Vai trò của tính cạnh tranh trong bầu cử

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 29 - 34)

Theo cách nhận thức phổ biến trên thế giới hiện nay, một cuộc bầu cử dân chủ bao giờ cũng phải là một cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh [60, tr.222]. Jeane Kirkpatrick, cựu Đại sứ Mĩ ở Liên Hiệp Quốc đã từng phát biểu: “Bầu cử không chỉ có ý nghĩa tượng trưng…Đấy là các cuộc bầu cử theo định kì, có tính cạnh tranh, đại diện và chung cuộc” [94, tr.123]. Như vậy, có thể nói, tính cạnh tranh là một trong những yếu tố cơ bản để đánh giá mức độ dân chủ trong bầu cử, nếu không có yếu tố cạnh tranh, bầu cử sẽ mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Mặt khác, việc đảm bảo tính cạnh tranh trong suốt quy trình bầu cử cũng chính là đảm bảo nguyên tắc bình đẳng của mỗi hệ thống bầu cử. Ở đâu bầu cử thiếu tính cạnh tranh, ở đó sẽ nảy sinh tình trạng mất dân chủ thậm chí khủng hoảng chính trị. Vai trò của tính cạnh tranh trong bầu cử có thể được khái quát trong một số nội dung sau:

1.2.1.1. Tính cạnh tranh tạo cơ hội cho cử tri lựa chọn được người đại diện tốt nhất cho bản thân khi đi bầu cử

Một cuộc bầu cử đảm bảo tính cạnh tranh, trước hết phải đảm bảo cho cử tri có khả năng lựa chọn giữa nhiều ứng cử viên, giữa các chương trình, chính sách, giữa các đảng phái chính trị, vì cơ sở của lý thuyết cạnh tranh là “trong một

26

xã hội tồn tại sự đa dạng về lợi ích, về các mối quan tâm, chắc chắn cũng sẽ xuất hiện sự đa dạng về các nhu cầu chính trị và sự lựa chọn chính trị” [94, tr.37]. Vì vậy, trong bầu cử cũng cần phải thể hiện được sự đa dạng của các khuynh hướng chính trị, phản ánh tiếng nói của các đảng, các nhóm khác nhau trong xã hội. Sự thiếu vắng khả năng lựa chọn thông qua cuộc cạnh tranh giữa các đảng phái và các ứng cử viên luôn được xem là những dấu hiệu vi phạm nguyên tắc bầu cử dân chủ cơ bản trong thế giới hiện đại.

Bầu cử cũng giống như một cuộc thi, do đó, tính cạnh tranh của cuộc thi càng cao thì khả năng lựa chọn được người giỏi cũng càng cao. Đứng cạnh hàng trăm “thí sinh” khác, muốn có cơ hội trúng cử, ứng cử viên phải trình bày chương trình, kế hoạch hành động của mình sao cho thuyết phục được cử tri. Trong đó, các đảng, các ứng cử viên sẽ cố gắng làm nổi bật những ưu thế, thành tích đã đạt được và luận chứng cho những dự định, chương trình mục tiêu, những ưu tiên chính sách của họ trong tương lai để công chúng xem xét, thẩm định, đánh giá. Trên cơ sở đó, cử tri sẽ nhìn thấy được từng điểm mạnh, điểm yếu của từng ứng cử viên và sẽ quyết định dành niềm tin cho ứng cử viên nào, đảng nào mà họ cảm thấy có năng lực và triển vọng nhất. Đối với các nước đa đảng, các đảng chính trị cùng cạnh tranh với nhau để giành quyền lực nhà nước thông qua các cuộc bầu cử. Bầu cử trở thành diễn đàn đấu tranh giữa các khuynh hướng chính trị của các đảng và các ứng cử viên. Do vậy, sự khác biệt trong cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên thường rõ nét hơn ở các nước chỉ có một đảng cầm quyền (như Việt Nam), không khí trong vận động tranh cử cũng thường sôi động và khốc liệt hơn. Song dù thế nào thì những “điểm nhấn”, sự nổi bật trong cương lĩnh hành động của các ứng cử viên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của cử tri.

