Tính cạnh tranh trong bầu cử được thể hiện ngay trong việc xác định tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu. Trong quá trình này, một cuộc bầu cử có mang tính cạnh tranh hay không đã được biểu hiện một cách rõ nét.
Tiêu chuẩn là cơ sở, tiêu chí cụ thể giúp cử tri lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho mình đồng thời có tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ cần có đủ các tiêu chuẩn theo luật định đều có thể ứng cử theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để được giới thiệu và chọn lựa vào danh sách bầu cử chính thức thì ứng cử viên đó không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn mà còn phải đảm bảo cơ cấu. Cơ cấu, thành phần là cần thiết, là yêu cầu khách quan để đảm bảo Quốc hội là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nhưng phải lựa chọn ứng cử viên “vừa bảo đảm cơ cấu, vừa bảo đảm tiêu chuẩn” thì đây là yêu cầu không dễ thực hiện. Vì thế, qua các nhiệm kỳ Quốc hội, vấn đề mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu luôn là vấn đề hàng đầu được dư luận quan tâm.
Để thực hiện quyền ứng cử, công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên phải đạt được một số tiêu chuẩn nhất định được quy định tại Điều 3 - LBCĐBQH như sau:
1. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;
47
3. Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;
4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Dựa vào các tiêu chuẩn trên, công dân có quyền tự ứng cử và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội thuộc MTTQ Việt Nam có thể giới thiệu, đề cử ứng cử viên. Không như ở một số nước, pháp luật bầu cử nước ta không qui định các ứng cử viên phải “đặt cược” tiền hoặc tài sản, phải đạt một “điểm sàn” nhất định về mức độ tín nhiệm của cử tri như phải thu thập chữ ký hay các biện pháp khác để hạn chế quyền ứng cử của công dân. Công dân Việt Nam chỉ cần có đủ năm tiêu chuẩn trên đều có thể ứng cử theo quy định của pháp luật. Chính vì thế, TS. Bùi Ngọc Thanh, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử ĐBQH khóa XII đã nhận xét: “Với quy định chung này thì vài ba chục triệu công dân từ 21 tuổi trở lên có đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội” [73, tr.35].
Nhìn chung, các tiêu chuẩn được đưa ra hết sức mở đã tạo cơ hội cho sự tham gia của các đối tượng đủ điều kiện, đồng thời nó cũng tạo ra sự cạnh tranh nhất định giữa những người đủ điều kiện để giành quyền trở thành ứng cử viên chính thức có tên trên lá phiếu bầu trong ngày tổng tuyển cử. Vì suy cho cùng, càng có nhiều người tham gia ứng cử thì cử tri càng có nhiều cơ hội để chọn lọc được người ưu tú nhất, tâm huyết nhất, phù hợp nhất để trở thành ĐBQH. Ví dụ, với tiêu chuẩn thứ 3 “Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội...” thì một người mới tốt nghiệp đại học, mới công tác được vài ba năm và một người có trình độ trên đại học đã có vài chục năm công tác, giữ chức vụ quản lý, có vị thế chính trị đều được công nhận là có trình độ và năng lực. Nếu được phép cho điểm, thì có người đạt điểm 9, điểm 10, có người đạt điểm 6, điểm 7, nhưng tất cả đều là đạt tiêu chuẩn. Như vậy,
48
quy định này sẽ tạo điều kiện cho những người trẻ tuổi ở nhiều ngành nghề khác nhau có khả năng, tâm huyết có thể ra tranh cử. Song, mặc khác, do các tiêu chuẩn không cụ thể, không định lượng, rất chung chung, định tính nên cũng thật khó để đo đếm, chọn lựa chính xác những người thực sự ưu tú, nổi trội. Vì vậy, đã đến lúc phải có sự hướng dẫn thật cụ thể, phải cụ thể hóa trình độ, năng lực của ứng cử viên ĐBQH.
