48 Làng Kiều Thạch Hưng Nhân Dệt chiếu 103 90 87,
3.2.1. Vấn đề môi trường
Cùng với những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất TTCN Hưng Hà cũng còn một số tồn tại mang lại những tác động tiêu cực cho đời sống kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó đáng quan ngại nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hầu hết các cơ sở sản xuất TTCN ở Hưng Hà là các xí nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất của các hộ gia đình, cá thể. Chính vì vậy, việc đầu tư chi phí, khoa học kỹ thuật cho việc xử lí chất thải do sản xuất là rất hạn chế. Các chất thải trong sản xuất thải trực tiếp ra môi trường xung quanh đã làm cho các làng nghề, CCN bị ô nhiễm nặng nề. Vấn đề ô nhiễm môi trường trong các làng nghề đang là vấn đề gây bức xúc trong người dân, đặc biệt là đối với những người dân không có nghề, nhưng họ vẫn phải sống chung trong môi trường ô nhiễm của các làng nghề.
Tại hai làng nghề dệt nhuộm Phương La và Tiền Phong, bên cạnh những tòa nhà cao tầng, biệt thự, thì khắp các ao hồ, mương máng, sông ngòi chạy qua làng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước trong các ao hồ, sông ngòi, mương máng gần khu vực các làng dệt đều có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Bình, hàng ngày ở khu vực CCN-làng nghề dệt nhuộm Phương La có hàng nghìn lít thuốc tẩy nhuộm khăn vải sau khi sử dụng không qua xử lý thải trực tiếp ra các cống, mương xung quanh làng. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các làng dệt ở Hưng Hà mà điển hình
là làng nghề dệt-nhuộm Phương La. Ở Phương La sự ô nhiễm môi trường đã lên đến mức báo động, không chỉ ô nhiễm nguồn nước mặt, ngay cả nguồn nước ngầm trong làng cũng bị ảnh hưởng, nguồn nước giếng khoan trong làng bị nhiễm chất độc asen nặng, ngay cả khi được lọc nước vẫn có màu vàng không thể sử dụng được.
Ở Hưng Hà việc sản xuất vật liệu xây dựng, chủ yếu là sản xuất gạch ngói rất phát triển, có mặt ở hầu khắp các xã trong huyện. Tập trung nhiều nhất là ở các xã như Tân Lễ, Hồng An, Kim Trung, Chí Hòa,… Trong suốt giai đoạn từ 1986-2009, ở Hưng Hà gạch ngói được sản xuất và nung trực tiếp trong các lò gạch thủ công. Điều đó đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề xung quanh khu vực có các lò gạch thủ công. Khói của các lò gạch này không chỉ ảnh hưởng tới con người, mà còn tới vật nuôi, cây trồng. Tất cả cây cối xung quanh các lò gạch này đều không sống được.
Không chỉ phải đối mặt với sự ô nhiễm nguồn nước và không khí, các làng nghề sản xuất TTCN ở Hưng Hà phải đối mặt với ô nhiễm tiếng ồn do các loại máy móc đem lại. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ sản xuất, nó còn ảnh hưởng tới những hộ dân xung quanh. Bên cạnh các chất thải lỏng, khí, tiếng ồn, chất thải rắn của các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gia dụng,… cũng mang lại sự ô nhiễm môi trường đất và mĩ quan môi trường các khu dân cư. Chính việc phát triển TTCN ở Hưng Hà chủ yếu là trong các hộ gia đình nên vấn đề quản lý môi trường chưa có biện pháp hữu hiệu dẫn sự ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Các cơ sở sản xuất chưa được quy hoạch tập trung, nhà kho, xưởng sản xuất chủ yếu vẫn nằm xen lẫn với khu dân cư, nên các chất thải thải ra môi trường đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân.
Hàng ngày có hàng trăm lượt ô tô vận chuyển hàng hóa chạy qua tuyến đường quốc lộ 39A đã làm cho tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, đặc
biệt là những đoạn chạy qua các CCN thị trấn Hưng Nhân, CCN Phúc Khánh. Qua thời gian những đoạn đường xuống cấp này đã tạo ra những vũng lầy nước vào những ngày mưa và tình trạng bụi mù vào những ngày nắng nóng, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với những hộ dân sống xung quanh khu vực tuyến đường quốc lộ chạy 39A chạy qua.
Rõ ràng, đồng thời với sự phát triển của TTCN, thì môi trường cũng là vấn đề cần được quan tâm không chỉ các cấp ngành chức năng, mà ngay cả các đơn vị sản xuất. Việc quy hoạch các CCN và ĐCN gần khu dân cư như CCN Hưng Nhân, CCN Phương La,… trước mắt sẽ tận dụng được hệ thống cơ sở hạ tầng, nhưng về lâu dài sẽ bộc lộ những hạn chế về môi trường. Đây là vấn đề ảnh hường trực tiếp và lâu dài đến đời sống của nhân dân trong huyện, vì vậy cần các cấp chính quyền địa phương sớm vào cuộc nhằm giả quyết triệt để hơn. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.