Từ chỉ địa danh

Một phần của tài liệu LUẬN văn đại học nhận định, đánh giá ca dao đồng tháp (Trang 87 - 89)

- Song thất biến thể một trong hai dòng:

3.3.2. Từ chỉ địa danh

Nếu trong các truyện ngắn từ chỉ địa danh trong tác phẩm thường do nhà văn “bịa ra”, thì trong ca dao Đồng Tháp nó là những địa danh có thật dựa trên đặc điểm vùng đất và tên gọi sẵn có. Những địa danh ấy không tồn tại độc lập mà gắn liền với những cung bậc cảm xúc (tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình…) trong cuộc sống lao động hằng ngày của người dân.

Từ chỉ địa danh trong ca dao Đồng Tháp xuất hiện nhiều nhất ở chủ đề tình yêu quê hương đất nước. Những địa danh này chủ yếu là các huyện, thị xã thuộc phạm vi tỉnh Đồng Tháp như: Tháp Mười, Cao Lãnh, Đồng Tháp, Hòa An, Hòa Tân, Nha Mân, Sa Đéc… Trong đó, Tháp Mười là địa danh được nhắc đến nhiều nhất (30 lần), những địa danh ấy thường gắn liền với đặc điểm vùng đất, khí hậu, đặc sản, vẻ đẹp quê hương Đồng Tháp: “Đất Tháp Mười tràm thơm ngào ngạt / Lúa Tháp mười trĩu

nặng oằn bông, Tháp Mười nước mặn đồng chua, Thuốc rê Cao Lãnh thơm nồng, Bắp nào to bằng bắp Hồng Ngự / cá nào bự bằng cá Cờ Đen, Hòa An có cảnh mơ màng” và hình ảnh con người Đồng Tháp “chan hòa, hiền hậu, yêu thương”:

“Tháp Mười Đồng ruộng bao la Người dân hiền hậu chan hòa tình thương”.

[21, tr.198]

Bên cạnh những địa danh quên thuộc như Tháp Mười, Cao Lãnh… thì ca dao Đồng Tháp còn nhắc đến địa danh Nha Mân, một cái tên gắn liền với “huyền thoại về những cô gái đẹp Nha Mân” mà người dân nơi đây vẫn thường hay lấy làm tự hào khi nhắc về con gái vùng này:

“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”.

[21, tr.193]

Từ chỉ địa danh trong ca dao Đồng Tháp không chỉ gọi tên những vùng đất giàu có, trù phú mà nó còn thể hiện lòng quyết tâm, niềm tự hào về những chiến công oanh liệt của người dân Đồng Tháp trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược:

“Bao giờ hết cỏ Tháp Mười Thì dân Nam mới hết người đánh Tây”.

Bên cạnh đó, những địa danh thuộc vùng đất Nam Bộ như: Cần thơ, Cái Răng, Sóc Trăng, Châu Đốc… và những địa danh cách xa vùng đất Tây Nam Bộ: Huế, Đồng Nai, Gia Định, Nam Vang… hay những địa danh thuộc Trung Quốc cũng được ca dao Đồng Tháp đề cập đến:

“Đồng Nai Châu Đốc Định Tường Lòng anh sở mộ gái vườn mà thôi”.

[21, tr.257]

Những địa danh “Hớn Hồ, Giồng Dứa…” trong ca dao Đồng Tháp không chỉ mang tính chất địa lý mà nó còn thể hiện tâm trạng nhớ thương, xa cách trong tình yêu của các chàng trai cô gái Đồng Tháp:

“Anh về Giồng Dứa qua truông Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em”.

[21, tr.202]

“Vai em mang túi đạn Tay em quảy cơm khô Từ ngày anh đi trấn đế đô Bắc Nam đôi ngã, Hớn Hồ xa nhau”.

[21, tr.300]

Như vậy, từ chỉ địa danh trong ca dao Đồng Tháp đã phản ánh đặc điểm về vùng đất và con người nơi đây. Ngôn ngữ ca dao thể hiện từ chỉ địa danh bên cạnh những địa danh thuộc Đồng Tháp còn đề cập đến những địa danh cách xa Đồng Tháp. Tuy nhiên, xét về tần số xuất hiện thì “từ chỉ địa danh” trong ca dao Đồng Tháp chủ yếu nhắc đến những địa danh thuộc vùng đất Đồng Tháp với những tên gọi và đặc điểm riêng mà ca dao Nam Bộ và ca dao Việt Nam không đề cập đến. Những địa danh đó đi vào ca dao đã tạo nên nét độc đáo, riêng biệt giúp ta nhận diện ca dao Đồng Tháp với ca dao các vùng khác.

Một phần của tài liệu LUẬN văn đại học nhận định, đánh giá ca dao đồng tháp (Trang 87 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w