cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Quy hoạch sử dụng đất đai là công cụ quản lý nhà nước về đất đai để các cấp, các ngành quản lý, điều chỉnh việc khai thác, sử dụng đất đai phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Ở nội dung đẩy mạnh phát triển nông sản hàng hóa, quy hoạch sử dụng đất đai có vai trò quyết định trong việc điều chỉnh, cân đối giữa một bên là nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa để trao đổi trong nước và xuất khẩu; và một bên là nhiệm vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa, mở mang dịch vụ (thường dẫn đến tình trạng mất dần đất nông nghiệp).
Để đáp ứng được yêu cầu này, các cơ quan chức năng của tỉnh cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất trong từng thời điểm cụ thể và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, không để quá thừa hoặc quá thiếu một loại đất nào. Ở Bạc Liêu, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách tự phát thời gian qua đã dẫn đến mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất. Thực trạng này cũng là vấn đề có tính chất nghiêm trọng và
phổ biến trên phạm vi cả nước. Trước tình hình đó, ngày 28/4/1995 Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra Chỉ thị 247/TTg về khắc phục tình trạng giảm sút diện tích đất trồng lúa nước và đất trồng cây nông nghiệp có giá trị cao do việc chuyển quỹ đất này sang sử dụng vào mục đích khác, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của nông nghiệp, đảm bảo an toàn lương thực bền vững trong việc hoạch định kế hoạch phát triển toàn diện nền kinh tế đất nước.
Thực hiện Luật Đất đai và các văn bản dưới luật, nhận thức được tầm quan trọng và tính bức xúc của công tác lập quy hoạch sử dụng đất đối với công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đất đai, được sự chỉ đạo của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Sở Địa chính tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành lập “Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bạc
Liêu đến năm 2010” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
số 433/QĐ - TTg ngày 03/06/2002. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của tỉnh đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2000 - 2005, làm căn cứ cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất, là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm của tỉnh Bạc Liêu.
Ngày 20/06/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 150/2005/ QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, trong đó đề cập đến việc quy hoạch sử dụng đất với các nội dung chính là khai hoang mở thêm đất nông nghiệp năm 2002 đến năm 2010 là 975 nghìn ha. Đất sản xuất nông nghiệp năm 2010 phải đạt 9,67 triệu ha. Tầm nhìn năm 2020 đất sản xuất nông nghiệp 10,18 triệu ha. Cũng theo phê duyệt này, đất nuôi trồng thủy sản đến năm 2010 khoảng 1,44 triệu ha; trong đó nuôi trồng thủy sản nước ngọt: 640 nghìn ha, đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ: 800 nghìn ha. Tầm nhìn năm 2020 đất nuôi trồng thủy sản khoảng 20 triệu ha; trong đó đất nuôi trồng thủy sản nước ngọt 700 nghìn ha, đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ 1,3 triệu ha. Đất lâm nghiệp là 16,7 triệu ha vào năm 2020.
Trong quy hoạch này đáng chú ý là đến năm 2010 sẽ chuyển 102.000 ha đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản và cây trồng khác, đất chuyên lúa còn 3,96 triệu ha. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi trên diện tích 1 triệu ha lúa xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ do đó việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo định hướng quy hoạch tổng thể của cả nước có nhiều thuận lợi. Qua một thời gian thực hiện, đến nay tình hình kinh tế - xã hội cũng như sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có nhiều đổi thay mang tính chất bước ngoặt, trên cơ sở đó tỉnh đã tiến hành điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong tình hình mới phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như thời cơ và thách thức mới. Từ đó đòi hỏi phải có những dự báo về nhu cầu và phân bổ lại quỹ đất trong giai đoạn tiếp theo nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, các lĩnh vực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Xuất phát từ tình hình đó và căn cứ theo quy định tại khoản 1 (điểm a) điều 27 Luật đất đai năm 2003 về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chỉ được thực hiện trong các trường hợp có sự điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cuối năm 2005 Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng có liên quan của tỉnh phối hợp thực hiện “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 tỉnh Bạc Liêu”.
