Nguyên tắc phổ thông là một trong những nguyên tắc căn bản nhất của chế độ bầu cử, nó thể hiện ở tính toàn dân, toàn diện của bầu cử. Bầu cử là công việc chung của mỗi người, là sự kiện chính trị của xã hội. Theo nguyên tắc này, mọi công dân đến tuổi trưởng thành đều được tham gia bầu cử, trừ những người bị mắc các bệnh tâm thần và những người bị pháp luật hoặc tòa án nhân dân tước các quyền đó. Nguyên tắc này đảm bảo sự tham gia rộng rãi của nhân dân trong bầu cử và ứng cử. Trong thế giới hiện đại, việc bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu bầu ra người đứng đầu nhà nước và những đại biểu trong cơ quan đại diện chính là sự thực hiện quyền dân chủ quan trọng nhất của công dân. Giá trị của nguyên tắc bầu cử phổ thông không chỉ được thể hiện ở tính công khai, dân chủ rộng rãi, mà nó còn đòi hỏi sự đảm bảo để công dân thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của mình.
41
Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định điều này ngay từ khi chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên năm 1946, khi pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội chưa được ban hành: “Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không phân chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam đều có hai quyền đó” [48, tr.133]. Vì vậy, bên cạnh quyền bầu cử, công dân còn có quyền ứng cử. Quyền ứng cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thể hiện nguyện vọng của mình được bầu làm ĐBQH. Phạm vi và điều kiện thực hiện quyền ứng cử là một tiêu chí quan trọng đánh giá bản chất dân chủ của một cuộc bầu cử.
Ngay trong Điều 2 - Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ về mở cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội, văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử nước ta đã quy định: “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Thậm chí, pháp luật không chỉ qui định quyền bầu cử cho công dân Việt Nam, mà những người nước ngoài đã sống lâu năm ở Việt Nam, trung thành với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và mong muốn được tham gia Tổng tuyển cử cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ thực hiện quyền bầu cử.
Đến nay, bầu cử phổ thông là một nguyên tắc hiến định được điều 54 Hiến pháp ghi nhận và cụ thể hóa tại Điều 2 - LBCĐBQH: “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử ĐBQH theo quy định của pháp luật”. Khác với các nhà nước tư bản quan niệm rằng quân đội không được tham gia chính trị, ở Nhà nước ta quân nhân trong quân đội vẫn có quyền bầu cử và ứng cử. [17, tr.164]
42
Nói chung, quyền bầu cử càng được mở rộng cho nhiều người tham gia một cách hợp lý, càng thể hiện mức độ dân chủ của chế độ bầu cử. Nói cách khác, dân chủ phát triển càng cao, càng hoàn thiện, đòi hỏi sự tham gia của công dân vào tổ chức, hoạt động của nhà nước, tham gia vào các vấn đề chính trị ngày càng nhiều. Việc dỡ bỏ các điều kiện ngăn cản quyền bầu cử của công dân nói riêng cũng như thực hiện bầu cử tiến bộ, công bằng nói chung là xu thế tất yếu của lịch sử.