Chương 3: NGHỆ THUẬT CA DAO ĐỒNG THÁP
3.1.1.2. Lục bát biến thể
Do nhu cầu bộc lộ cảm xúc, người dân Đồng Tháp đã tạo nên những câu ca dao lục bát biến thể độc đáo. Thể lục bát biến thể không tuân theo quy luật trên sáu, dưới tám mà có sự co giãn nhất định về số lượng âm tiết giữa hai dòng thơ. Tác giả Nguyễn Xuân Kính dựa vào sự phân loại của Mai Ngọc Chừ chia lục bát biến thể ra thành ba loại [9, tr.226] và ca dao Đồng Tháp cũng thuộc hình thức biến thể trên: Thứ nhất: Dòng lục thay đổi, dòng bát giữ nguyên:
“Chiều chiều cắt cổ con gà vàng
Để chi nó gáy hai hàng lụy rơi”. (7/8 )
[21, tr.221]
“Con quạ đen lông kêu bằng con ô thước
Em có chồng rồi vô phước anh thương”. (9/8) [21, tr.216]
Thứ hai: Dòng lục giữ nguyên, dòng bát thay đổi:
“Vân tiên đui mù bóng quáng
Trách vì Võ Công mắt sáng đành bụng bỏ hang Thương Tòng”. (6/12)
Thứ ba: Cả hai dòng đều thay đổi:
“Muốn về Mỹ Hội mà nội không cho
Bắt vào Đồng Tháp ăn bông súng với củ co thấu trời”. (8/12)
[21, tr.195]
Trong các loại biến thể lục bát của ca dao Đồng Tháp thì biến thể thứ ba chiếm số lượng nhiều hơn hai loại còn lại. Bênh cạnh đó, đáng chú ý là những câu ca dao “dài quá khổ” có tác dụng thể hiện rõ hơn nội dung thông báo cũng như cách nhìn nhận đánh giá về một vấn đề mà người dân cần thể hiện. Đó có thể là lời than trách của chàng trai về một sự tình:
“Anh mua bán nuôi ai, anh gẫy cây chèo dài quằn quại
Anh mua bán nuôi cha mẹ già, anh đâu ngại nắng mưa”. (12/12)
[21, tr.281]
Với số lượng câu chữ “không giới hạn” ở cả hai dòng lục bát biến thể, câu ca dao đã thể hiện hết cảm xúc của nhân vật trữ tình, đặc biệt trong việc thể hiện lòng quyết tâm, quan điểm đánh giá của các chàng trai, cô gái trong tình yêu:
“Phải căn duyên cây đế mọc ngoài Huế, anh cũng bứng về trồng
Không phải căn duyên thì cúc mọc ngoài vườn hồng anh cũng dửng dưng”. (11/13)
[21, tr.260]
Ngoài chức năng biểu hiện tình cảm cũng như quan điểm đánh giá, sự quyết tâm trong tình yêu, lục bát biến thể còn tạo nên tiếng cười châm biếm, phê phán ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống mà nhân dân muốn phản ánh thông qua ca dao:
“Bậu để chế cho ai tóc mai rành rạnh
Để chế cho cha mẹ chồng hiếu hạnh bậu đâu”. (9/10)
[21, tr.282]
Qua các ví dụ trên ta thấy, lục bát biến thể trong ca dao Đồng Tháp chủ yếu biến thể theo xu hướng tăng số tiếng ở cả hai dòng. Theo đó số tiếng trong các dòng thường kéo dài từ 7 đến 13 tiếng. Nhung so với ca dao Nam Bộ thì ca dao Đồng Tháp có số tiếng tăng mạnh hơn. Nếu số tiếng tăng mạnh nhất của ca dao Nam Bộ
chỉ đến 15, 16 tiếng ở dòng lục hoặc dòng bát thì ca dao Đồng Tháp trường hợp cả hai dòng tăng trên 17 tiếng, tạo nên những câu ca dao dài quá khổ đến mức có thể trở thành “một câu truyện ngắn” nếu thêm vào chút ít chi tiết nữa. Qua đó thể hiện rõ phong cách nói chuyện của người dân: thích dài dòng triết lí, nói có đầu có đuôi câu chuyện:
“Trển xuống đây cách năm bảy đám ruộng đồng
Muốn ghé thăm anh một chút sợ cô bác nói gái tầm chồng em hổ ngươi”. (9/16)
(Ca dao Nam Bộ)
[1, tr.241]
“Mặt trời mọc kẻ nói xanh người nói đỏ, rồi sau em mới rõ mặt trời vàng Em muốn vô gá duyên chồng vợ, em sợ ngày nào anh mê cờ bạc điếm đàng anh bỏ
em”. (17/20) (Ca dao Đồng Tháp)
[21, tr.248]