngành chủ quản. Bộ máy quản lý đất đai ở cơ sở còn yếu về chuyên môn và kinh nghiệm, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phát sinh nên còn tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất và tính lành mạnh trong quan hệ đất đai, làm giảm hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.