Từ gốc Hán và điển cố

Một phần của tài liệu LUẬN văn đại học nhận định, đánh giá ca dao đồng tháp (Trang 89 - 98)

- Song thất biến thể một trong hai dòng:

3.3.3. Từ gốc Hán và điển cố

Ngôn ngữ ca dao Đồng Tháp bên cạnh việc sử dụng từ địa phương còn đáng chú ý bởi những từ gốc Hán và điển tích, điển cố. So với ca dao Nam Bộ và cả nước thì ca dao Đồng Tháp sử dụng từ gốc Hán và điển tích, điển cố nhiều hơn. Thống kê 918 câu ca dao trong cuốn Thơ văn Đồng Tháp có 192 câu sử dụng từ gốc Hán và điển tích điển cố, chiếm 20,9%. Còn trong cuốn “Ca dao dân ca Nam Bộ có 2858 lời thì chỉ có 281 lời dùng từ gốc Hán và điển tích, điển cố, chiếm 10%. Trong cuốn Hát ví đồng bằng Bắc Hà có 691 lời thì có 22 lời có từ gốc Hán và điển tích, điển cố, chiếm 3,1%” [1, tr.127].

Chủ đề về tình yêu đôi lứa trong ca dao Đồng Tháp là chủ đề có số lượng từ gốc Hán xuất hiện nhiều nhất, kế đến là chủ đề tình cảm gia đình, các mối quan hệ xã hội khác và chủ đề ít sử dụng từ gốc Hán nhất là chủ đề tình yêu quê hương đất nước. Các từ gốc Hán thường dùng trong ca dao Đồng Tháp như: phụ mẫu, quân tử, thục nữ, loan phòng, phu thuê, đạo cang thường, nhan sắc… tạo màu sắc nho học trong ca dao Đồng Tháp:

“Quân tử thương ta, ta thương quân tử Quân tử chối từ, thục nữ dám đâu

Lẽ nào cột lại tìm trâu

Chàng đi tìm thiếp, thiếp có đâu lại tìm chàng”.

[21, tr.262]

Từ gốc Hán làm cho lời trách móc của chàng trai thêm sâu sắc, khi cô gái là người không giữ đúng lời hứa. Ý nghĩa hàm súc nằm ở câu đầu bài ca dao “Nhất ngôn bất trúng vạn ngôn dụng bất thành”, nghĩa là một lời không đúng vạn lời đem

dùng cũng chẳng được việc, ý nói khi cô gái lần đầu không giữ đúng lời hứa với chàng trai thì sau này dù có hứa một vạn lần thì chàng trai vẫn không tin:

“Nhất ngôn bất trúng vạn ngôn dụng bất thành Thuở xưa kia ai biểu em đành

Bây giờ em tháo cán quăng chành em bỏ anh”.

Không những thế, từ gốc Hán trong ca dao Đồng Tháp còn rất hữu dụng trong việc diễn tả những cảm xúc khó nói trong tình yêu bằng những từ ngữ trau chuốt, sang trọng mang chất văn chương “thuyền quyên, nam nhân, kết nguyền phu thê”:

“Con rắn hổ mây nằm cây đại thọ Con ngựa nhà trời cắn cỏ chỉ thiên

Em đây là gái thuyền quyên

Trai nam nhân đối đặng em kết nguyền phu thê”.

[21, tr.216]

Tính chất chung của từ gốc Hán trong ca dao Đồng Tháp là thể hiện sự trang trọng, văn hoa trong cách nói. Tuy nhiên, ở một số trường hợp từ gốc Hán mang tính chất châm biếm, phê phán trong quan hệ anh em, bạn hữu. Khi cuộc sống sung túc, trước cùng ngồi chung yến tiệc thì bạn bè chung vui “Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc” sau gặp cảnh khó khăn, thiếu thốn thì không thấy bạn bè đâu hết “Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh”:

“Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh Kể từ hồi anh mần láng trong kinh

Láng cạn mưa tràn cá thất chữ đệ huynh rã rời”.

[21, tr.297]

Bên cạnh việc sử dụng các cụm từ gốc Hán xen vào giữa dòng thơ Việt thì ca dao Đồng Tháp còn sử dụng cả câu mở đầu là từ gốc Hán. Cách sử dụng như thế đã tạo nên sự ràng buộc về nghĩa ở những dòng thơ tiếp theo:

“Họa hổ họa bì nan họa cốt Tri nhơn tri diện bất tri tâm Ở xa em không biết nên lầm

Bây giờ rõ mặt vàng cầm em cũng buông”.

