Ca dao Đồng Tháp thể hiện tình cảm của các chàng trai, cô gái Đồng Tháp

Một phần của tài liệu LUẬN văn đại học nhận định, đánh giá ca dao đồng tháp (Trang 25 - 32)

“Ai về Tân Khánh, Bà Trà Mà coi con gái đàn bà đi roi”.

[21, tr.189]

“Ai về Đồng Tháp mà coi Con gái Cao Lãnh bỏ roi đi quyền”.

[21, tr.189]

Bên cạnh đó, ca dao Đồng Tháp còn đáng chú ý qua những bài ca thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Qua ca dao ta có thể cảm nhận được tình cảm chân thành, thiết tha của nhân dân dành cho Bác Hồ kính yêu và sự thủy, chung niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng:

“Quê hương Đồng Tháp sắt son Nhân dân Đồng Tháp là con Bác Hồ.”

[18, 138]

“Tháp Mười đồng ruộng mênh mông Ngàn năm tin Đảng thủy chung một lòng”.

[18, tr.138]

Truyền thống yêu nước, những chiến công, sự tích anh hùng ca cùng bao tên làng, tên xã và đặc điểm vùng đất đã được nhân dân Đồng Tháp thể hiện qua ca dao với tình yêu tha thiết, niềm tự hào dân tộc. Chính những bài ca dao yêu nước này đã góp phần làm cho ca dao Đồng Tháp phong phú hơn về mặt nội dung, sinh động trong hình thức thể hiện.

2.2. Ca dao Đồng Tháp thể hiện tình cảm của các chàng trai, cô gáiĐồng Tháp Đồng Tháp

Tình yêu là một đề tài được đề cập rất nhiều trong lĩnh vực văn học và ngoài văn học. Vì thế, nó không phải là một nội dung mới nhưng cái mới là ở “hình thức thể hiện”. Nhà nghiên cứu Lê Trí Viễn đã từng nhận định về tính cách con người Đồng Tháp: “Phóng khoáng, thoải mái,…xuất phát từ tấm lòng của con người lao

động, sống bằng thực tế chứ không sống bằng giáo điều,…đó là tiếng nói chân thật nhất của trái tim. Nó vượt ra ngoài xiềng xích lễ giáo” [20, tr.6]. Không chỉ trong

cuộc sống mà trong tình yêu tính cách đó cũng được bộc lộ một cách cụ thể. So với chủ đề tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình và các mối quan hệ xã hội khác lại trong ca dao Đồng Tháp thì chủ đề về tình yêu nam nữ có số lượng lớn nhất 509 câu trên tổng 918 câu, chiếm 55,5%.

Sắc thái biểu hiện tình cảm trong ca dao Nam Bộ nói chung và ca dao Đồng Tháp nói riêng có những điểm khác với ca dao Bắc Bộ. Tình yêu trong ca dao Bắc Bộ được thể hiện một cách nhẹ nhàng, kín đáo với cách nói bóng bẩy, quanh co. Do điều kiện sống ít chịu sự chi phối của chế độ phong kiến nên tình yêu trong ca dao Nam Bộ nói chung và ca dao Đồng Tháp nói riêng được thể hiện một cách thẳng thắn, thật lòng nghĩ sao nói vậy. Tình cảm của các chàng trai, cô gái Đồng Tháp được thể hiện qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau lúc tươi vui, hạnh phúc khi đau khổ, oán trách vì duyên nợ không thành.

Thật vậy, khi yêu các chàng trai, cô gái Đồng Tháp cũng trải qua những cảm giác vui, buồn, giận dỗi nhưng với họ vui nhất chắc có lẽ là những kỉ niệm của buổi đầu gặp gỡ. Trong tình cảm, muốn được người yêu phải biết cách lấy lòng đằng này chàng trai thật thà quá mức nói thẳng ý muốn của mình một cách “vạch tẹt” ngay từ buổi gặp đầu tiên mà không chút e ngại “có chồng chưa nói thiệt ra đi” nếu chưa thì bữa sau anh nhờ mai mối đến hỏi mà sẵn đây chỉ luôn đường đi tới nhà để mai khỏi tốn thời gian đi tìm đường. Chàng trai làm một hơi mấy câu liên tục mà không sợ cô gái giận, cách tỏ tình thật là thẳng thắn làm sao nhưng cũng không kém phần hồi hộp cho anh bạn:

“Xứ không quen người thời cũng lạ Muốn cất tiếng lên hò mà trong dạ hồ nghi

Bữa sau anh cậy mai đến nói sẵn biết đường đi khỏi tìm”.

[21, tr.279]

Do điều kiện sống, các cô gái Đồng Tháp sớm phải bước vào cuộc sống mưu sinh làm lụng vất vả. Vì thế, ý trí mạnh mẽ là yếu tố cần có trong cuộc sống và trong tình cảm họ cũng không ngại ngừng, e thẹn. So với các chàng trai thì cô gái Đồng Tháp cũng có cách tỏ tình “lém lĩnh, đáo để” không thua kém:

“Cầu cao tấm ván yếu Con ngựa nhỏ xíu nó chạy tứ linh

Mần chi cực khổ bớ mình Lại đây gá nghĩa chung tình với em”.

