Phân chia đơn vị bầu cử và các tổ chức phụ trách bầu cử

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 100 - 102)

3.1.4.1. Về phân chia đơn vị bầu cử

Có thể thấy, cách tổ chức đơn vị bầu cử như hiện nay nói chung phù hợp với hướng tư duy của chúng ta về bầu cử song nhìn chung vẫn chưa đảm bảo được tính cạnh tranh bình đẳng trong bầu cử.

Đơn vị bầu cử ở Việt Nam là đơn vị bầu cử đa đại diện. Mỗi đơn vị bầu cử (có nhiều khu vực bầu cử) thường bầu từ 2 đến 3 ĐBQH trong số từ 3 đến 5 ứng cử viên. Điều đó dẫn đến một thực tế là, mỗi cử tri phải tìm hiểu, tiếp cận và lựa chọn quá nhiều đối tượng cùng một lúc. Trong khi như phân tích ở chương 2, cử tri vẫn thiếu hiểu biết cặn kẽ về tất cả các đại biểu, và họ cũng không đủ khả năng để quan tâm, theo dõi hoạt động của tất cả các đại biểu khi trúng cử. Hơn nữa, số dư (tỉ lệ giữa số người được bầu và số ứng cử viên) của các đơn vị bầu cử thấp, cử tri không có đủ 2 ứng cử viên để chọn 1, trình độ năng lực của các ứng cử viên ở nhiều đơn vị bầu cử còn có sự chênh lệch rõ rệt. Do đó, tính cạnh tranh trong mỗi đơn vị bầu cử giữa các ứng cử viên còn chưa cao, nếu không muốn nói là rất thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngoài ra, thực tiễn tổ chức các cuộc bầu cử cho thấy, sự phân bổ các ứng cử viên về các đơn vị bầu cử, đặc biệt là việc phân bổ ứng cử viên trung ương về địa phương không theo các quy tắc chặt chẽ tối thiểu cần có mà theo sự chủ quan, thiếu chặt chẽ và sự minh bạch cần thiết. Điều đó không những làm giảm vai trò của cử tri, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự bình đẳng giữa các ứng cử viên trong bầu cử.

3.1.4.2. Các tổ chức phụ trách bầu cử

Các tổ chức bầu cử ở nước ta nhìn chung chưa thực sự độc lập, vẫn còn nhiều thành viên của Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử vẫn đồng thời là ứng cử viên ĐBQH. Nó làm cho tính cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng cử viên trong bầu cử vẫn chưa được đảm bảo.

97

Bên cạnh đó, thực tiễn các cuộc bầu cử Quốc hội ở nước ta cũng cho thấy, vẫn có nhiều “trục trặc” xảy ra trong quá trình bầu cử mà nguyên nhân xuất phát từ các tổ chức phụ trách bầu cử, đặc biệt là ở Tổ bầu cử. Ví dụ, hiện tượng đi bầu thay còn khá phổ biến, có gia đình đã “uỷ quyền” cho một thành viên thay mặt cho cả nhà thực hiện quyền bầu cử, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; những người nhập ngũ hoặc đi học tập, làm ăn xa, không có mặt tại địa phương nhưng Tổ bầu cử vẫn phát thẻ cử tri cho người nhà của họ để bỏ phiếu hộ... Xét trên bình diện lý thuyết, hành vi bỏ phiếu hộ thực chất là một kiểu gian lận bầu cử, vi phạm nguyên tắc “một người, một phiếu”, vi phạm nguyên tắc bầu cử dân chủ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều đơn vị bầu cử vẫn mặc nhiên chấp nhận thực trạng trên. Hệ quả là, con số cử tri đi bầu đếm theo lá phiếu đã không phản ánh đúng số người đến địa điểm bầu cử để thực hiện quyền công dân của mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sai sót trên nhưng chủ yếu do nhiều nơi chưa chú trọng đến công tác tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác bầu cử, thậm chí, có nơi đội ngũ cán bộ cơ sở chưa nắm vững các qui định của pháp luật bầu cử.

Để đánh giá một cuộc bầu cử có thực sự cạnh tranh dân chủ hay không, người ta thường xem xét các mục tiêu và phương thức tiến hành bầu cử đạt được ở mức độ nào, có đảm bảo được nguyên tắc dân chủ, công bằng, bình đẳng hay không. Điều này phụ thuộc một phần quan trọng vào công tác tổ chức giám sát bầu cử. Song, các hoạt động kiểm tra giám sát mới chỉ chú trọng đến vấn đề đảm bảo tiến độ công việc... chưa quan tâm nhiều đến thực chất công việc của các tổ chức bầu cử để đảm bảo tính bình đẳng giữa các ứng cử viên. Hơn nữa, có nhiều sai phạm của các tổ chức này, đặc biệt là của Tổ bầu cử như trên đã chỉ ra nhưng ngay cả các thành viên của MTTQ có vai trò giám sát trong ngày bầu cử vẫn “làm ngơ” và bỏ qua những vấn đề đó. Nguyên nhân của tồn tại này chủ yếu do tình trạng “bệnh thành tích” vẫn còn phổ biến trong nhận

98

thức và cách đánh giá thành công của bầu cử ở nước ta. Vì thế, cứ mỗi kỳ bầu cử Quốc hội ở Việt Nam, mặc dù cử tri đi bầu luôn đạt tỉ lệ trên 90% (xem Phụ lục 1) nhưng còn mang nặng tính phong trào, hình thức.

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 100 - 102)