Thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam
2.2.6 Thực trạng về phát triển công nghiệp phụ trợ
Công nghiệp phụ trợ là khái niệm chỉ những ngành công nghiệp sản xuất ra những sản phẩm nhằm hỗ trợ cho sự sản xuất các sản phẩm khác.
Trước đây, Việt Nam không chú trọng tới sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ nên một số ngành công nghiệp phải nhập khảu phần lớn các thiết bị phục vụ cho sản xuất. Điều này đã làm giảm hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam vẫn chỉ là gia công, tỷ lệ nội địa hoá rất thấp, chỉ đạt khoảng 20% - 30%. Các loại vật tư thép vỏ, máy móc thiết yếu hầu như phải nhập từ nước ngoài. Hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm đóng mới đạt 60% - 70%, ngành đang chú trọng tới việc đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, một số cụm công nghiệp phụ trợ được xây dựng và thực hiện thành công một số dự án sản xuất thiết bị vật liệu cho đóng tàu: Đầu năm 2006, Tổng công ty đóng tàu Bạch Đằng xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp động cơ đi- ê- den tại khu công nghiệp tàu thuỷ An Hồng với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, là nhà máy sản xuất động cơ đi- ê- den đầu tiên tại nước ta; Dự án sản xuất dây hàn và que hàn tại Công ty công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu - Hải Phòng; Dự án sản xuất thiết bị nội thất tàu thuỷ tại Công ty cổ phần Shinec - Hải Phòng; NASICO đã hoàn thành dây chuyền sản xuất vật liệu hàn tiên tiến, hiện đại của Đức, công suất 8.500 tấn/ năm, được các tổ chức đăng kiểm quốc tế BV ( Pháp), GL (Đức), ABS (Mỹ)...chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, thay thế vật liệu hàn nhập khẩu...Trong tương lai, NASICO sẽ có các nhà máy sản xuất các sản phẩm cáp thép, tàu cứu sinh, giá đỡ, cầu thang, thiết bị điện, thép tấm, thép hình, sơn vỏ tàu...
Nguồn: www.Vinashin.com.vn
Tuy đã cố gắng đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ, song nhiều ngành công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu chưa có như:
- Nhà máy thép cho vỏ tàu
- Nhà máy chế tạo các động cơ, máy chân vịt - Các nhà máy chế tạo các sản phẩm lắp ráp khác
Việc nhập ngoại đang chi phối ngành Đóng tàu của Việt Nam quá nhiều tỷ lệ nội địa hóa còn thua xa so với chế tạo ôtô, xe máy. Chính vì vậy, đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ là điều quan trọng cho sự phát triển của ngành.
Ở nhiều nước có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh... đều có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, các nhà máy chế tạo các sản phẩm lắp ráp được xây dựng để phục vụ cho sự phát triển của ngành như Trung Quốc có 72 cơ sở sản xuất thiết bị đóng tàu, các tấm thép phục vụ cho đóng tàu đều được sản xuất tại Trung Quốc, điều này sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả.
Nguồn: www.moi.gov.vn