ở tỉnh Bạc liêu
Trong những năm qua công tác quản lý, sử dụng đất đai của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và từng bước đi vào ổn định. Nguồn tài nguyên đất
đai đã được khai thác có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định trật tự, chính trị, xã hội. Tuy nhiên còn một số vấn đề cần được giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong những năm tới cũng như trong phương án quy hoạch là:
Cần phân định rõ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch để giúp nông dân sử dụng đất có hiệu quả sau khi chuyển đổi, tránh tình trạng có những lĩnh vực có sự chồng chéo trong quản lý, có những lĩnh vực lại bỏ ngỏ, không ai chịu trách nhiệm (nhất là đối với các dự án có tính chất đánh trống bỏ dùi, gây thiệt hại cho người nông dân) như trong giai đoạn vừa qua.
Việc chuyển dịch sản xuất phải gắn với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là thủy lợi và cơ sở sản xuất giống nhằm đảm bảo tính chủ động. Trong quá trình chuyển đổi phải tuân thủ trình tự các bước cơ bản, tránh nóng vội, đốt cháy giai đoạn, cần thiết phải tiến hành xây dựng các điểm thực nghiệm, các mô hình trình diễn do chính nông dân làm dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, có sự tổng kết, rút kinh nghiệm.
Tình trạng mất đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa cho mục đích phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa là vấn đề nan giải tồn tại song song với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy cần tiến hành các giải pháp cụ thể nhằm giữ vững sự ổn định cơ cấu đất đai, đảm bảo sự phát triển cân đối của các lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội.
Việc chuyển đất lúa sang nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, mang tính tự phát là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu theo nhiều phương diện nhằm đảm bảo lợi ích cả về kinh tế - xã hội, môi trường để phát triển một cách bền vững. Việc chuyển dịch phải đi đôi với tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã để giúp nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất, thực hiện cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm. Theo các nhà khoa học thì mô hình tôm - lúa được xác định là mô hình bền vững. Tuy nhiên đây là mô hình có 2 đối tượng sản xuất trên cùng một diện tích đất nông nghiệp nhưng có điều kiện sinh thái trái ngược nhau (môi trường lợ và môi trường nước ngọt), nếu trong quá trình
thực hiện mô hình không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất sẽ dẫn đến rủi ro. Vì vậy yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát chặt chẽ hệ thống điều tiết nước, mặt khác đòi hỏi các hộ nông dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật và lịch thời vụ sản xuất của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Thủy sản.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia làm thủy lợi, thủy nông nội đồng, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở cơ sở phải được thực hiện thường xuyên và sâu rộng, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên, coi nhẹ khả năng nội lực mà địa phương có thể thực hiện được.
Trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên đơn vị diện tích; lựa chọn cơ cấu, quy mô các loại nông sản dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động, về nhu cầu thị trường…, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh và hàng hóa xuất khẩu.
Chương 3