Mặc dù hình thành muộn, nhưng Hưng Hà là huyện có mật độ dân số cao, hiện nay toàn huyện có 35 xã và thị trấn, trong đó có hai thị trấn là thị trấn Hưng Hà (huyện lỵ-trung tâm kinh tế, chính trị xã hội của toàn huyện), và thị trấn Hưng Nhân- là trung tâm kinh tế xã hội vùng Đông Bắc của huyện; có 7 thị tứ được quy hoạch, đó là những trung tâm kinh tế-xã hội của từng vùng. Theo kết quả điều tra dân số 2009, dân số toàn huyện là 253.996 người, mật độ dân số 1.268 người/km² chiếm 14,1% dân số của toàn tỉnh. Dân số thành thị là 22.500 người, chiếm 8,85%, dân số nông thôn là 231.496 người, chiếm 91,15%. Với sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, vấn đề dân số, lao động, việc làm ở Hưng Hà trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.
Dân số đông nên lực lượng lao động của Hưng Hà rất dồi dào, lao động trong độ tuổi là 152.000 người, chiếm xấp xỉ 58% dân số của toàn huyện. Trong đó số dân làm nông nghiệp kiêm thủ công nghiệp 132.000 người, chiếm 86,8% dân số trong độ tuổi lao động [40; 11].
Dân số đông, mật độ dân số cao là một khó khăn lớn của một vùng đất thuần túy là đồng bằng như Hưng Hà. Thế nhưng, đó cũng là một lợi thế về thị trường đối với các ngành sản xuất TTCN, phục vụ tiêu dùng. Nhu cầu phục vụ tại chỗ luôn luôn cao, góp phần kích thích TTCN phát triển. Đồng thời đó cũng chính là tiềm năng về nhân lực cho sự phát triển các ngành sản xuất nói chung, trong đó có TTCN. Trong điều kiện đất canh tác chật hẹp, lao động nông nghiệp dư thừa nhiều, đòi hỏi phải được giải quyết bằng nhiều cách thì không loại trừ việc phát triển các ngành nghề thủ công.
Giáo dục Hưng Hà có sự phát triển vượt bậc cả về cơ sở vật chất và trình độ giáo viên, chất lượng dạy và học. Ngay từ những năm đầu hợp nhất, Hưng Hà đã chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Hệ thống các trường học đã và đang được cao tầng hóa. Các trang thiết bị giáo dục hiện đại được đưa vào sử dụng giúp học sinh tiếp thu bài giảng được tốt hơn. Hưng Hà là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình hoàn thành phổ cập giáo dục THCS (2001). Toàn huyện đến năm 2012 có 112 trường học ở 3 bậc học. Trong đó, Mầm non là 36 trường; 36 trường Tiểu học; 34 trường THCS; 5 trường THPT; 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ thu hút học sinh vào bậc THPT ngày càng tăng lên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở mức cao hơn 95%.
Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh trong những năm đổi mới, trên địa bàn toàn huyện đã hoàn thành chương trình điện khí hóa nông thôn. Hệ thống giao thông nông thôn, thông tin liên lạc, chợ, các công trình phúc lợi như: trạm y tế, nhà văn hóa, trường học ,… được xây dựng ngày càng kiên cố. Năm 2012, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, huyện Hưng Hà được đánh giá là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, số hộ nghèo và số khẩu nghèo giảm nhanh nhất tỉnh. Đến năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,82% (thấp nhất tỉnh Thái Bình), không còn hộ đói. Bệnh viện đa khoa huyện và hệ thống trạm y tế
xã được xây dựng, nâng cấp, mở rộng mạng lưới chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội từ 1986-2012, đời sống của cư dân trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng được cải thiện và từng bước được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Sản xuất lương thực phát triển đi đôi với thực hiện tốt chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình đã đưa sản lượng lương thực bình quân trên đầu người tăng nhanh . Năm 2012, sản lượng lương thực bình quân trên đầu người ở Hưng Hà là 650kg/người/năm (trong đó, tỉnh Thái Bình sản lượng lương thực bình quân trên đầu người là 639kg).
Với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội như trên đã tạo cho TTCN Hưng Hà có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển như: sự giao lưu kinh tế, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, nguồn nhân lực dồi dào,…