Các dòng thơ chữ Hán được giải thích bằng một cách nói tương đương theo cách hiểu của người dân. Hai dòng thơ đầu có nghĩa là: vẽ cọp vẽ được da khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng. Cũng như ở xa không biết thì lầm, bây giờ đã tận tường mọi việc thì vàng cầm cũng buông. Cách sử dụng theo kiểu lắp ghép giữa thơ chữ Hán với ca dao là một hình thức khá độc đáo, giúp người đọc dễ hình dung ý nghĩa câu gốc Hán, nhất là những người dân ít tiếp cận với văn học Hán nhưng vẫn thấy nó gần gũi với ngôn ngữ đời thường.

Bên cạnh việc sử dụng từ gốc Hán ca dao Đồng Tháp còn sử dụng những điển tích, điển cố lấy từ các câu truyện, các tích trong văn học Trung Quốc như: Truyện Tiết Đinh San chinh Tây, tích Ngũ Hồ Bình Tây :

“Đổng Kim Lân cỡi ngựa ô đi trước Khương Linh Tá cỡi ngựa bạch theo sau

Anh gặp em đây như kép nọ gặp đào Giả như Lê Huê gặp giặc Đường trào thuở xưa”.

[21, tr.231]

Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá là hai bề tôi trung nghĩa của vua Tề và là hai bạn thân trong tuồng Sơn Hậu. Phàn Lê Huê gặp giặc Đường trào là gặp Tiết Đinh San, hai người thành vợ chồng, tích trong truyện Tiết Đinh San chinh Tây.

Không chỉ sử dụng các điển tích điển cố từ Trung Quốc, ca dao Đồng Tháp còn sử dụng những điển tích là tên các nhân vật: Thúy Kiều, Kim Trọng, Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga trong các truyện thơ nổi tiếng của Việt Nam như truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên vào ca dao tình yêu:

“Anh như nút, e như khuy

Như Thúy Kiều với Kim trọng phân ly sao đành”.

Đặc biệt ca dao Đồng Tháp còn nhắc đến nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam như: Quỳnh Nga, Thạch Sanh trong truyện “Thạch Sanh” hay nhân vật Lâm Sanh, Xuân Nương trong “Lâm Sanh Xuân Nương”:

“Trai nào bằng trai Lâm sĩ Gái nào mụ mị bằng chị Xuân Nương

Làm dâu ba bốn năm trường

Mẹ chồng ở ác, giết thác nàng dâu chôn tại ngã ba đường Hồn khôn sống dậy giữ cang thường với Lâm Sanh”.

[21, tr.298]

Việc sử dụng từ gốc Hán và điển tích điển cố trong ca dao Đồng Tháp làm cho ngôn ngữ ca dao mang màu sắc Nho học. Nhờ vào sự kết hợp, vận dụng linh hoạt các từ gốc Hán vào trong câu ca dao Việt làm cho ngôn ngữ Hán – Việt không những không xa lạ mà còn dễ hiểu và gần với ngôn ngữ đời thường hơn.

3.3.4.Câu mở đầu

Câu mở đầu hay còn gọi là nhóm chữ mở đầu là những từ ngữ nằm ở vị trí đầu câu được lặp đi, lặp lại nhiều lần trở thành những mô típ hay công thức truyền thống trong ca dao. Bên cạnh việc sử dụng chung những kiểu câu mở đầu mang tính phổ biến cả nước và Nam Bộ, ca dao Đồng Tháp đã có cho mình những nhóm chữ mở đầu riêng dựa trên đặc điểm vùng đất và tên gọi địa danh.

Dù là ca dao Đồng Tháp hay Nam Bộ và cả nước ta điều bắt gặp những kiểu câu mở đầu quen thuộc như: Chiều chiều…., Ai về…., Anh đi…., Anh về…., Thân em như…., Gió đẩy…., Gió đưa…, …

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ thương ông Đốc tướng Binh Kiều đánh tây”.

[21, tr.307]

“Thân em như cúc mọc hàng rào Kẻ qua ngắt nhụy, người vào bẻ bông”.

