1. Kết luận
1.1. Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang có những biến đổi mạnh mẽ, khi mọi mặt của đời sống xã hội đang trong quá trình quốc tế hoá sâu sắc, khi trên đất nước ta đang có những biến đổi toàn diện thì vị trí của việc định hướng nghề nghiệp thông qua dạy học môn Giáo dục công dân càng trở nên quan trọng. Thực tế cho thấy, định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh có mối quan hệ mật thiết với nhau, đó là hai mặt của một quá trình thống nhất có cùng tác động lên một đối tượng học sinh nhằm mục đích chung là làm cho cơ cấu đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong công nghiệp hóa. Ở đây định hướng nghề nghiệp mà khâu chủ yếu là tư vấn nghề có vai trò điều chỉnh, uốn nắn động cơ chọn nghề của học sinh đáp ứng với nhu cầu nhân lực của các thành phần kinh tế, phù hợp với
các hướng phân luồng đã được nhà nước định ra ở từng giai đoạn phát triển kinh tế. Định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh chính là cầu nối giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Nói cách khác, định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh là cầu nối giữa người học với thị trường đào tạo và thị trường lao động. Nếu làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh ta sẽ có cơ cấu đào tạo cân đối, dẫn tới cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý đủ các trình độ, nền kinh tế sẽ phát triển nhanh.
1.2. Qua nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT thông qua dạy học ngoại khoá môn Giáo dục công dân lớp 12; từ kết quả thực nghiệm sư phạm về định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua dạy học ngoại khoá môn Giáo dục công dân lớp 12 ở Trường THPT Lê Hồng Phong, chúng tôi đã đưa ra quy trình và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua dạy học ngoại khoá môn Giáo dục công dân lớp 12 ở Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là hoạt động có hướng đích, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của đông đảo học sinh THPT, hợp với quy luật của xã hội về phân luồng học sinh, tạo nguồn nhân lực cho xã hội, giải quyết hợp lý lực lượng lao động sẵn có. Đòi hỏi phải có sự định hướng, thống nhất, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể của đội ngũ cán bộ giáo viên trực tiếp làm công tác này. Để việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn thực hiện tốt yêu cầu của ngành, của thị xã.
Quy trình thực hiện thiết kế bài giảng giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT thông qua dạy học ngoại khóa môn Giáo dục công dân lớp 12 bao gồm: Quy trình thiết kế, quy trình thực hiện bài giảng trên lớp
và quy trình kiểm tra đánh giá. Để dạy giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT thông qua dạy học ngoại khóa môn Giáo dục công dân lớp 12 đạt được hiệu quả cao, chúng ta cần tuân theo một quy trình chặt chẽ, từ thiết kế bài dạy, thực hiện đúng tiến trình dạy học trên lớp cho đến việc tổ chức hoạt động dạy - học trên lớp, kết hợp với sử dụng các phương tiện, thiết bị vào quá trình dạy học và tiến hành kiểm tra, đánh giá học sinh. Các khâu này có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau.
Các nhóm giải pháp chúng tôi đưa ra phải được vận dụng một cách đồng bộ, có sự phối hợp của những nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các lực lượng xã hội khác trong nhà trường thì sẽ nâng cao hiệu quả việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trường THPT thông qua dạy học ngoại khóa môn Giáo dục công dân lớp 12 ở Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng năng lực và nghiệp vụ sư phạm về kiến thức, kỹ năng về định hướng nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên. Không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới nhiều địa bàn, thành phần dân cư, vùng miền nhằm giúp thanh niên, học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và cần thiết của giáo dục định hướng nghề nghiệp nói chung đặc biệt là định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 sau khi tốt nghiệp THPT.
2. Kiến nghị
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cần sớm có quy định về chương trình định hướng nghề nghiệp cho các học sinh các cấp học trong đó có cấp trung học phổ thông. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các trường chủ động lựa chọn hình thức tổ chức giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh phù hợp với thực tiễn của nhà trường; Bộ Giáo dục và Đào tạo nên biên soạn một giáo trình cụ thể về dạy kỹ năng sống để giáo viên có tài liệu giảng dạy chính thức.
- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa: Chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên trên các mặt; Không ngừng bồi dưỡng về phẩm
chất chính trị, đạo đức, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên; Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, kiến thức về kỹ năng định hướng nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên một cách thường xuyên, nhất là nâng cao khả năng tự học tự bồi dưỡng của giáo viên; Nâng cao khả năng khái lược, tổng thuật, thiết kế sơ đồ, biểu bảng nội dung bài giảng, khả năng hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, phối hợp trình bày; khả năng xử lý các tình huống sư phạm khi học sinh trình bày trên lớp; Nâng cao kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học theo nhóm, tổ chức quản lý hoạt động nhóm một cách có hiệu quả; đánh giá, thẩm định, nghiệm thu sản phẩm của nhóm và từng cá nhân làm cơ sở đánh giá kết quả học tập môn học theo hướng thực chất hơn. Làm tốt vai trò tư vấn, hướng dẫn, trọng tài trong quá trình học tập đối với học sinh; Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ, về phương pháp giảng dạy hoạt động định hướng nghề nghiệp trong môn học.
- Thị xã Bỉm Sơn: Nên quan tâm, tạo điều kiện cơ sở vật chất, khuôn viên, đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia để trường có điều kiện tổ chức các hoạt động dã ngoại, thăm quan, học tập theo mục tiêu giáo dục và giáo dục kỹ năng tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
- Trường THPT Lê Hồng Phong: Cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa về vấn đề dạy và học hoạt động định hướng nghề nghiệp của học sinh, kết hợp với giáo viên mời các chuyên gia tâm lý tư vấn có những buổi tọa đàm, nói chuyện về hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
- Đối với phụ huynh và hội cha mẹ học sinh: Cần quan tâm, động viên tạo điều kiện, định hướng, uốn nắn kịp thời để con em mình phát huy được khả năng học tập, thiên hướng phát triển nghề nghiệp đúng với khả năng, nguyện vọng, sở trường của mình. Đồng thời, tránh can thiệp thái quá, bắt ép con em mình một cách chủ qua, tiêu cực vào quá trình học tập, cũng như định hướng nghề nghiệp đối với các em.