[21, tr.212]

Cách thể hiện tình cảm của các chàng trai, cô gái quá tự nhiên đôi khi có phần nóng vội, sỗ sàng nhưng vẫn giữ được nét duyên, phù hợp với chuẩn mực đạo đức truyền thống bằng lối ngỏ ý khéo léo, tế nhị:

“Trong tay em có chiếc vòng Của cha mẹ sắm hay chồng em cho”.

[21, tr.276]

Một sự tình cờ không hẹn mà gặp đã tạo nên những mối tình chân thành, đằm thắm để khi xa nhau trong tâm hồn mỗi chàng trai, cô gái dường như cảm thấy vắng thiếu, nhớ nhung một hình bóng nào đó trong tim. Nhớ ngày nào được ở cạnh nhau cười nói vui vẻ, trao cho nhau những lời hạnh phúc, yêu thương giờ anh về xứ bỏ lại riêng em với bao nỗi nhớ nhung. Nhìn những bông sậy ngoài xa hòa cùng tiếng gió mà lòng em cảm thấy cô đơn, quặn đau từng nỗi nhớ:

“Anh về Giồng Dứa qua truông Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em”.

Dường như trong sự xa cách, nhớ nhung ấy giúp họ hiểu và nhận ra “tình yêu là thứ đáng quý cần trân trọng và giữ lấy nó”. Vì thế, nó thường được cất giữ trong tủ sắt, tủ kính hay trong tim. Đằng này, chàng trai lại để tình cảm của mình dành cho cô gái trong “túi nhái”, một dụng cụ lao động được mai bằng vải hoặc lưới bên trên có một sợi dây kéo chặt khi bỏ nhái vào không cho nó nhảy ra. Một tình yêu thật giản dị, gắn liền với những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống lao động hằng ngày. Nhưng cái đáng quý là sự chân thành trong tình yêu, nó bền vững như sợi dây chiếc túi nhái, kết chặt tình cảm giữa hai người mà lúc nào chàng trai cũng mang theo bên mình để khi nhớ dỡ ra dòm:

“Anh thương em không biết để đâu Để trong túi nhái lâu lâu dỡ dòm”.

[16, tr.203]

Hơn thế, nỗi nhớ trong tình yêu không chỉ được thể hiện bằng những hình ảnh quen thuộc mà nó còn được lột tả một cách chi tiết đến tận cùng nỗi đau khổ trong tình yêu, làm người không yêu cũng phải buồn lây. Nhớ, tương tư người yêu mà không dám nói để ngồi buồn rồi khóc một mình. Và dường như đó không còn là nỗi nhớ mà nó đã hóa “nỗi sầu”, để rồi cứ độ “chiều chiều” nhớ em anh lại ra bờ ruộng nhìn cánh chim bay khuất dần trong khoảng vắng như tình yêu chỉ còn là vô vọng:

“Chiều chiều ra ruộng nhắn chim Gió Nam thổi xuống nhớ em khóc thầm”.

[21, tr.220]

Vượt qua bao nỗi nhớ và những trắc trở tình yêu các chàng trai, cô gái Đồng Tháp tìm được cho mình một tình yêu “chân thành, hợp tình, hợp ý”. Vì thế, họ bất chấp mọi khó khăn, thử thách, trên trăng, dưới nước cùng giao ước một lời:

“Trên trăng dưới nước anh giao ước một lời Dẫu cho biển cạn mấy đời anh phụ em”.

Với phẩm chất “trọng nghĩa khinh tài” cuộc sống tuy thiếu thốn, ở nhà tranh vách lá, tháng nước nổi bộ vạt sập cô gái vẫn chấp nhận đồng cam cộng khổ cùng người mình yêu:

“Phải căn duyên, tấm vách nát, bộ vạt sập Tháng nước ngập em cũng ngồi

Không phải căn duyên, nhà ngói đỏ, bộ phản hồi em cũng không ham”.

[21, tr.260]

Trong tình yêu có nhớ nhung đau khổ mới biết được giá trị của hạnh phúc và nắm giữ nó thật chặt trong vòng tay. Sau một ngày lao động vất vả, tối về được tựa đầu vào tay cô gái, chàng trai cảm thấy hạnh phúc trào dâng, dịu êm hơn gối lụa, gối gấm, một cảm nhận thật trái quy luật nhưng được chấp nhận trong tình yêu:

“Đêm nằm gối gấm không êm Gối lụa không mềm bằng gối tay em”.