Có thể thấy, khi có nhiều sự lựa chọn buộc cử tri phải cân nhắc kĩ càng, cân đo đong đếm cẩn thận, thì chắc chắn, người được chọn sẽ là người thực sự

27

xứng đáng với sự mong đợi của cử tri. Vì vậy, đảm bảo tính cạnh tranh là vấn đề vô cùng quan trọng để cuộc bầu cử sàng lọc được người xứng đáng nhất cho một chức vụ nhất định, bất kể đó là nghị sĩ (đại biểu quốc hội) hay tổng thống, thủ tướng... Cạnh tranh là một cơ chế phản biện lẫn nhau giữa các đảng, khiến cho các đảng phái thường xuyên phải xem xét lại chính sách, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế xã hội và đáp ứng sự mong đợi của quần chúng. Đảng nào “bắt mạch” được sự vận động của xã hội, nhu cầu của quần chúng tốt hơn, đảng đó sẽ thắng cử và trở thành đảng cầm quyền. Do đó, để có thể giành thắng lợi, các đảng phải đưa ra được các chính sách phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân. Vì thế, sự cạnh tranh không chỉ giúp cử tri lựa chọn được những chính trị gia xuất sắc mà còn giúp họ lựa chọn được các chính sách tối ưu cho sự phát triển của quốc gia, của địa phương trong tương lai gần.

1.2.1.2. Tính cạnh tranh góp phần nâng cao chất lượng đại biểu được bầu

Cạnh tranh ở đây trước hết là cạnh tranh lành mạnh, có tính chất thi đua, thông qua đó mỗi chủ thể nâng cao năng lực của chính mình mà không cần dùng thủ đoạn để triệt hạ đối thủ. Vì vậy, phương châm của cạnh tranh lành mạnh là “không cần phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình tỏa sáng”. Với ý nghĩa đó, cơ chế cạnh tranh lành mạnh buộc các ứng cử viên phải có trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng một khuôn khổ tiêu chuẩn nhất định mới được ra ứng cử. Do đó, các ứng cử viên sẽ phải nỗ lực hết mình để chiếm được cảm tình hay củng cố lòng trung thành của cử tri cả trước và sau cuộc bầu cử. Ứng cử viên nào thật sự có thực lực, vừa có “tâm”, vừa có “tài” thì mới được lựa chọn. Nếu coi bầu cử là một cuộc thi, ứng cử viên là “thí sinh” thì chương trình hành động có thể coi là “bài thi” của các thí sinh. Do đó, muốn có được “điểm cộng” từ các ban giám khảo - cử tri, các đảng và các ứng cử viên phải dành nhiều sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng chương trình hành động thật trau chuốt, hấp dẫn người

28

nghe và có tính khả thi cao. Số phiếu mà mỗi đảng và mỗi ứng cử viên giành được chính là những thông số đánh giá mức độ tín nhiệm của cử tri đối với chương trình hành động của từng đảng, từng ứng cử viên.

Cơ chế cạnh tranh trong chính trị cũng giống như trong kinh tế. Khi có nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất, kinh doanh một sản phẩm, để bán được nhiều sản phẩm hơn, để thu hút người tiêu dùng, được người tiêu dùng lựa chọn, ưa thích, doanh nghiệp phải luôn cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mới giành được thị trường. Trong một cuộc bầu cử cũng vậy, khi có nhiều ứng cử viên sáng giá cùng cạnh tranh chức vụ được bầu thì các ứng viên càng phải chuẩn bị kĩ càng hơn, hoàn thiện mình nhiều hơn từ việc giữ gìn cho lý lịch “sạch sẽ”, phấn đấu được nhiều thành tích trong công tác, chăm chút đến từng câu chữ trong chương trình hành động của mình... Chẳng hạn, trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mĩ, các ứng cử viên thậm chí còn có hẳn chương trình “luyện tập” rất cụ thể từng cách đi đứng, sự biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt, từng lời ăn tiếng nói với cử tri, với đối thủ... sao cho xuất hiện hoàn hảo nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất.