Dự án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 đã tổng hợp toàn bộ các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về đất đai ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), là cơ sở cung cấp thông tin để các cấp triển khai cụ thể, chi tiết việc sử dụng đất theo những mục đích nhất định trên địa bàn do cấp mình quản lý. Trong đó thể hiện quan điểm bảo vệ diện tích lúa nước hợp lý nhằm đảm bảo vấn đề lương thực, bao hàm cả lương thực hàng hóa; đảm bảo diện tích phủ rừng ở mức độ cần thiết để bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa; khuyến khích sử dụng đất vào mục đích có hiệu quả kinh tế cao như nuôi trồng thủy sản; quy hoạch lại các vùng nguyên liệu cho công
nghiệp; tạo điều kiện để hộ gia đình nông dân tích tụ đất đai theo quy hoạch nhằm phát triển kinh tế trang trại.
Để thực hiện có kết quả phương án điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 cần thực hiện những giải pháp sau:
- Chính sách về thuế sử dụng đất và các khoản tiền có liên quan đến sử dụng đất, có ưu tiên theo ngành nghề; đặc biệt là chính sách thuế mở theo hướng thu hút đầu tư; tạo điều kiện để nông dân dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; gắn việc chuyển đổi đất đai với chuyển đổi lao động.
- Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2010 cần được công bố công khai. Tỉnh cần có biện pháp tăng cường phối hợp giữa kế hoạch phát triển đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với kế hoạch sử dụng đất hàng năm để nâng cao tính khả thi, tính thực tiễn và hiệu quả sử dụng đất.
- Thực hiện Kế hoạch 05KH/TW ngày 10/9/2003 của Bộ Chính trị và Quyết định số 273/QĐ - TTg ngày 12/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công tác đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất, xử lý triệt để các trường hợp người quản lý có quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và trường hợp người sử dụng đất không sử dụng hoặc sử dụng đất sai mục đích.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai theo pháp luật và chế độ chính sách của Nhà nước, nhanh chóng khắc phục những vướng mắc tồn tại về quản lý đất đai trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư thực hiện việc khai thác sử dụng đất có hiệu quả, ổn định lâu dài.
- Đổi mới chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí các khu tái định cư có điều kiện thuận lợi, từng bước đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất. Đảm bảo đủ quỹ đất theo quy hoạch cho xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp và dịch vụ, xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế và thể dục thể thao. Mặt khác tiết kiệm cao nhất diện tích đất trồng lúa phải chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.
- Việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp và bố trí các khu, cụm công nghiệp mới phải dựa trên quan điểm phát triển lâu dài và bền vững. Do vậy cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng các dự án phát triển, nhất là đánh giá tác động của các dự án này đối với môi trường và xã hội, phát huy vai trò của quần chúng trong việc đánh giá các tác động này. Việc xét duyệt các dự án phát triển cần có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan, ban ngành có chức năng hoặc có liên quan.
- Có chính sách thỏa đáng cho người dân bị mất đất sản xuất như: bố trí lao động bị mất đất vào làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để ổn định đời sống cho nhân dân.
Có thể nói, phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 tỉnh Bạc Liêu được xây dựng trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã điều chỉnh, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp, phù hợp với mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện, thị xã, đảm bảo khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là tài nguyên đất đai. Các thông tin về nhu cầu sử dụng đất được điều tra, khảo sát đến từng công trình. Vì vậy đảm bảo các nguyên tắc: sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 là căn cứ để điều chỉnh phân bố lại dân cư, lao động; khai thác sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên đất, lao động trên từng địa bàn lãnh thổ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư.
Hiện nay, việc quy hoạch và xây dựng ở nông thôn và các khu đô thị trên địa bàn tỉnh còn phân tán, do nhiều cơ quan đảm nhận ở nhiều địa phương. Để khắc phục vần đề này có thể vận dụng chiến lược hình thành các cụm đô thị nông thôn gắn nông nghiệp với công nghiệp để hình thành đô thị vùng và các cụm công nghiệp trung tâm, hạn chế phần nào tình trạng mất đất nông nghiệp do chuyển đổi ở những nơi đất đai vốn màu mỡ và đã có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cần sớm đưa ra giải pháp
hạn chế xu hướng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt gây xáo trộn quy hoạch như trong giai đoạn vừa qua.
Quá trình tập trung ruộng đất thông qua dồn điền, đổi thửa là giải pháp tích cực để phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có quy mô lớn ở những khu vực đất ít người đông. Tuy nhiên tỉnh cần sớm đưa ra những kết luận cụ thể về nhu cầu của từng vùng để có quy hoạch hợp lý, tránh vận dụng một cách máy móc, đồng loạt ở mọi nơi nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, khiến người nghèo không có nguồn lực sản xuất, phải bán đất và rơi vào cảnh thất nghiệp.