Đối với vấn đề cơ cấu, trước hết căn cứ vào số lượng ĐBQH được bầu theo quy định của LBCĐBQH, căn cứ vào quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân, Ban Thường trực Đoàn chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của MTTQ đã tham gia xây dựng cơ cấu thành phần ĐBQH để đảm bảo Quốc hội phải là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân; đồng thời, đề xuất việc phân bổ số lượng cho các cơ cấu được hợp lý với số người được bầu làm ĐBQH của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương. Sau đó, MTTQ Việt Nam trực tiếp triệu tập và chủ trì quy trình hiệp thương với 5 bước như sau:
- Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ra ứng cử gồm cả người được đề cử và tự ứng cử. - Bước 2: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH.
- Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thống nhất việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó làm việc (nếu có).
- Bước 4: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử ĐBQH.
- Bước 5: Tổ chức nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH (bao gồm cả những người tự ứng cử).
49
Như vậy, MTTQ đưa ra các quyết định thực hiện các mục đích nhất định trong các lần hiệp thương dựa trên ba cơ sở là: tiêu chuẩn ĐBQH theo luật định; cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được dự kiến (hay điều chỉnh) và ý kiến của cử tri nơi công tác và cư trú. Có thể nói, mục đích của hiệp thương chính là qua các hội nghị được chủ trì bởi MTTQ, đưa ra thương lượng, thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được bầu, bước đầu lựa chọn sơ bộ ứng cử viên, bảo đảm những người ứng cử có đủ tiêu chuẩn, đáp ứng cơ cấu để Quốc hội thực sự đại diện cho nhân dân cả nước và cho từng địa phương, từ đó lấy căn cứ để lập danh sách bầu cử chính thức.
Có thể thấy, cách làm như hiện nay không thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong bầu cử, thậm chí là triệt tiêu sự cạnh tranh, bởi vì các hội nghị hiệp thương vô hình chung đã thay mặt cử tri chọn trước những người mà họ cho là “xứng đáng” và cần thiết trong Quốc hội. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có được giới thiệu người của mình ra ứng cử hay không phụ thuộc vào việc có được “phân bổ” chỉ tiêu hay không. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, theo phản ánh của lãnh đạo nhiều địa phương, một số cơ cấu được xác lập không có tính khả thi. Chẳng hạn, ở những tỉnh được bầu bốn ĐBQH thì đương nhiên phải có hai lãnh đạo ở tỉnh tham gia, hai vị trí còn lại vừa phải đảm bảo là nữ, trẻ tuổi, dân tộc ít người thì rất khó chọn lựa. Đây cũng là băn khoăn, trăn trở của nhiều lãnh đạo địa phương và cũng là khó khăn của nhiều kỳ bầu cử. Do phải gánh rất nhiều cơ cấu nên có khi cả tỉnh cũng chỉ tìm được một hai người đáp ứng được các đòi hỏi về cơ cấu. Mà như vậy thì chất lượng đại biểu bắt buộc phải bị bỏ qua. Nói cách khác, vấn đề đặt ra ở đây là sự xung đột giữa chất lượng đại biểu và cơ cấu đại biểu.
Nhìn chung, thực tế bầu cử cho thấy, việc dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH đến nay vẫn là “những điều định trước” chi phối quá trình hiệp thương lựa chọn ứng cử viên trong mỗi kì bầu cử Quốc hội. Do đáp ứng cơ cấu mà nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức vẫn phải “hi sinh” tiêu chuẩn để quán triệt sự chỉ đạo
50
của cấp trên. Điều này dẫn đến thực tế trong nhiều cuộc bầu cử là nhiều người có đức, có tài chưa chắc đã là người được giới thiệu, lựa chọn. Họ vẫn có thể bị bỏ sót, không được trọng dụng, không có cơ hội ghi tên vào danh sách bầu cử chính thức để ra tranh cử. Và khi không có nhiều người giỏi ra ứng cử, nó cũng đồng nghĩa với việc tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên đã giảm đi ít nhiều.