[21, tr.188]

Ngoài những kiểu câu mở đầu vừa nêu, ca dao Đồng Tháp còn đáng chú ý bởi nhóm chữ mở đầu là những địa danh trên vùng đất Đồng Tháp. Thống kê tài liệu “Thơ văn Đồng Tháp” [21] đã xuất hiện các nhóm từ mở đầu như: Ai ơi….(6 câu), Đất Tháp Mười….(3 câu), Tháp Mười….(4 câu), Ai về Đồng Tháp mà…. (3câu), Anh đi anh nhớ Tháp Mười….(3câu):

“Ai ơi về miệt Tháp Mười Cá tôm sẵn bắt lúa trời sẵn ăn”.

[21, tr.188]

“Tháp Mười lắm rạch nhiều kinh Lắm tôm, nhiều cá, tràm xanh, lúa vàng”.

[21, tr.198]

“Đất Tháp Mười người qua dễ nhớ Gái Tháp Mười ăn nói dễ thương”.

[21, tr.192]

Hệ thống nhóm chữ mở đầu “Tháp Mười…., Đất Tháp Mười….” được tạo nên từ những địa danh quen thuộc của Đồng Tháp. Người dân nơi đây đã khéo léo trong việc kết hợp địa danh với đặc điểm vùng đất để tạo nên các kiểu câu mở đầu riêng. Ca dao Nam Bộ và cả nước có nhiều câu mở đầu bằng “Ai về”, “Anh đi”:

“Ai về thăm huyện Đông Ngàn Ghé thăm thành Ốc Rùa vàng tiên xây”.

[11, tr.135]

“Anh đi ba bữa anh về Rừng sâu nước độc chớ hề ở lâu”.

[10, tr.107]

Vận dụng nhóm chữ mở đầu truyền thống, người dân đã lắp ghép những địa danh vào đó để tạo nên những kiểu câu mở đầu mới trong ca dao Đồng Tháp như:

“Ai về Đồng Tháp mà…., Anh đi anh nhớ Tháp Mười….” .Chính việc lựa chọn và kết hợp đó, một lần nữa chứng tỏ khả năng sáng tạo của người dân Đồng Tháp:

“Anh đi anh nhớ Tháp Mười

Nhớ canh bông súng, nhớ nụ cười Mỹ An”.

[21, tr.190] “Ai về Đồng Tháp mà coi

Con gái Cao Lãnh bỏ roi đi quyền”.

[21, tr.189]

Bên cạnh việc sử dụng phổ biến các nhóm chữ mở đầu của ca dao Nam Bộ và cả nước như: Chiều chiều…., Thân em…., Gió đẩy…., Gió đưa…., ca dao Đồng Tháp đã có cho mình những nhóm chữ mở đầu riêng: Tháp Mười…., Đất Tháp Mười…. Đáng chú ý là sự sáng tạo trong việc vận dụng các nhóm chữ mở đầu sẵn có như: Anh đi…., Ai về…. rồi lắp ghép thêm những địa danh vào đó, tạo nên nhóm chữ mở đầu mới như: “Ai về Đồng Tháp mà…., Anh đi anh nhớ Tháp Mười….”. Những kiểu câu mở đầu được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ca dao Đồng Tháp, không những không bị sáo mòn mà nó là phương tiện biểu đạt nội dung, làm cho câu ca dao có duyên hơn và thể hiện tài năng sử dụng từ ngữ, tổ chức nội dung của người dân Đồng Tháp qua ca dao.

So với các công thức mở đầu truyền thống thì nhóm chữ mở đầu được ca dao Đồng Tháp sáng tạo nên dựa trên đặc điểm vùng đất có phần ít hơn và phạm vi sử dụng hẹp, chỉ thấy xuất hiện trong ca dao Đồng Tháp. Tuy nhiên, chính số lượng ít và phạm vi sử dụng hẹp đó đã thể hiện được nét riêng trong kết cấu mở đầu của ca dao Đồng Tháp.

