TTCN Hưng Hà giai đoạn 1986-2012 cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung, có bước chuyển biến về ngành nghề từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986).
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương tỉnh Thái Bình cũng đã đề ra những chính sách cụ thể nhằm phát triển hơn nữa nghề và làng nghề TTCN. Điển hình là Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Thái Bình ban hành ngày 05-6-2001 về phát triển nghề và làng nghề, đã có tác động trực tiếp đến sự phát triển ngành nghề TTCN ở Thái Bình nói chung và huyện Hưng Hà nói riêng.
Tại thời điểm năm 1986, toàn huyện Hưng Hà có khoảng hơn 40 nghề thủ công đang hoạt động. Đó là các nghề như: nghề dệt vải, dệt khăn, dệt chiếu, đan lưới, đan mành, đan mây, làm bún, bánh đa, đồ gỗ, làm hương, nấu rượu, làm đường, mật mía, vê đay, làm chổi, sản xuất gạch-ngói, gốm sứ thủy tinh, làm bánh chưng, bánh tẻ, đậu phụ,... Các nghề này được xếp vào các nhóm nghề chủ yếu như: nghề dệt, nghề chế biến lương thực-thực phẩm, nghề làm gỗ và thủ công mĩ nghệ, nghề sản xuất vật liệu xây dựng, nghề sản xuất từ kim loại. Trong đó các nghề phát triển nhất của Hưng Hà giai đoạn này là nghề dệt chiếu và dệt vải. Mặc dù không phát triển rộng khắp trong toàn huyện nhưngđây lại là những nghề đã mang lại giá trị cao trong tổng giá trị sản xuất mà huyện thu được trong lĩnh vực TTCN. Đồng thời nó còn thu hút một lượng lớn lao động, giải quyết việc làm tại chỗ rất ổn định với thu nhập khá cho lao động trong huyện.
Địa bàn hoạt động chủ yếu của nghề dệt chiếu ở Hưng Hà là hai xã Tân Lễ và Phú Sơn (nay là Thị trấn Hưng Nhân) với khoảng 9000 giường chiếu (tính đến năm 1994). Nghề dệt chiếu là một nghề truyền thống lâu đời có khoảng từ thế kỷX-XI, đến thế kỷ XV phát triển nhờ công của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Một lần đi sứ nước ngoài, ông đã học được kĩ thuật cải tiến chuyển từ khung dệt đứng sang khung nằm và cách biên chiếu về truyền dạy cho người dân làng Hới (nay là làng Hải Triều). Ban đầu từ một làng dệt “chiếu Hới” đến nay nghề dệt chiếu đã lan rộng ra khắp hai xã Tân Lễ, Phú Sơn và một số làng ở xã Hòa Tiến, Canh Tân.
Tính đến năm 2012, làng dệt chiếu Hới có 564 lao động dệt chiếu, chiếm 89,5% lao động trong làng (trung bình 2 người một giường chiếu). Bên cạnh các giường chiếu thủ công, từ năm 2006ở làng Hới đã xuất hiện những máy dệt chiếu giúp cho người dân làng Hới dệt chiếu được nhanh hơn, năng xuất cao hơn. Từ một làng nghề dệt chiếu Hải Triều, đến nay nghề dệt chiếu đã lan sang hầu khắp các thôn, làng thuộc các xã Tân Lễ, thị trấn Hưng Nhân, Hòa Tiến, Canh Tân… ở huyện Hưng Hà. Trong các làng làm nghề dệt chiếu hiện nay đã hình thành sự phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa theo mặt hàng và công đoạn sản xuất. Các sản phẩm chiếu hiện nay được tiêu thụ khắp các vùng miền trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Ở Tân Lễ có 19 thôn thì hầu hết các thôn đều làm nghề dệt chiếu, mỗi hộ gia đình đều có từ một đến hai giường chiếu. Trong những năm 80, ở Tân Lễ vẫn có hai bộ phận dệt chiếu do Hợp tác xã dệt chiếu chuyên nghiệp Hợp Thành và bộ phận dệt chiếu do Hợp tác xã nông nghiệp kiêm doanh, cùng các giường dệt hộ gia đình. Còn ở Phú Sơn, theo điều tra của tác giả thì có tới 2/3 số thôn làm nghề này như:thôn Lái, thôn Châu, thôn Vân Nam, thôn Vân Đông, thôn Đầu, thôn Thạch, thôn Văn, thôn An Tảo, thôn Buộm,…
