Hàng vạn năm về trước, đồng bằng sông Hồng là một vùng đất màu mỡ, với địa hình và khí hậu thuận lợi. Từ cổ xưa đến nay nền văn hóa của cư dân Đồng bằng sông Hồng vẫn được xác định là nền văn hóa lúa nước. Với mảnh đất Thái Bình nói chung và huyện Hưng Hà nói riêng hơn 90% dân số làm nông nghiệp và sống ở nông thôn (2009). Văn hóa nông nghiệp được xác định là đến sớm, ở lâu và đi muộn. Bằng chứng là hiện nay ở Hưng Hà vẫn còn lưu giữ được nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống với nghi thức lễ hội nông nghiệp hết sức độc đáo. Ví dụ như tục đi lấy nước ngoài sông Hồng, Sông Luộc vào dịp đầu năm, lễ hội ở đền thờ Phú Hà- xã Tân Lễ, đền thờ Tiên La,… với ý nghĩa mong mưa thuận gió hòa.Tính chất nông nghiệp được thể hiện rõ trong các ngành nghề thủ công nghiệp, đó là nền thủ công nghiệp tự cấp tự túc, phục vụ nông nghiệp và cư dân nông nghiệp là chủ yếu.
Ở Hưng Hà có hàng chục lễ hội mỗi năm, bên cạnh các lễ hội với các nghi thức nông nghiệp, còn có các lễ hội liên quan đến TTCN với ý nghĩa lưu truyền và phát triển nghề thủ công truyền thống. Đó là các lễ hội trong các làng nghề truyền thống, lễ giỗ tổ nghề. Lễ hội đầu xuân làng Hới được tổ chức vào ngày 6 tháng 1 (âm lịch) hàng năm. Đây là một lễ hội hết sức độc đáo nhằm tưởng nhớ tới vị tổ nghề chiếu Hới là Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Ông được mệnh danh là ông tổ nghề chiếu ở Hưng Hà và được lập đền thờ ngay tại làng Hới. Ngày nay, trong các dịp tổ chức lễ hội ở Hưng Hà vẫn còn các cuộc thi dệt chiếu, chọn cói, đánh đay. Hay lễ hội đền Trần tại làng Phương La (làng Mẹo) hàng năm với ý nghĩa tưởng nhớ vị tổ nghề dệt làng Phương La là Đức Hoằng Nghị đại vương, người có công lập làng, dạy dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Bên cạnh phần lễ diễn ra trang trọng, hoành tráng, phần hội với các cuộc thi kéo sợi, may khăn,… đã thể hiện được sự tài hoa, khéo léo của người dân làng Mẹo.
Là một huyện nằm trong khu vực đồng bằng hình thành muộn nên Hưng Hà không có cư dân bản địa. Cộng đồng người sinh sống trong bộ phận lãnh thổ này là kết quả sự tụ cư của nhiều nguồn di cư khác nhau từ các làng Việt cổ ở các vùng thuộc khu vực miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ đến như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương …, trong suốt quá trình khẩn hoang và phát triển của vùng đất Hưng Hà. [61; 41-42].
Sự hội tụ của các luồng cư dân đã làm cho đời sống văn hóa của các thế hệ cư dân Hưng Hà không chỉ phong phú mà còn cởi mở, thông thoáng hơn nhiều ở các lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán. Tính dân chủ trong cộng đồng làng xã được thể hiện rõ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành của TTCN Hưng Hà. Sự du nhập nhanh chóng và mạnh mẽ của các ngành nghề mới tạo nên sự đa dạng của TTCN. Cùng với truyền thống
cần cù, sáng tạo của cư dân nơi đây, những ngành nghề mới du nhập vào được nhân dân Hưng Hà cải tạo và phát triển, làm cho các sản phẩm thủ công mang đặc trưng của vùng đất giàu truyền thống.