KẾT LUẬN

Ca dao Đồng Tháp đã thể hiện cuộc sống và tình cảm của người dân Đồng Tháp. Nội dung và nghệ thuật của ca dao nơi đây vừa mang nét chung với ca dao Nam Bộ, vừa mang nét riêng. Về nội dung, phần lớn câu ca dao Đồng Tháp mang tính phổ biến cả nước và ở Nam Bộ có yếu tố biến đổi. Trong đó, hình thức biến đổi địa danh và một số từ ngữ trong câu là trường hợp phổ biến. Đáng chú ý là hình thức biến đổi cả dòng thơ, làm cho nội dung câu ca dao thay đổi ít nhiều. Ngoài ra còn có trường hợp thêm hoặc bớt dòng trong câu. Mặc khác, hình thức phổ biến này không làm thay đổi câu mà góp phần làm cho nội dung câu ca dao thêm sâu sắc. Về mức độ phổ biến thì ca dao Đồng Tháp chủ yếu được lưu truyền ở Nam Bộ nhiều hơn so với cả nước. Tính chất phổ biến này không phải là ưu hay khuyết điểm mà là đặc điểm của ca dao Đồng Tháp. Qua đó đã thể hiện rõ sự giao lưu và khả năng lưu truyền của ca dao Đồng Tháp so với các vùng khác. Bên cạnh đặc điểm phổ biến, còn có một số câu ca dao là những sáng tác mới dựa trên đặc điểm vùng đất và con người. Về vùng đất, Đồng Tháp chủ yếu là diện tích đất mặn, đất phèn. Chính yếu tố này đã tạo nên cái mới cho ca dao Đồng Tháp. Ngoài ra, so với các vùng khác thì ca dao Đồng Tháp đã có cho mình nhóm ca dao thể hiện niềm tin vào ãnh đạo của Đảng, với Bác Hồ kính yêu và ca dao chống thực dân, đế quốc với số lượng khá phong phú, sâu sắc về nội dung, sinh động trong hình thức thể hiện.

Về nghệ thuật, ca dao Đồng Tháp sử dụng một số đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu như: thể thơ, ngôn ngữ và kết cấu. Ca dao Đồng Tháp vẫn sử dụng nhuần nhị, đầy đủ các thể thơ truyền thống lục bát, song thất lục bát, song thất, thể hỗn hợp và các hình thức biến thể của nó. Không những thế, thể thơ trong ca dao Đồng Tháp còn có sự cách tân ít nhiều so với thể thơ truyền thống. Ngoài ra, thể thơ trong ca dao Đồng Tháp còn có hình thức biến thể mạnh hơn biến thể thơ ca dao Nam Bộ. Về kết cấu, bên cạnh sử dụng kết cấu một vế đơn giản, kết cấu một vế có phần vần, kết cấu hai vế tương hợp, kết cấu hai vế đối lập, kết cấu nhiều vế nối tiếp thì ca dao Đồng Tháp sử dụng kết cấu nhiều vế tương hợp. Về ngôn ngữ, ca dao Đồng Tháp chủ yếu sử dụng từ địa phương ngoài ra còn có từ địa danh, từ gốc Hán và điển tích, điển cố và nhóm chữ mở đầu. Từ địa phương trong ca dao Đồng Tháp được thể hiện

qua cách nói chệch đi cấu tạo âm của tiếng Việt, từ xưng hô, lớp từ vay mượn gốc Anh, Pháp. Bên cạnh đó, môi trường và điều kiện tự nhiên đã tạo nên nhóm từ địa phương phong phú trong hệ thống tên gọi những loại động – thực vật và hệ thống tên gọi chỉ địa hình vùng đất. Từ chỉ địa danh trong ca dao Đồng Tháp chủ yếu là các huyện, xã của tỉnh Đồng Tháp và một số địa danh của Nam Bộ, cả nước. Ngoài ra, ngôn ngữ ca dao Đồng Tháp còn sử dụng từ gốc Hán và điển tích, điển cố mang tính hàm xúc, trang trọng. Ngoài việc sử dụng phổ biến nhóm chữ mở đầu của ca dao Nam Bộ và cả nước, ca dao Đồng Tháp đã có cho mình những nhóm chữ mở đầu riêng.

So với ca dao Nam Bộ và cả nước thì ca dao Đồng Tháp đã tạo được nét riêng cho mình, được thể hiện qua đặc điểm nội dung và hình thức nghệ thuật. Đây sẽ còn là đề tài phong phú mở ra nhiều hướng nghiên cứu, tiếp cận mới trong lĩnh vực nghiên cứu ca dao Đồng Tháp.

Một phần của tài liệu LUẬN văn đại học nhận định, đánh giá ca dao đồng tháp (Trang 89 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w