Đổi mới nhận thức về tiêu chuẩn của một cuộc bầu cử dân chủ

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 102 - 103)

Tạo cơ chế cạnh tranh trong bầu cử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo tính dân chủ của một cuộc bầu cử, nhất là trong điều kiện một đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay. Cạnh tranh phải được hiểu là cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ tuyệt đối những quy định của pháp luật chứ không phải để ám chỉ tình trạng lộn xộn hay mất ổn định. Cạnh tranh không phải là cơ chế để triệt tiêu lẫn nhau, mà là phương thức để nuôi dưỡng sự phát triển, để ứng cử viên nào cũng phải phấn đấu hết mình cả trước và sau cuộc bầu cử thì mới được trúng cử hoặc tái đắc cử. Muốn vậy, phải tạo điều kiện để mọi công dân ưu tú đều có thể ra ứng cử ĐBQH, các ứng cử viên cũng phải có cơ hội ngang nhau để thể hiện mình trong suốt tiến trình bầu cử. Nói cách khác, đảm bảo cạnh tranh trước hết phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các ứng cử viên. Và cử tri khi có đủ thông tin về trình độ, năng lực, phẩm chất của các ứng cử viên, họ sẽ quyết định ai là người đủ tâm, đủ tài để trở thành người đại diện cho họ tham gia vào Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

99

Trong bối cảnh của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, quyền công dân và quyền con người ngày càng được khẳng định và đảm bảo, thì địa vị chính danh của Đảng trong lãnh đạo Nhà nước chỉ có thể có được bằng cách Đảng hoá thân vào Nhà nước thông qua các cuộc bầu cử dân chủ. Đây cũng là phương thức cầm quyền của hầu hết các đảng chính trị trên thế giới hiện nay. Điều này đòi hỏi Đảng phải tự vươn lên để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong một môi trường chính trị dân chủ, cạnh tranh, công khai và đối thoại. Như vậy, trước hết cần tạo sự cạnh tranh dân chủ trong Đảng và dần mở rộng sự cạnh tranh thực chất giữa các ứng cử viên trong Đảng và ngoài Đảng, đề cử và tự ứng cử. Những qui định về đơn vị bầu cử, về số lượng đại biểu được bầu trong một đơn vị bầu cử, việc phân bổ ứng cử viên ở trung ương về ứng cử ở các địa phương, về số dư cũng cần được nghiên cứu, đổi mới theo hướng minh bạch và khuyến khích sự cạnh tranh dân chủ. Theo đó, cạnh tranh phải là yếu tố xuyên suốt mọi khâu của quy trình bầu cử từ việc giới thiệu nhân sự đến phân chia đơn vị bầu cử và vận động bầu cử. Ngoài ra, các tổ chức phụ trách bầu cử cũng phải vô tư, khách quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra công bằng, dân chủ và đúng luật. Với những ý nghĩa đó, tính cạnh tranh của bầu cử Quốc hội cần được quy định cụ thể và phải trở thành một tiêu chí quan trọng “len lỏi” vào trong các đạo luật về bầu cử.

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 102 - 103)