Nguồn lực đất nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu

Một phần của tài liệu LUẬN văn sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa ở tỉnh bạc liêu (Trang 43 - 46)

Đất đai của Bạc Liêu phần lớn được hình thành trên các trầm tích biển, sông biển hỗn hợp trong thời kỳ biển lùi gồm các nhóm chính:

- Nhóm đất cát:

Có diện tích 452 ha (chiếm 0,17% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), phân bố dọc theo bờ biển thị xã Bạc Liêu và các khu vực lân cận. Hình thành trên các giồng cát biển, có địa hình cao nghiêng thoải vào trong đất liền, thành phần chủ yếu là cát mịn có lẫn thân lá cây mục trên mặt, có thành phần cơ giới nhẹ, khả năng giữ nước kém, địa hình dốc nhẹ, dễ thoát nước. Hàm lượng các chất dinh dưỡng đều nghèo, không bị nhiễm mặn, phèn. Phù hợp đối với việc trồng các loại cây trồng cạn, rau màu và cây ăn quả có giá trị nếu có khả năng đầu tư tốt.

- Nhóm đất mặn:

Có diện tích 89.835 ha (chiếm 34,78% diện tích tự nhiên), gồm: Đất mặn thường xuyên dưới rừng ngập mặn (đất mặn nặng) phân bố chủ yếu ở phía Nam quốc lộ 1A và một phần đất mặn ít mùa khô dọc theo phía Bắc quốc lộ 1A. Đất mặn được hình thành và phát triển trên các trầm tích biển, sông biển hỗn hợp và trầm tích biển đầm lầy, tuổi Holocence. Đất chịu ảnh hưởng mặn của nước biển do thủy triều hoặc mặn ngầm mao dẫn. Đất có phản ứng trung tính đến kiềm yếu, hàm lượng Cl- và tổng số muối tan cao, đất bị nhiễm mặn từ dưới sâu lên đến tầng mặt. Hàm lượng chất hữu cơ tầng mặt khá và giảm nhanh theo độ sâu tầng đất.

- Nhóm đất phèn:

Có diện tích lớn nhất 128.492 ha (chiếm 49,75% diện tích tự nhiên) gồm: Đất phèn tiềm tàng, đất phèn hoạt động, đất phèn hoạt động bị thủy phân. Nhóm

đất phèn phân bố chủ yếu ở phía Bắc Quốc lộ 1A. Đất phèn hình thành phát triển trên các trầm tích đầm lầy - biển và sông - biển hỗn hợp, có đặc điểm bồi tụ chậm, vật liệu trầm tích chứa nhiều hữu cơ và chất sinh phèn (FeS2). Đất có độ phì tiềm tàng khá cao, đất bị nhiễm mặn không nặng, tính chất vật lý của đất đã tương đối thuần thục và phát triển xuống sâu, nền đất khá ổn định nên thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp canh tác trong sử dụng đất cho mục đích trồng trọt nông nghiệp. Hướng sử dụng thích hợp là canh tác các loại cây trồng nông nghiệp (đặc biệt là lúa một vụ mùa mưa), hoặc nuôi trồng thủy sản nước lợ.

- Nhóm đất phù sa:

Có diện tích 5.064 ha (chiếm 1,96% diện tích tự nhiên). Đất được hình thành từ các trầm tích trẻ Aluviven của sông rạch lớn, có nguồn gốc sông - đầm lầy không chứa vật liệu sinh phèn. Độ phì khá cao, thành phần cơ giới nặng. Hiện nay, với hệ thống ngăn mặn đang xây dựng tương đối hoàn chỉnh của Dự án ngọt hóa vùng bán đảo Cà Mau, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, một phần diện tích đất phù sa đã được cung cấp nước ngọt ổn định rất thích hợp cho việc trồng lúa cao sản, thâm canh tăng vụ và trồng xen các loại hoa màu, cây ăn quả khác. Nhóm đất phù sa gồm các loại đất: Đất phù sa không được bồi có tầng loang lổ đỏ vàng (Pf) diện tích 3.641 ha (chiếm tỷ lệ 71,9% nhóm đất phù sa); đất phù sa không được bồi gley (Pg) thường phân bố ở địa hình thấp hơn, có diện tích 1.423 ha (chiếm tỷ lệ 28,1%).

- Nhóm đất nhân tác:

Đất nhân tác là đất có ảnh hưởng tác động của con người, bị xáo trộn do quá trình lập liếp phục vụ canh tác các loại cây trồng hoặc sử dụng cho các mục đích khác, có diện tích 13.028,87 ha (chiếm 5,04% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), phân bố tập trung dọc theo các kênh rạch, các trục lộ giao thông lớn và các khu dân cư tập trung. Đất nhân tác thường được sử dụng để đào ao nuôi trồng thủy sản. Đất có lớp phủ thổ nhưỡng dày hơn 150 cm.

