Vốn đầu tư, trang thiết bị và công nghệ sản xuất

Một phần của tài liệu Luận văn: TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP HUYỆN HƯNG HÀ (TỈNH THÁI BÌNH) TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 2012 (Trang 65 - 71)

48 Làng Kiều Thạch Hưng Nhân Dệt chiếu 103 90 87,

2.3. Vốn đầu tư, trang thiết bị và công nghệ sản xuất

Đồng thời với việc phát triển nghề, làng nghề và các đơn vị trong sản xuất TTCN, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phải áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên cơ sở Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI ngày 15-7-1988 về đổi mới cơ chế và chính sách đối với các cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra phương hướng cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của TTCN trong thời kì đổi mới. Bên cạnh một số phương hướng về cơ chế chính sách, nghị quyết còn nhấn mạnh tới việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn vào sản xuất “Thúc đẩy quá trình phân công lao động, chuyên môn hóa, hợp tác hóa, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện đúng phương châm “tiểu công nghiệp hiện đại-thủ công nghiệp tinh xảo”. Tăng nhanh sản lượng, chất lượng và thành quả kinh tế của các hoạt động công nghệ: [5].

Vận dụng đường lối chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng đề ra những chủ trương tích cực đối với TTCN của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại. Trong bản Định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Bình trong thời kì 1991-1995 và đến năm 2000 của Ủy ban Kế hoạch tỉnh Thái Bình đã khẳng định “đổi mới quy trình công nghệ, máy móc thiết bị, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm trong công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Góp phần nâng cao giá trị sản lượng và năng suất lao động” [64]. Nghị quyết 01 ngày 5-6-2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cũng nhấn mạnh “Đầu tư đổi mới công nghệ,

nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài”.

Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân Hưng Hà đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ,phát triển TTCN, mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng. Việc đầu tư vốn, đổi mới trang thiết bị máy móc trong sản xuất TTCN ở Hưng Hà bắt đầu từ nghề dệt. Từ năm 1988, sau khi Hợp tác xã dệt Phương La bị giải thể, ông Trần Văn Sen đã mua lại toàn bộ cơ sở vật chất của hợp tác xã và thành lập xí nghiệp dệt vải tư nhân, với số vốn ban đầu khoảng 300 triệu. Năm 1992, từ một xí nghiệp, ông Sen đã phát triển thành một công ty trách nhiệm hữu hạn mang tên Công ty dệt nhuộm xuất khẩu Hương Sen, với tổng số vốn đầu tư lên đến 2 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có Xí nghiệp dệt nhuộm xuất khẩu Hồng Quân của ông Đinh Hồng Quân thành lập năm 1993 với số vốn ban đầu khoảng 6 tỷ đồng với 500 công nhân xí nghiệp và 600 thợ dệt gia công; Công ty dệt nhuộm Bình Minh của ông Lê Minh Hiệu với 400 thợ dệt đứng máy và 500 thợ gia công, và một quy trình sản xuất khép kín, gồm nhiều máy rút sợi và nhiều thiết bị dệt nhuộm hiện đại [54;146,147].

Trước đây việc dệt vải ở Hưng Hà được thực hiện bởi các khung dệt cải tiến, năm 1989 toàn huyện có khoảng 800 khung dệt cải tiến, đến 1992 lên tới 1500 khung dệt cải tiến (trong đó riêng làng Phương La có tới 1300 khung). Năm 1993 ngoài số khung dệt cải tiến, ở Hưng Hà bắt đầu xuất hiện máy dệt vải. Năm 1994, chỉ tính riêng làng dệt Phương La, trong tổng số 900 hộ với hơn 4.000 dân thì có tới hơn 700 hộ với hơn 3.000 người làm nghề dệt với khoảng 1.000 khung dệt và 1.000 máy dệt. Bình quân mỗi gia đình có từ 1 đến 3 máy dệt. Hầu hết nghề dệt vải ở Hưng Hà phát triển trong các hộ gia đình nên số lượng đầu tư vốn không lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì đa số các ngành nghề TTCN khác của Hưng Hà vẫn chủ yếu sản xuất thủ công, máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Hưng Hà năm 2010 thì hệ thống máy móc, thiết bị của ngành dệt, tẩy nhuộm có tới 70% là lạc hậu, đã sử dụng trên 30 năm. Tình trạng công nghệ máy móc, thiết bị lạc hậu làm chi phí tiêu hao vật tư tăng gấp 1,5 lần so với mức tăng của thế giới, gấp 1,2 lần mức tăng trong nước. Năng suất lao động thấp làm cho giá thành sản phẩm tăng và hạn chế khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài. Phần lớn máy móc, thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp chỉ còn khoảng 30% so với giá trị ban đầu. Riêng ngành dệt có tới 60% máy móc thiết bị cần đầu tư nâng cấp và 45% cần thay thế. Lực lượng lao động TTCN Hưng Hà chủ yếu là lao động thủ công, bán thủ công, có tới hơn 85% lao động không có chuyên môn kỹ thuật, sản xuất dựa trên kinh nghiệm, truyền nghề là chính. Hưng Hà là một huyện nông nghiệp, chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa và cây hoa màu. Các nghề thủ công nghiệp được duy trì chủ yếu nhằm tận dụng nguồn lao động vào lúc nông nhàn, hoặc nếu có trở thành hoạt động sản xuất chính thì do điều kiện kinh tế cũng không được đầu tư lớn. Do vậy mà lao động trong sản xuất TTCN không được nâng cao tay nghề.

