đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Trong giai đoạn hiện nay, việc gắn phát triển nông nghiệp hàng hóa với xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, không phải là phủ định những giá trị truyền thống, mà nâng cao giá trị đó lên tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa có hiệu quả sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến thủy sản và các ngành công nghiệp nguyên liệu khác. Trong lý luận về sự phát triển của nông nghiệp thương phẩm, V.I.Lênin đã viết:
Sự phát triển của việc chế biến về mặt kỹ thuật các nông sản thường gắn liền với sự tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, một mặt, bản thân việc sản xuất nguyên liệu để chế biến thường thường đòi hỏi phải cải tiến nông nghiệp; mặt khác những phế liệu trong khi chế biến thường đem dùng vào nông nghiệp, làm cho sản lượng nông nghiệp tăng lên và ít ra cũng khôi phục một phần nào sự thăng bằng và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nông nghiệp và công nghiệp [15, tr.354].
Đất đai là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều thách thức trong sự phát triển tương lai. Sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Bạc Liêu được quyết định bởi thành công của quá trình đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và sự phát triển song
song của quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, các quá trình này lại bị chi phối bởi những vấn đề xuất phát từ quan hệ ruộng đất. Ở những nơi đất chật người đông, lao động dư thừa, trình độ canh tác tiên tiến hơn, thì sức ép trên đất đai ngày càng lớn. Do đó đòi hỏi phải mở mang ngành nghề, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Lịch sử phát triển xã hội đã chứng minh rằng, nhiều cuộc khủng hoảng ở nông thôn có nguồn gốc từ sự phân hóa ruộng đất mà nguyên nhân chính là sự quản lý yếu kém của nhiều quốc gia. Trong thời kỳ tiền tư bản, mâu thuẫn giữa tập trung đất đai để sản xuất nông sản và bần cùng hóa nông dân nghèo đã từng tồn tại hoặc các mô hình trang trại với quy mô lớn khó có thể được thực hiện ở những vùng dân cư đông đúc mà đa số hộ còn canh tác theo hướng sản xuất nhỏ và có năng suất thấp.
Để mở mang phát triển công nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp cần có đất để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhưng muốn có được đất doanh nghiệp phải trả thêm nhiều chi phí ngoài tiền thuê đất như đền bù, giải phóng mặt bằng, lệ phí... nên chi phí thực tế phát sinh gấp nhiều lần so với quy định. Thực trạng này ở Bạc Liêu đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đầu tư để mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.
Thực hiện quy hoạch tổng thể đất đai phục vụ cho sản xuất nông sản hàng hóa, Bạc Liêu đã có chủ trương tập trung sức phát triển nông nghiệp theo hướng có năng suất chất lượng và hiệu quả bảo đảm độ bền vững về kinh tế và sinh thái. Xây dựng nông thôn mới văn minh tiến bộ với một cơ cấu kinh tế hợp lý, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Tóm lại, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa phải gắn liền với phát triển một khu vực sản xuất rất quan trọng đó là công nghiệp nông thôn. Theo một nghiên cứu của UNIDO (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc) thì những nước có trình độ phát triển tương đối cao đều có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ở nông thôn khoảng từ 20 - 30%. Trong phương án quy hoạch của Bạc Liêu, tỷ lệ này vào khoảng 15 - 18% vào năm 2010.
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa và kinh tế nông thôn phát triển sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, cung cấp nguyên liệu chế biến, tăng thêm hàng hóa xuất khẩu. Sản xuất hàng hóa đa dạng gắn với các loại đất khác nhau, phát huy được lợi thế của từng khu vực sinh thái. Việc khai thác, sử dụng đất nông nghiệp phải dựa trên nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ gắn với nâng cao trình độ dân trí cho nông dân. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, hợp tác hóa ngày càng cao và có quan hệ hợp tác với bên ngoài là hướng giải quyết cơ bản cho nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Bạc Liêu. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc huy động mọi nguồn lực cho phát triển cho giao thông nông thôn hình thành mạng lưới đảm bảo lưu chuyển nông sản hàng hóa thông suốt, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các vùng nguyên liệu.