Nhìn chung đất đai ở Bạc Liêu có lớp phủ thổ nhưỡng bao gồm hai đặc trưng chính là phèn và mặn, cùng với các đặc trưng khí hậu và tài nguyên nước đã hình thành hai vùng có đặc điểm tự nhiên riêng biệt: Vùng ven biển (phía nam Quốc lộ 1A), thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; vùng nội

địa (phía bắc Quốc lộ 1A), thuận lợi cả cho sản xuất nông nghiệp thâm canh (chủ yếu là sản xuất lương thực) và các mô hình sản xuất nông - ngư kết hợp.

Trong tổng quỹ đất tự nhiên của tỉnh Bạc Liêu, diện tích đang sử dụng là 239.353,60 ha (chiếm 92,68% tổng diện tích tự nhiên), diện tích đất chưa sử dụng và sông rạch còn 18.893,02 ha (chiếm 7,32% tổng diện tích tự nhiên). Trong thực tế, diện tích đất chưa sử dụng có khả năng cải tạo và đưa vào các mục đích sử dụng là 13.047,19 ha (gồm đất bằng chưa sử dụng 13.017,09 ha; đất chưa sử dụng khác 30,10 ha). Như vậy trong những năm tới việc khai thác, cải tạo quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn tỉnh để bổ sung cho các mục đích khác sẽ bị hạn chế, hướng chủ yếu sẽ tập trung khai thác diện tích bãi bồi được tạo thêm hàng năm do quá trình bồi lắng phù sa để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và phát triển rừng ngập mặn.

Dựa theo phương pháp “Đánh giá khả năng thích nghi đất đai” (Land suitability evaluation) của tổ chức Lương nông thế giới (FAO) vào các năm 1976, 1983, 1996, khả năng thích nghi đất đai của tỉnh Bạc Liêu có thể được phân chia theo 4 mức thuộc 2 nhóm: thích nghi và không thích nghi thông qua việc đánh giá yêu cầu đất đai của các loại sử dụng đất (land use type - LUT), có nghĩa là đánh giá mức độ đòi hỏi về các điều kiện tự nhiên của các loại sử dụng đất. Do điều kiện sinh thái tự nhiên khác biệt nhau của vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A trong địa bàn tỉnh, yêu cầu đất đai của các loại sử dụng đất được phân lập riêng theo từng vùng. Có 12 loại sử dụng đất có triển vọng đã được lựa chọn để phân tích. Trong đó bao gồm:

Loại sử dụng đất trồng cây nông nghiệp, có 8 LUT: Lúa 3 vụ có tưới (hoặc 2 vụ lúa + 1 vụ màu); Lúa 2 vụ có tưới (hoặc 1 vụ lúa + 1 vụ màu); Lúa 2 vụ có tưới + Cá đồng;

Lúa 1 - 2 vụ cao sản nhờ mưa;

Lúa 1 - 2 vụ nhờ mưa (hoặc 1 vụ lúa + 1 vụ màu); Lúa 1 vụ nhờ mưa + Nuôi thủy sản nước lợ;

Cây ăn quả, chuyên rau màu.

Loại sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, có 1 LUT:

Chuyên nuôi tôm (ở các dạng: quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh).

Loại sử dụng đất lâm nghiệp, có 2 LUT: Rừng ngập mặn;

Rừng ngập mặn (+ Nuôi tôm quảng canh cải tiến). Loại sử dụng đất chuyên dùng, có 1 LUT:

Làm muối (+ Nuôi tôm quảng canh cải tiến).

Trên cơ sở bản đồ tài nguyên đất đai và bản đồ khả năng thích nghi đất đai đã được xây dựng cho toàn tỉnh, hướng bố trí sử dụng đất đối với từng khu vực sẽ là cơ sở vững chắc nhằm khai thác tài nguyên đất của 2 vùng sinh thái của tỉnh một cách hợp lý. Trong đó:

Vùng Nam Quốc lộ 1A được phân lập thành 10 vùng thích nghi khác nhau, khả năng thích hợp chủ yếu cho các mô hình chuyên nuôi tôm, tôm - lúa, làm muối và khôi phục rừng ngập mặn.

Vùng Bắc Quốc lộ 1A được phân lập thành 11 vùng thích nghi khác nhau. Trong vùng này điều kiện đất đai phía đông thích hợp cho canh tác lúa - màu và chuyên canh các cây trồng nông nghiệp khác, trong khi các khu vực còn lại ở phía tây lại thích nghi hơn cho các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Một phần của tài liệu LUẬN văn sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa ở tỉnh bạc liêu (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)