48 Làng Kiều Thạch Hưng Nhân Dệt chiếu 103 90 87,
2.2. Hình thức tổ chức sản xuất
Ngay sau khi Đại hội VI diễn ra, sản xuất TTCN cả nước nói chung và Hưng Hà nói riêng đã có những chuyển biến nhất định. Nhưng chuyển biến mạnh mẽ về hình thức tổ chức sản xuất là từ khi có Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị (khóa VI) ngày 15-7-1988 về đổi mới cơ chế và chính sách đối với các cơ sở thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Theo đó, “Nhà nước đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật của các cơ sở sản xuất thuộc tất cả các thành phần kinh tế,.... Các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh được bình đẳng trước pháp luật, trong quan hệ với các đơn vị kinh tế quốc doanh, trong việc giao dịch mua sắm vật tư thiết bị và trong các hoạt động xuất nhập khẩu”[5].
Cho đến năm 1988, ở Hưng Hà vẫn bao gồm cả thành phần kinh tế quốc doanh, kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế tập thể.Thành phần kinh tế quốc doanh bao gồm các xí nghiệp sản xuất TTCN của Nhà nước dưới sự quản lý của tỉnh, huyện. Thành phần kinh tế ngoài quốc doanh là các xí nghiệp, cơ sở sản xuất của tư bản tư nhân, cá thể, tiểu chủ, hộ gia đình. Thành phần kinh tế tập thể là các hợp tác xã sản xuất TTCN chuyên và HTX nông nghiệp kiêm nhiệm.
Thời kì này, toàn huyện có 11 HTX TTCN chuyên, chủ yếu là sản xuất: gạch ngói, dệt chiếu, làm thảm, đồ mộc,… Trong đó, HTX Hợp Thành (chiếu cói), HTX Cơ Khí (nông cụ, cân treo), HTX Độc Lập (đồ mộc cao cấp, bừa hình chữ nhi), HTX Hồng Hà (thảm đay), HTX Dệt thảm Hưng Hà (thảm len), HTX Cộng Hòa (thảm đay), HTX Tiên Phong (hàng dệt), HTX Phương La (hàng dệt), HTX Việt Hưng (sứ dân dụng), HTX Kim Trung (gạch, ngói), HTX Nhâm Lang (vôi).
Đến đầu năm 1990, sau khi Nghị quyết XVI của Bộ Chính trị (1988) được triển khai thì các Liên hiệp xã thủ công nghiệp ở Hưng Hà bị giải thể, thay thế vào đó là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, và làm cho “cơ đồ” 30
tác xã chuyển sang các xí nghiệp tư nhân, cá thể, hộ gia đình. Trong đó ở Hưng Hà thời kì này kinh tế TTCN với các đơn vị sản xuất là các hộ gia đình, tiểu chủ, cá thể đóng vai trò chủ đạo. Năm 1988, hộ gia đình, tư nhân, tổ sản xuất tư nhân tăng 173%, số người sản xuất TTCN tăng từ19% lên 23 % so với năm 1986 [59;335].
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 (1991)của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về việc khuyến khích các thành phần kinh tế, các hình thức kinh tế, đã làm cho tốc độ phát triển của các ngành nghề tăng lên rõ rệt. Hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu bước đầu mang lại hiệu quả. Chủ trương chuyển sản xuất tiểu thủ công về hộ gia đình theo hướng đa dạng hóa các loại hình, các ngành nghề được thực hiện triệt để hơn, đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển.
Bên cạnh đơn vị sản xuất cá thể, hộ gia đình, đã hình thành nên xí nghiệp tư nhân đầu tiên năm 1988. Đó là xí nghiệp dệt của Nghệ nhân Trần Văn Sen tại xã Thái Phương. Đây là xí nghiệp tư doanh đầu tiên trong toàn huyện Hưng Hà nói riêng và là một trong hai xí nghiệp tư doanh đầu tiên của tỉnh Thái Bình nói chung trong công cuộc đổi mới kinh tế. Năm 1990, sau khi Hợp tác xã dệt Phương La bị giải thể, ông Trần Văn Sen đã mua lại toàn bộ cơ sở vật chất của Hợp tác xã để mở rộng quy mô của xí nghiệp. Năm 1992 ông Trần Văn Sen đã chuyển xí nghiệp lên Thị xã Thái Bình thành lập công ty TNHH mang tên Công ty dệt nhuộm xuất khẩu Hương Sen.
