Đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ đất đa

Một phần của tài liệu LUẬN văn sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa ở tỉnh bạc liêu (Trang 77 - 80)

đất đai

Việc đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa và công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Bạc Liêu tất yếu dẫn đến các dịch vụ phục vụ cho quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển, hình thành các trung tâm đô thị mới. Điều này dẫn đến một phần đất nông nghiệp sẽ bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, đất xây dựng kết cấu hạ tầng…, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ bị giảm. Do đó, việc sử dụng đất cho các mục đích, nhu cầu khác nhau cần đảm bảo sự cân đối, hài hòa; trong đó bao hàm cả sự hài hòa về lợi ích của các chủ thể sử dụng đất. Vấn đề cần đạt được là vừa giữ được đất nông nghiệp để phát triển sản xuất vừa có đất đai để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nền sản xuất hàng hóa ấy vận hành được thông suốt. Việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả đất đai vào các mục đích phi nông nghiệp của tỉnh sẽ góp phần giữ vững an ninh lương thực, phát triển được sản xuất nông nghiệp hàng hóa đồng thời giảm bớt sức ép về giải quyết lao động nông nghiệp dư thừa do không còn đất canh tác.

Bên cạnh đó cần chú ý giải quyết thỏa đáng khâu phân phối thu nhập trong quan hệ kinh tế về đất đai. Thực tế diễn ra trong khu vực sản xuất lâm nghiệp thời gian qua trên địa bàn tỉnh là một bài học đắt giá về vấn đề này. Theo một báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu trong năm 2005, mặc dù đang tồn tại trong cơ chế thị trường, nghề rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tạo ra được mô hình quản lý và kinh doanh có hiệu quả; một số chính sách về lâm nghiệp chậm được sửa đổi, chưa tương xứng với sức lao động

của người làm nghề rừng như mức khoán quản lý, bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha là quá thấp so với mặt bằng giá hiện nay; hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh chưa được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của cư dân trong lâm phần còn rất khó khăn dẫn đến động lực quản lý, bảo vệ rừng của các hộ dân cũng giảm sút. Đó là chưa nói đến khía cạnh do cuộc sống quá khó khăn, họ phải tìm mọi cách để tồn tại, trong đó không loại trừ khả năng phá rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật trong khu bảo tồn… và như vậy, chính những hộ dân được giao trách nhiệm bảo vệ rừng lại trở thành lực lượng phá rừng nghiêm trọng nhất. Do đó việc trả thù lao theo lao động đòi hỏi cần phải tính đến các yếu tố thực tiễn, tránh việc áp đặt một cách chủ quan.

Lý luận kinh tế C.Mác cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, trong giai đoạn phát triển nào của nông nghiệp ở bất cứ nước nào, hễ có sự khác nhau về độ phì nhiêu thì có lợi nhuận siêu ngạch và có địa tô chênh lệch I. Sự thay đổi về độ phì nhiêu giữa các loại đất bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó địa tô chênh lệch I cũng phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có nhiều trường hợp khác nhau [20, tr.293-297]. Từ thực tế này, việc xác định các quan hệ lợi ích cho các chủ thể sử dụng đất đai ở những khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh dựa trên việc phân tích thực tiễn bằng lý luận địa tô của C.Mác có một vai trò đặc biệt quan trọng. Lợi ích bao giờ cũng là vấn đề cốt lõi trong hầu hết các quan hệ xã hội. Lợi ích do đất đai mang lại đã, đang và sẽ tồn tại, gắn bó chặt chẽ với mỗi chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp, mỗi người dân và toàn xã hội.

Cụ thể là việc tạo ra các điều kiện kinh tế ngang nhau cho các chủ thể sản xuất nông nghiệp nằm trong các vùng có các điều kiện kinh tế tự nhiên khác nhau của tỉnh là cơ sở để các chủ thể này có thể sản xuất kinh doanh hiệu quả (nhất là đối với các hợp tác xã). Để thực hiện được điều này phải dựa trên sự tính toán đến các quan hệ địa tô đã hình thành giữa nhà nước (chủ sở hữu ruộng đất) và các hợp tác xã (người sử dụng ruộng đất) về việc sử dụng đất đai. Trong quan hệ này, việc hình thành giá cả sản phẩm nông nghiệp một cách hợp lý phải dựa trên cơ sở lý thuyết thu nhập ròng và địa tô chênh lệch.

Để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa các chủ thể tham gia trong quan hệ đất đai cần quán triệt quan điểm của Nghị quyết Trung ương bảy khóa

IX, đó là chính sách đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người đang sử dụng đất hợp pháp và lợi ích của người đầu tư; trong đó cần chú trọng ưu tiên lợi ích của Nhà nước [7, tr.78].

Việc đặt vấn đề chú trọng ưu tiên lợi ích của Nhà nước xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của đất đai đối với các chương trình phát triển chung của toàn xã hội.

Trong quan hệ đất đai hiện nay ở nước ta đang tồn tại một nghịch lý, đó là đất đai thuộc sở hữu Nhà nước nhưng khi cần thực hiện một dự án cụ thể nào đó vì mục tiêu phát triển chung, Nhà nước phải bỏ tiền đền bù với giá cao, còn nông dân đã nhiều đời gắn bó với đồng ruộng lại mất dần tư liệu sản xuất, và trong nhiều trường hợp chỉ được hưởng phần lợi ích rất nhỏ từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng này. Nghịch lý này xuất phát từ cơ chế xử lý đất đai: Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây dựng phát triển đô thị mới hay quy hoạch công nghiệp được chính quyền cấp có thẩm quyền thu hồi đất của nông dân sau đó giao cho các chủ kinh doanh khác. Do những quy định thiếu chặt chẽ, cách làm này đã nảy sinh những tiêu cực, trong đó phổ biến là trục lợi cá nhân, đầu cơ... Ở Bạc Liêu thời gian qua hiện tượng này vẫn tồn tại và có tính chất phức tạp. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất đô thị hoặc đất xây dựng công trình đã làm địa tô tăng lên nhiều lần nhưng phần lớn việc phân phối phần chênh lệch còn thiếu công bằng, minh bạch.

Việc tiếp cận đất đai dựa trên quyền sở hữu và sử dụng có ý nghĩa lớn trong việc phân tích hoạt động nông nghiệp, xử lý đúng những quan hệ này sẽ tạo nhiều thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, đồng thời tham gia có hiệu quả vào quá trình công nghiệp hóa nông thôn ở Bạc Liêu. Trong đó việc giải quyết tốt công tác đền bù, giải tỏa là vấn đề cốt lõi. Theo tính toán thì cứ 1 ha đất nông nghiệp bị thu hồi thì khoảng 15 lao động mất việc làm. Việc giải quyết thỏa đáng quyền lợi trong quan hệ đất đai sẽ bảo đảm không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Hơn nữa phải đặt ra và giải quyết vấn đề kế sinh nhai của người dân sẽ như thế nào nếu không còn đất sản xuất.

Ở nước ta, trong một thời gian dài trước đổi mới, quan hệ đất đai chưa phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất đã dẫn đến sản xuất nông nghiệp trì

trệ, cả nước luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Khi nông dân được làm chủ đất đai, các quan hệ lợi ích trong lĩnh vực đất đai được thực hiện tốt hơn thì sản xuất nông nghiệp từng bước khởi sắc và quan trọng là nông sản hàng hóa ngày một gia tăng. Trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa, Bạc Liêu cần phải chú ý đến bài học thực tế này.

Một phần của tài liệu LUẬN văn sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông sản hàng hóa ở tỉnh bạc liêu (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)