Vì vậy, việc tạo ra cơ chế hợp lý để đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử là tiền đề rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng tuyển chọn của các cuộc bầu cử, làm cho quá trình sàng lọc ứng cử viên trở nên kĩ lưỡng và hiệu quả hơn. Chỉ thông qua quá trình sàng lọc dân chủ và cạnh tranh, những người có tài mới không bị bỏ sót và những kẻ cơ hội, xu thời mới bị loại bỏ. Đồng thời, nó cũng giúp cho các ứng cử viên có cơ hội làm quen và “thích nghi” với các hoạt động nghị trường, đặc biệt với các ứng cử viên lần đầu ứng cử.

1.2.1.3. Tính cạnh tranh phát huy tối đa giá trị lá phiếu của cử tri

Trong một cuộc bầu cử, kết quả cuối cùng sẽ do cử tri quyết định trên cơ sở lá phiếu của mình. Do đó, nhiệm vụ của ứng cử viên là giành được càng nhiều phiếu càng tốt. Những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh cao là những cuộc bầu

29

cử mà ứng cử viên bám đuổi quyết liệt, “kẻ tám lạng, người nửa cân” nên rất khó để đoán biết ai sẽ trở thành người chiến thắng và kết quả là các ứng cử viên cũng thường trúng cử với số phiếu sít sao. Đây là một trong những lý do khiến cho cuộc vận động tranh cử ở nhiều nước phương Tây ngày càng trở nên sôi động và quyết liệt. Thậm chí, nói đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, người ta thường dùng thuật ngữ “cuộc chạy đua vào Nhà trắng” để chỉ giai đoạn vận động tranh cử. Đây là giai đoạn nước rút để quyết định ai sẽ là người thắng cuộc trong ngày bầu cử chính thức nên tính cạnh tranh được thể hiện rõ nét nhất. Muốn trở thành người chiến thắng, các ứng cử viên phải ra sức tìm kiếm và củng cố sự ủng hộ của cử tri. Bởi suy cho cùng, mục đích của bầu cử là tìm ra người được ủng hộ của số đông cử tri. Do đó, với tính cạnh tranh quyết liệt của các cuộc vận động tranh cử, cử tri sẽ cảm nhận được rõ hơn giá trị mỗi lá phiếu của mình khi đi bỏ phiếu. Họ cũng sẽ hồi hộp khi chờ đợi kết quả và vui sướng khi biết được ứng cử viên mà mình ủng hộ đã thắng cử.

Bầu cử không chỉ tạo điều kiện cho công chúng bày tỏ thái độ của mình trước các chính sách mà qua đó nó còn cho phép tạo ra một sự trao đổi ảnh hưởng giữa người đại diện và cử tri. Nhờ đó, mối ràng buộc giữa ứng cử viên và cử tri lại được củng cố thêm sâu sắc. Nói cách khác, sự cạnh tranh trong bầu cử buộc các ứng cử viên phải quan tâm nhiều hơn đến cử tri - chủ nhân của những lá phiếu. Nó giúp cho lá phiếu của cử tri thực sự có sức mạnh chính trị ngay cả khi cuộc bầu cử đã kết thúc. Bởi những ứng cử viên đã được cử tri ủng hộ sẽ phải có trách nhiệm với những mong muốn, nguyện vọng của cử tri, với những gì mình đã hứa khi tranh cử, nếu không cử tri sẽ phản đối và giành phiếu cho ứng cử viên khác, đảng khác trong cuộc bầu cử tiếp theo. Ngoài ra, sự cạnh tranh cũng góp phần xóa bỏ tình trạng trúng cử do “ăn may”, khắc phục “bệnh hình thức” trong bầu cử.

30

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, tính cạnh tranh cũng có thể làm cho các cuộc bầu cử ngày càng thương mại hóa hoặc xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong các công đoạn bầu cử, đặc biệt là vận động bầu cử.

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 29 - 34)