Ngoài ra, năm 1991 từ làng Phương La còn có hai tổ hợp sản xuất khác chuyển cơ sở lên thị xã Thái Bình thành lập xí nghiệp tư nhân và công ty TNHH. Đó là Xí nghiệp Dệt nhuộm xuất khẩu Hồng Quân của ông Đinh Hồng Quân và Công ty Dệt nhuộm Bình Minh của ông Lê Minh Hiệu. Ở tại làng Phương La còn lại một xí nghiệp tư doanh với quy mô nhỏ hơn của ông Vũ Quang Huy và khoảng 10 tổ hợp dệt khác. Bên cạnh các xí nghiệp, công
ty TNHH, tổ hợp dệt thì nghề dệt đa số được phát triển sản xuất theo quy mô là các hộ gia đình, cá thể, không chỉ ở Phương La mà ở hầu hết các địa phương khác của Hưng Hà. Mỗi gia đình có từ khoảng từ 3 đến 5 máy dệt tùy theo điều kiện sản xuất.
Đối với nghề dệt chiếu ở Tân Lễ, trước đây chủ yếu có hai bộ phận là Hợp tác xã dệt chiếu chuyên nghiệp Hợp Thành và Hợp tác xã nông nghiệp kiêm doanh thì sau 1990 ở Tân Lễ có sự chuyển hóa về hình thức hoạt động, trong đó nổi bật nên là vai trò của các hộ tiểu chủ, cá thể và hộ gia đình. Tính đến năm 1993 toàn xã Tân Lễ có 3.126 hộ với 12.830 nhân khẩu, thì có tới 2.700 hộ với 6.000 lao động làm nghề dệt chiếu với 3.000 lao động chính. Cũng như Tân Lễ, nghề dệt chiếu ở các xã khác của Hưng Hà trong thời kì này phát triển trong các hộ gia đình. Mỗi gia đình có từ 1-2 giường chiếu [54;144].
Cũng giống như nghề dệt chiếu ở Tân Lễ và nghề dệt vải ở Thái Phương các ngành nghề khác như: nghề mộc (làng Riệc, làng Vế ở xã Canh Tân, xã Tân Hòa,..), nghề sản xuất vật liệu xây dựng (Kinh Trung, Tân Tiến, Điệp Nông,...), sản xuất kim loại, gốm sứ,...(thị trấnHưng Hà, Điệp Nông,...) được tổ chức sản xuất trong các tổ hợp, xí nghiệp tư nhân, và các hộ gia đình. Trong đó chủ yếu là phát triển trong các hộ gia đình, cá thể và tiểu chủ, các đơn vị sản xuất tập trung như xí nghiệp, công ty còn rất hạn chế.
Với tính chất là nhỏ, gọn, linh hoạt các đơn vị sản xuất dưới hình thức là các hộ gia đình, cá thể, xí nghiệp nhỏ và vừa, công ty tư nhân,... đã làm cho TTCN Hưng Hà có bước phát triển mới làm thay đổi bộ mặt nghề và làng nghề ở Hưng Hà. Trước đây, trong suốt 30 năm 1960-1990 kinh tế TTCN Hưng Hà bị chi phối bởi kinh tế tập thể đã làm cho vai trò của các ngành nghề và các làng nghề tạm thời bị che lấp, đặc biệt là vai trò của các làng nghề thủ công truyền thống. Đến đầu những năm 90, đồng thời với sự tan rã của các hợp tác xã TTCN là sự phục hồi mạnh mẽ của các làng nghề truyền thống.
