Thông tin về ứng cử viên và vận động bầu cử

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 97 - 100)

3.1.3.1. Thông tin về các ứng cử viên còn hạn chế

Trong các cuộc bầu cử Quốc hội, nhìn chung cử tri còn chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về các ứng cử viên. Những thông tin chính thức do các cơ quan phụ trách bầu cử cung cấp thường cũng rất nghèo nàn. Hồ sơ về các ứng cử viên được công khai trước cử tri chỉ gồm tên tuổi, đơn vị công tác, vài dòng lý lịch trích ngang rất vắn tắt. Công tác vận động bầu cử bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn tình trạng khá hình thức, nghèo nàn, đơn điệu, mờ nhạt và mang tính chiếu lệ, vì vậy, nó thiếu sinh khí, thiếu tính hấp dẫn, chưa thực sự thu hút sự quan tâm của cử tri. Các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương thì thường tổ chức vào giờ hành chính nên chủ yếu chỉ thông qua các “đại diện cử tri” chứ không hướng tới toàn bộ cử tri. Ở nhiều nước phương Tây, các phương tiện TTĐC được ví như nhánh quyền lực thứ tư trong cấu trúc quyền lực của xã hội tư sản hiện đại, nó có khả năng điều khiển dư luận theo những hướng nhất định và phải được kiểm soát. Còn ở Việt Nam, các phương tiện TTĐC chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền về tầm quan trọng của bầu cử, phổ biến pháp luật về bầu cử cho nhân dân mà chưa chú trọng khai thác và cung cấp các thông tin về ứng cử viên một cách chuyên nghiệp, giúp cho cử tri có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về ứng cử viên. Do vậy, không chỉ thông tin mà mức độ tác động của những thông tin về các ứng cử viên đối với cử tri ở nước ta cũng còn rất hạn chế.

94

Điều này dẫn đến một tình trạng phổ biến trong các cuộc bầu cử là nhiều ứng cử viên chưa gặp gỡ được hết cử tri trong đơn vị bầu cử và ngược lại nhiều cử tri đi bầu không biết hoặc hiểu biết rất ít, thậm chí không cần biết về các ứng cử viên. Tỉ lệ cử tri đi bầu cử ở nước ta rất cao song một bộ phận không nhỏ cử tri chỉ biết, đi bầu cử cho xong nghĩa vụ chứ chưa quan tâm sát sao, chưa tường tận về những vấn đề cốt lõi của bầu cử, trong đó có những thông tin về các ứng cử viên. Ví dụ, các ứng cử viên xuất thân từ giới nào? kinh nghiệm, bản lĩnh và xu hướng chính trị ra sao? năng lực đại diện đến đâu? kế hoạch tranh cử có thuyết phục và khả thi không?...Những thông tin ít ỏi về các ứng cử viên chủ yếu được góp nhặt thông qua vài dòng lý lịch trích ngang khiêm tốn tại nơi bỏ phiếu. Điều đó dẫn đến hệ quả tất yếu là việc lựa chọn của cử tri mang nặng cảm tính, họ thường bầu cho qua chuyện, thậm chí khi bầu xong, cử tri không còn nhớ mình đã bầu cho ai, họ có trúng cử không, họ làm gì, hoạt động ra sao?

3.1.3.2. Tính cạnh tranh trong vận động bầu cử chưa được quan tâm đúng mức

Vận động tranh cử được coi là linh hồn của chế độ bầu cử tự do, tiến bộ và công bằng, nhưng dường như chúng ta chưa sẵn sàng cho vận động tranh cử. Trong hệ thống chính trị nhất nguyên, chế độ bầu cử ở nước ta có điểm khác biệt rất lớn với chế độ bầu cử trong hệ thống chính trị đa đảng. Bầu cử ở nước ta suy cho cùng, không đề cập đến việc lựa chọn về đường lối chính trị, vì đường lối đó đã được Đảng ta hoạch định, được cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng, được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Do đó, vận động bầu cử thường chỉ là sự trình bày kế hoạch hành động đơn lẻ của cá nhân các đại biểu, không phải là sự cạnh tranh “khốc liệt” giữa các đảng phái chính trị. Ngay trong việc sử dụng thuật ngữ cũng đã nói lên điều đó. Luật bầu cử nước ta hiện nay không sử dụng “vận động tranh cử” mà là “vận động bầu cử”. Các ứng cử viên cũng chỉ trình bày chương trình hành động của mình chứ không tranh luận trực tiếp với nhau.

95

Mặc dù luật pháp không cấm nhưng chúng ta chưa tạo điều kiện cho ứng cử viên tham gia hoạt động này.

Nhìn chung, vận động bầu cử ở nước ta còn khá “bình lặng”. Mặt trận Tổ quốc chỉ mời đích danh vài cử tri đến gặp gỡ ứng cử viên, những vấn đề nhạy cảm cũng hầu như không bao giờ được đề cập tới. Chương trình hành động của ứng cử viên thường cũng rất chung chung, rất ít các ứng cử viên đi sâu sát vào các vấn đề mà cử tri quan tâm, nhiều ứng cử viên còn coi nó chỉ là một thủ tục cần có nên cũng chỉ làm cho xong nhiệm vụ chứ chưa tâm huyết với vấn đề mình đưa ra. Điều này khiến cho cử tri rất khó phân biệt, lựa chọn giữa ứng cử viên này với ứng cử viên khác. Cử tri khi lựa chọn người đại diện cho mình chỉ căn cứ vào những cái tên quen thuộc và lý lịch ứng viên chứ không phải dựa trên vấn đề.

Bên cạnh đó, ứng cử viên không thể tự mình đứng ra vận động bầu cử, nếu không thông qua cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thời gian dành cho vận động bầu cử quá ngắn, kinh phí thì “bao cấp” nhưng hạn hẹp. Như vậy có thể nói, bầu cử Quốc hội hiện nay ở nước ta không được vận động tranh cử. Với qui định của pháp luật và tư duy về bầu cử như vậy, chúng ta chưa thể nói tới tính cạnh tranh trong vận động bầu cử.

Theo quy định của pháp luật, các ứng cử viên được bình đẳng trong quá trình vận động bầu cử, song thực tế thì điều kiện này vẫn chưa được đảm bảo, đặc biệt là giữa ứng cử viên trung ương và địa phương, giữa người ứng cử và tự ứng cử. Đang tồn tại một thực tế là, các ứng cử viên do trung ương giới thiệu thì dường như có quan niệm là mình đã “chắc ăn”, có một “suất” là đại biểu dân cử trước khi bầu cử rồi. Các vị ứng cử viên ĐBQH này như đã phân tích ở chương 2 được giới thiệu “tròn”, không có số dư, hơn nữa lại được giới thiệu về các đơn vị bầu cử ở các địa phương được coi là “nhẹ ký” hơn mình rất nhiều, vì vậy họ có tâm lý cần gì phải tích cực và vất vả vận động bầu cử nữa, khi mình gần như đã “nghiễm nhiên” trở thành đại biểu của dân rồi.

96

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)