Thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam
2.2.3 Thực trạng về nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng nhất không thể thiếu trong mọi lĩnh vực hoạt động. Ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam thành công như ngày hôm nay có sự đóng góp rất to lớn của đội ngũ lao động trong ngành. Hiện nay, số lượng lao động của ngành đạt 45.042 người, một con số không nhỏ. Đội ngũ lao động của ngành ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng lao động sản xuất. Các chương trình đào tạo cho lực lượng lao động của ngành có xu hướng nâng cao về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề nhân lực cho sự phát triển của ngành còn gặp nhiều khó khăn.
Công nhân kỹ thuật: 8.220 người
Đại học, Cao đẳng: 1.427
Trung học: 444 người
Quản trị doanh nghiệp: 99 người
Phục vụ, LĐ khác: 1.648 người
Nguồn: www.Vinashin.com.vn
Về đội ngũ lãnh đạo các đơn vị của ngành hầu hết được đào tạo có hệ thống, hiểu biết về kỹ thuật chuyên ngành, kinh doanh và chính trị. Tuy nhiên, số lãnh đạo có khả năng đưa ra những giải pháp phát triển cho phù hợp với xu hướng quốc tế còn hạn chế, do các lãnh đạo chưa được đào tạo những kiến thức và phương pháp quản lý hiện đại. Chính vì vậy, ngành vẫn trong tình trạng thiếu cán bộ lãnh đạo cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển.
Ngành có một lực lượng các cán bộ kỹ thuật chuyên môn lên tới hàng ngàn người đều được đào tạo chuyên môn qua các trường lớp. Hiện tại số cán bộ khoa học có trình độ trên đại học 27 người gồm: Tiến sỹ khoa học: 12 người, Thạc sỹ: 15 người, Đại học và cao đẳng 1.427 người ( Nguồn: Vinashin.com.vn ). Tuy nhiên, một số cán bộ kỹ thuật của ngành chưa bắt kịp sự phát triển của thế giới. Trình độ sử dụng các thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại còn hạn chế, bên cạnh đó họ chưa tận dụng hiệu quả các ứng dụng của tin học trong công việc. Các cán bộ thuộc bộ phận thiết kế còn nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn làm giảm năng lực sản xuất của ngành. Lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ trong ngành còn quá mỏng và thiếu hụt nghiêm trọng. Ngoài ra, số thợ lao động bậc cao chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành đặc biệt là trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Để đáp ứng nhu cầu về lao động cho sự phát triển, trong thời gian vừa qua ngành cũng đã đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều trường công nhân kỹ thuật ngành công nghiệp đóng tàu được xây dựng và vận hành, nhiều lớp đào tạo ngắn hạn cho công nhân cũng được tổ chức hàng năm. Chính sự quan tâm của ban lãnh đạo ngành đã góp phần vào việc cải thiện chất lượng người lao động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.