Bên cạnh việc khôi phục, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các ngành nghề truyền thống, một số ngành nghề mới được du nhập. Mô hình làng nghề, xã nghề đã được hình thành và đang được nhân rộng, đã hình thành nên các xã nghề Tân Lễ, Phú Sơn,... và vùng nghề dệt chiếu Hưng Nhân bắt đầu từ làng chiếu Hải Triều của xã Tân Lễ,vùng nghề dệt vải ở xã Thái Phương, trong đó trung tâm là làng dệt Phương La.
Các đơn vị sản xuất tư nhân trong các làng nghề, xã nghề phát triển mạnh, phần nhiều là các tổ hợp sản xuất và tiêu thụ (một dạng thức hộ tiểu chủ). Mỗi tổ hợp thường có từ 10 đến 40 lao động (thường là thợ làm thuê), và trong mỗi làng xã thường có khoảng vài chục tổ hợp. Cũng từ các hộ tư nhân đã dẫn đến hình thành các doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là dưới hình thức các xí nghiệp và các công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong đó nổi bật là xí nghiệp dệt nhuộm xuất khẩu Hương Sen của nghệ nhân Trần Văn Sen (được thành lập năm 1988).
Từ năm 1996 đến năm 2012, TTCN Hưng Hà phát triển chủ yếu trong các hộ gia đình, dù có xu hướng thu hẹp về số lượng hộ nghề, nhưng mở rộng về quy mô sản xuất của các hộ nghề. Trước đây, đa số các hộ gia đình thường làm các nghề thủ công trong lúc nông nhàn, nhưng từ sau khi Nhà nước có chính sách khuyến khích các cơ sở tư nhân, hộ cá thể sản xuất kinh doanh thì sản xuất TTCN được bung ra. Các cá thể, hộ gia đình không chỉ sản xuất TTCN bằng vốn và lao động tự có mà họ đã vay thêm vốn và thuê thêm nhân công mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ đó, đã xuất hiện các xí nghiệp, công ty, các hợp tác xã dịch vụ TTCN ở Hưng Hà.
Ngay từ năm 1991, ở Hưng Hà đã xuất hiện hai công ty dệt nhuộm, nhưng phải tới sau năm 2001 dưới tác động của Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Thái Bình, các công ty sản xuất các sản phẩm TTCN mới thực sự nở rộ. Năm 2003, trong toàn huyện Hưng Hà có khoảng gần 100 các doanh nghiệp, xí
nghiệp tư nhân, các công ty hoạt động trên tất cả các lĩnh vực thì riêng hoạt động sản xuất TTCN chiếm tới 30%, chủ yếu là các công ty tư nhân. Trong đó, nhiều nhất là các doanh nghiệp ngành dệt, tiêu biểu là các công ty, xí nghiệp: Xí nghiệp dệt Toàn Thắng thuộc cụm công nghiệp Đồng Tu-Phúc Khánh chuyên dệt các loại khăn xuất khẩu; Xí nghiệp dệt Nam Thành thuộc cụm công nghiệp Phương La xã Thái Phương; Cơ sở dệt may Đức Tân xã Bắc Sơn,....[40;26].
Với chủ trương mở rộng sản xuất TTCN trong các làng nghề, TTCN huyện Hưng Hà được phát triển sản xuất chủ yếu trong hộ gia đình trong các làng nghề. Năm 2004 có 18.386 cơ sở sản xuất TTCN, hầu hết là sản xuất theo hình thức hộ gia đình, tuy nhiên đã xuất hiện các công ty trong các làng nghề chiếm 1,4%. Chủ yếu là các công ty dệt tại làng nghề dệt Phương La, năm 2012 là 18.989 cơ sở. Trong đó, đã xuất hiện một số công ty sản xuất các mặt hàng thủ công như: chiếu nilon, thủ công mĩ nghệ, gốm sứ, vật liệu xây dựng,…
Hầu hết lao động sản xuất TTCN trong các hộ gia đình, xí nghiệp, công ty tư nhân là lao động tại chỗ ở địa phương. Số lượng lao động này không ngừng tăng lên theo các năm. Năm 2012 số lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất TTCN là 37.622 lao động, trong đó chủ yếu là lao động có độ tuổi từ 35-55 là 22.882 lao động, chiếm 60,8%,. Chỉ tính riêng số lượng lao động trong các làng nghề năm 2004 là 16.807 lao động; năm 2006 là 17.911 lao động; năm 2010 là 19.747 lao động chiếm 70,4% tổng số lao động trong các làng nghề; năm 2012 là 20.173 lao động chiếm 72,2% tổng số lao động trong các làng nghề, tăng 426 lao động so với năm 2010 [41;1,2: 44;2: 60;229].