[21, tr.288]

Tình yêu là một chặng đường dài với biết bao gian nan, thử thách. Hạnh phúc biết bao khi vượt qua bao trắc trở ấy các chàng trai, cô gái tìm lại được nhau, đến bên nhau và cầm tay nhau đi hết con đường hạnh phúc. Thế nhưng, hạnh phúc bao nhiêu thì niềm đau, nỗi buồn lại nhiều bấy nhiêu. Nội dung về tình yêu đôi lứa trong ca dao Đồng Tháp có số lượng câu phản ánh sự trắc trở, dang dở trong tình yêu nhiều hơn những bài ca dao hạnh phúc. Vượt qua bao khó khăn trong tình yêu họ tìm được nhau, yêu nhau trao cho nhau những lời thề nguyền nhưng tiếc thay tình yêu đó không đến được bến bờ hạnh phúc vì những lí do trớ trêu: ông mai bà mối, nguyên cớ gia đình quan niệm phong kiến “môn đăng hộ đối” nhưng thường do cuộc sống nghèo khổ hay chính bởi lòng người thay đổi nợ duyên:

“Bí lên ba lá, Để bí bò lan,

Trách hồng nhan vô duyên bạc phận, Duyên nợ ở gần sao chẳng đặng sánh đôi”.

[21, tr.208]

“Xấu tre uốn chẳng nên cần Xấu mai anh chẳng đặng gần với em”.

[21, tr.278]

Trai khôn cưới vợ - gái lớn lấy chồng là quan niệm mà ông bà ta thường nói. Chàng trai trong bài ca dao mơ ước có được mái ấm gia đình như bao người khác nhưng gia cảnh nghèo anh sợ không lo nổi cho “nhiều miệng ăn”, cuộc sống “lo nồi sáng chạy nồi chiều” đã đành nhưng cái làm anh lo hơn là nếu lỡ duyên nợ không thành sao tránh khỏi miệng đời kẻ trách người chê:

“- Ví dầu nhà dột cột xiêu Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn - Nhiều miệng ăn anh đây không sợ Sợ duyên nợ không tròn kẻ trách người chê”.

[21, tr.278]

Cuộc sống luôn thay đổi. Tình cảm con người cũng thế! Yêu đó rồi ghét đó, càng ngọt ngào hạnh phúc bao nhiêu thì niềm đau, nỗi oán trách lại càng nhiều bấy nhiêu. Vội nói lời yêu rồi vội chia tay chẳng chút nhớ nhung, luyến tiếc:

“Anh về dọn dẹp loan phòng Mười ba nhóm họ bữa rằm rước dâu”.

[21, tr.202]

“Trách ai hết giấy bỏ bìa

Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa”.

Nội dung thể hiện tình yêu đôi lứa trong ca dao Đồng Tháp còn là tiếng nói phê phán của nhân dân đối với những kẻ “bắt cá hai tay” thiếu thủy chung trong tình yêu. Lời lẽ đáng phê phán của cô gái trong bài ca dao được chàng trai đáp trả một cách “hợp tình hợp lí”:

“- Anh có tiền dư cho em mượn một đồng

Em về mua gan công, mật cóc thuốc chồng em theo anh. - Bạc của anh đồng bạc con cò xanh

Chồng bậu bậu còn thuốc huống gì anh bậu từ”.

[21, tr.204]

Bên cạnh đó, đề cao những phẩm chất tốt đẹp biết hi sinh hạnh phúc bản thân để người mình yêu được hạnh phúc. Gặp được nhau là cái duyên, cưới nhau là cái nợ. Nhưng dù giữa chàng trai và cô gái có duyên không nợ thì người con gái vẫn không oán trách và cầu chúc cho người mình yêu hạnh phúc bên duyên mới dù trong lòng thật sự rất đau khổ:

“Chiếc khăn trắng thiêu dòng chữ trắng Chúc anh hiền duyên thắm từ đây”.

[21, tr.220]

Không chỉ thế, ca dao Đồng Tháp còn đáng chú ý bởi những bài ca thể hiện nội dung mang sắc thái hài hước, dí dõm. Nhớ nhung, suy tư, buồn khổ là vậy song trong cuộc sống lẫn tình yêu các chàng trai, cô gái Đồng Tháp vẫn thể hiện cá tính năng động, hài hước của mình:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi anh dắt em luôn Em đi có té anh bơi xuồng vớt em”.

Với tính cách thẳn thắn, trọng tình nghĩa các chàng trai, cô gái Đồng Tháp đã thể hiện quan điểm tình yêu của mình thông qua các chặng đường tình duyên bằng những từ ngữ giản dị, tự nhiên không bóng bẩy, văn hoa nhưng chân thành. Tình yêu ấy luôn gần gắn liền với những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống lao động nông thôn. Qua đó càng khẳng định sự gắn bó của người dân Đồng Tháp với môi trường thiên nhiên và cũng là môi trường lao động, sinh sống của họ. Chính những từ ngữ và hình ảnh đó là chất xúc tác tạo cảm hứng cho các chàng trai cô gái Đồng Tháp sáng tác nên những bài ca dao trữ tình đằm thắm, thiết tha.

Một phần của tài liệu LUẬN văn đại học nhận định, đánh giá ca dao đồng tháp (Trang 25 - 32)