Từ sau năm 2001, với việc triển khai Nghị quyết 01 của Ban thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình về vấn đề đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong sản xuất TTCN, sản xuất TTCN ở Hưng Hà đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất TTCNở Hưng Hà được đẩy mạnh và thể hiện rõ nhất qua nghề dệt chiếu, sản xuất, chế biến lương thực-thực phẩm và thức ăn gia súc. Trước đây nghề dệt chiếu ở Hưng Hà sản xuất chủ yếu bằng thủ công là chính.Cho đến năm 2008 cả huyện còn tới 2669 giường dệt chiếu thủ công, nhưng đến năm 2011 chỉ còn 1145 giường dệt chiếu thủ công. Ở Thị trấn Hưng Nhân hiện còn 375 giường dệt

chiếu thủ công, giảm 1081 giường so với năm 2008, xã Tân Lễ còn 770 giường chiếu thủ công, giảm 1588 giường chiếu thủ công so với năm 2008. Những xã xa trung tâm dệt chiếu số lượng giường chiếu thủ công giảm tới 90% [63;3]. Nhưng thay vào đó là số lượng máy dệt chiếu lại tăng mạnh.Bắt đầu từ năm 2007, ở Hưng Hà có 03 máy dệt chiếu, năm 2011 tăng lên 89 máy dệt chiếu (trong đó nhiều nhất là ở Tân Lễ với 68 máy, thị trấn Hưng Nhân là 21 máy). Năm 2012, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm số máy dệt chiếu tăng lên là 213 máy (91 máy dệt chiếu cói, 122 máy dệt chiếu nilon, trong đó số máy dệt chiếu chủ yếu ở xã Tân Lễ là 191 máy, thị trấn Hưng Nhân là 22 máy. Trung bình mỗi một máy dệt có giá từ 100 đến 120 triệu đồng. Việc đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc trang thiết bị máy móc trong nghề dệt chiếu chỉ được thực hiện ở khâu dệt chiếu. Ngoài ra, các khâu còn lại như: chọn cói, xén chiếu, ghim đay, in hoa,… vẫn được người thợ làm thủ công.

Các nghề sản xuất, chế biến lương thực-thực phẩm ở Hưng Hà chủ yếu là sản xuất bún, bánh phở, bánh đa khô, xay xát thóc gạo hàng hóa, men thức ăn chăn nuôi. Trước đây việc chế biến lương thực chủ yếu bằng phương pháp thủ công, nhưng ngày nay đã được thay thế bằng máy móc. Năm 2004 cả huyện có 420 cơ sở xay xát, sản xuất bún bánh các loại thì chỉ có 22 cơ sở sử dụng máy móc vào sản xuất với số máy là 27 máy, đến năm 2012 số máy này tăng lên 547 máy, số cơ sở sản xuất sử dụng máy làm bún, bánh các loại chiếm 98,7% số cơ sở sản xuất. Chỉ tính riêng sản xuất bún bánh, năm 2009, có 24 máy sản xuất bánh đa liên hoàn ở làng Me, 16 máy sản xuất bún, bánh cuốn ở làng Canh Nông,… [41;1: 43;4: 44;1,2]