Về quy mô lao động của các cơ sở sản xuất,có thể thấy ở Hưng Hà tồn tại phổ biến là các cơ sở sản xuất nhỏ, có từ 2 đến 5 lao động là 11.900 cơ sở, chiếm tới 62.6%.Tuy nhiên có không ít hộ gia đình phát triển hình thức tổ
chức sản xuất từ hộ gia đình thành các xí nghiệp, công ty, sử dụng các máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến, thuê thêm nhân công lao động. Điển hình là cơ sở sản xuất chiếu cói của ông Thái Văn Sanh (làng Vân Nam, thị trấn Hưng Nhân). Xuất phát từ một hộ gia đình có nghề dệt chiếu thủ công nhiều đời và chuyên cung cấp nguyên liệu cho nghề dệt chiếu cói, từ năm 2008, ông Sanh chuyển sang mua máy dệt chiếu, xây dựng nhà xưởng, thuê nhân công lao động dệt chiếu. Ban đầu chỉ với 2 máy với sản lượng tiêu thụ 20 tấn cói đến 30 tấn cói/năm. Đến năm 2012 đã có 8 máy dệt với sản lượng tiêu thụ trung bình 70 tấn cói/năm, giải quyết công ăn việc làm cho 40 lao động trực tiếp và 120 lao động vệ tinh.
Sản xuất TTCN ở Hưng Hà chủ yếu dưới hình thức hộ kiêm nghề, nghề chính của các hộ gia đình vẫn là sản xuất nông nghiệp, kiêm sản xuất TTCN. Đó là hình thức sản xuất TTCN phổ biến đối với hầu khắp các làng xã và đa số các ngành nghề thủ công ở Hưng Hà. Tuy nhiên ở một số làng nghề phát triển các hộ chuyên nghề, hộ cung cấp vật liệu, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân trong làng và các vùng phụ cận, chiếm 22,7% số cơ sở sản xuất TTCN ở Hưng Hà. Họ chỉ chuyên sản xuất TTCN, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm TTCN mà không sản xuất nông nghiệp. Sản xuất TTCN ở các làng này không còn được coi là nghề phụ làm trong lúc nông nhàn nữa, nó đã trở thành nguồn thu nhập chính của các hộ dân tại các làng nghề này. Tiêu biểu như các nghề dệt vải khăn ở Phương La, Tiền Phongcó 100% số hộ gia đình làm nghề dệt khăn và tiêu thụ sản phẩm mà không làm nông nghiệp. Một số năm gần đây, nhiều hộ kiêm nghề đã không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, họ thuê mướn người làm nông nghiệp và chỉ chuyên sản xuất TTCN; nghề dệt chiếu ở làng Hới, Kiều Thạch, Vân Đông, Vân Nam,…; làm đồ mộc ở làng Vế, làng Riệc,…
Như vậy, có thể thấy sự thay đổi nhanh chóng về hình thức tổ chức sản xuất trong sản xuất TTCN ở huyện Hưng Hà. Từ hình thức hợp tác xã thủ công và tổ hợp sản xuất tiêu thụ đã chuyển đổi nhanh chóng thành các công ty, xí nghiệp, hộ gia đình. Điều đó thể hiện sự phát triển theo hướng tích cực của TTCN Hưng Hà.