Sự phát triển của nghề dệt chiếu đã kéo theo sự phát triển của nghề vê đay (đánh đay). Nguyên liệu chính của sản phẩm chiếu cói gồm có cói và đay sợi. Chính vì vậy, song song với sự phát triển của nghề dệt chiếu, nghề vê đay cũng phát triển theo. Địa bàn phân bố của nghề vê đay cũng trùng khít với nghề dệt chiếu ở Hưng Hà. Có nghĩa là, bên cạnh một bộ phận lao động làm nghề dệt chiếu, bộ phận khác làm nghề vê đay, phục vụ nhu cầu nguyên liệu tại chỗ cho nghề dệt chiếu ở Hưng Hà .
Nghề dệt vải chủ yếu là ở xã Thái Phương và một phần ở xã Phú Sơn. Trước kia do tính chất giữ nghề nên nghề dệt vải chỉ được lưu truyền trong xã Thái Phương mà cụ thể là tại làng Phương La. Người dân Phương La ngày nay vẫn truyền nhau câu ca dao mà các cụ từ xưa để lại:
Hỡi cô thắt dải lưng xanh Có về làng Mẹo với anh thì về Làng Mẹo buôn bán trăm nghề Sáng đi buôn lụa, tối về buôn tơ.
Đây là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời ở Phương La. Tương truyền rằng thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Hoằng Nghị Đại Vương truyền dạy cho con cháu khi đến làng Mẹo xưa và Phương La ngày nay lập nghiệp vào khoảng thế kỷ XIII.Nghề dệt vải ở Phương La trước đây chỉ truyền bí quyết cho con dâu chứ không truyền cho con gái, con gái chỉ lấy chồng trong làng chứ không lấy chồng ngoài làng. Vì vậy mà sự phát triển của nghề rất hạn chế về không gian. Ngày nay, do tính chất “giữ nghề” cũng đã giảm đi nên nghề dệt vải ở Phương La được truyền ra khắp các thôn của xã Thái Phương, một số người dân ở đây khi di cư đi nơi khác cũng mang theo nghề, và những người con gái đi lấy chồng cũng được truyền nghề. Đến nơi ở mới, họ đã làm nghề và dạy cho những người xung quanh biết nghề (trường
hợp nghề dệt vải ở Lán Tiền Phong thuộc xã Phú Sơn là do những người làng Phương La di dân đến đó lập nên).
Nghề dệt vải và nghề dệt chiếu không chỉ là nghề chính của nhân dân Hưng Hà mà còn nhờ có nó khắp nơi biết đến Hưng Hà như một vùng đất giàu truyền thống, cư dân cần cù, sáng tạo. Đến nay người ta vẫn biết đến nghề dệt chiếu ở Hưng Hà với câu ca “ Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”.
Sự đa dạng, phong phú của các nghề tiểu thủ công nghiệp của Hưng Hà đã tạo nên một bức tranh đa màu trong đời sống vật chất của người dân trong huyện, làm cho đời sống người dân ổn định. Một số nghề thủ công ở Hưng Hà là nghề chính, nhưng bên cạnh đó thì đa số là nghề phụ được người dân làm trong lúc nông nhàn, kiếm thêm thu nhập, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của nhân dân địa phương.
Bảng 2.1: Các nghề ở Hưng Hà thời kì 1986-1995 STT Tên ngành, nghề Địa phương (xã, thị trấn)