Việc sử dụng máy móc, đưa công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất chủ yếu trong sản xuất TTCN ở Hưng Hà đã giúp cho sản phẩm TTCN tăng nhanh về số lượng, chất lượng. Đồng thời góp một phần không nhỏ vào giải quyết sức lao động cho người dân, giúp họ có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bên cạnh việc phát triểnsản xuất trong các làng nghề, Hưng Hà cũng chú trọng đầu tư vào phát triển các cụm công nghiệp,TTCNtập trung. Đến năm 2012, huyện Hưng Hà đã quy hoạch vị trí để phát triển TTCNở 5 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích đất là 241ha. Trong đó đã quy hoạch được 3 cụm công nghiệp và 3 điểm công nghiệp. Cụm công nghiệp Đồng Tu-Phúc Khánh; Cụm công nghiệp Phương La xã Thái Phương; Cụm công nghiệp thị trấn Hưng Nhân; Điểm công nghiệp xã Minh Tân; Điểm công nghiệp xã Đông Đô; Điểm công nghiệp xã Điệp Nông. Việc đầu tư quy hoạch cụm, điểm công nghiệp đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có điều kiện về mặt bằng để mở rộng phát triển sản xuất. Tính đến năm 2007 trên địa bàn huyện đã có 81 dự án sản xuất TTCN với số vốn đầu tư sản xuất kinh doanh theo đăng kí lên tới 283,5 tỷ đồng. Trong đó, 10 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp Đồng Tu - Phúc Khánh; 20 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp làng nghề Phương La; 2 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp thị trấn Hưng Nhân; 49 dự án đầu tư rải rác vào các điểm công nghiệp của các xã, thị trấn trong huyện.

Bảng số 2.4: Số dự án đầu tư vào phát triển tiểu thủ công nghiệp huyện Hưng Hà qua các năm 2001-2007

Năm Số dự án Vốn đầu tư (tỷ đồng)

2001 25 30,7 2002 10 16,37 2003 11 65,8 2004 34 34 2005 14 44,3 2006 9 72 2007 5 20

Nguồn: [ Nguyễn Bá Phong, Xây dựng và phát triển CN-TTCN, nghề và làng nghề ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; 25]

Nhìn vào bảng thống kê ta thấy, số dự án và số vốn đầu tư vào phát triển TTCN ở Hưng Hà giai đoạn 2001-2007 là không đồng đều. Trong đó, năm

thấp nhất là 2007 (5 dự án). Năm có số vốn đầu tư cao nhất là năm 2003 (65,8 tỷ đồng), với số vốn đầu tư trung bình cho 1 dự án năm này cũng cao nhất (5,9 tỷ đồng/dự án). Trong đó, trung bình số vốn đầu tư vào các dự án giai đoạn 2001-2007 là 2.6 tỷ/dự án.

Như vậy, ta có thể thấy mặc dù số dự án đầu tư phát triển TTCN ở Hưng Hà không lớn, nhưng lại có số vốn đầu tư khá. Trong đó có 39 dự án đầu tư vào nghề dệt, may; 7 dự án đầu tư vào sản xuất gỗ; 3 dự án đầu tư vào chế biến, lương thực, thực phẩm; 5 dự án sản xuất vật liệu xây dựng; 5 dự án dệt chiếu cói; 3 dự án sản xuất mây tre đan; 18 dự án đầu tư vào các ngành sản xuất khác [40;25]

Từ năm 2008, thực hiện Nghị định số 3/NĐ-CP ngày 20/4/2008 của Chính phủ quy định thêm các chức vụ, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,UBND tỉnh Thái bình đã có quyết định 2016/QĐ-UBND ngày 30/5/2008 thành lập Phòng Công thương tỉnh, huyện và Ban Khuyến công xã, thôn. Bên cạnh số vốn đầu tư của các doanh nghiệp, còn có số vốn khuyến công hỗ trợ đầu tư vào các dự án 2008 là 190 triệu đồng cho 6 dự án; 2009 là 150 triệu đồng cho 4 dự án.

Như vậy, trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Thái Bình nói chung và Hưng Hà nói riêng ngành TTCN ngày càng được đầu tư về vốn, đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất. Từ một nền sản xuất chủ yếu là thủ công, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, máy móc trang thiết bị hiện đại đã được đưa vào sản xuất góp phần giải phóng một phần sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người lao động.

Một phần của tài liệu Luận văn: TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP HUYỆN HƯNG HÀ (TỈNH THÁI BÌNH) TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 2012 (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(133 trang)
w